Tổng thư ký Liên Hợp Quốc: CNTT là ngọn hải đăng của hy vọng
Diễn đàn - Ngày đăng : 09:27, 17/05/2020
Được tổ chức từ năm 1969, Ngày Viễn thông thế giới giúp nâng cao nhận thức về khả năng sử dụng Internet và các công nghệ truyền thông khác. Đây cũng là ngày để các nền kinh tế và xã hội tìm cách thu hẹp khoảng cách số.
Thế giới hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, không chỉ đại dịch Covid-19 mà cả các thách thức kinh tế, xã hội. Ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định của thế giới. Công nghệ đám mây, nhận dạng trực tuyến, trung tâm dữ liệu và chatbot được ứng dụng mạnh mẽ cho thấy ICT giúp chúng ta sẵn sàng cho tương lai.
Nhân ngày 17/5 năm nay, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Atónio Guterres khẳng định: "Công nghệ thông tin có thể là ngọn hải đăng của hy vọng, cho phép hàng tỷ người trên thế giới kết nối".
Trong đại dịch COVID-19, Tổng thư ký cho biết: "Việc kết nối - với những người thân yêu, với các trường học, nơi làm việc, với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các nguồn cung ứng thiết yếu - là điều quan trọng hơn bao giờ hết".
ITU tiếp tục hợp tác với các đối tác ICT và các cơ quan của Liên Hợp Quốc để giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng này và phục hồi tốt hơn.
"Các công nghệ mới, từ 5G và dữ liệu lớn (big data) đến điện toán đám mây (cloud computing) và trí tuệ nhân tạo (AI), là những công cụ mạnh mẽ để giải quyết các thách thức cấp bách nhất của thế giới, bao gồm cả đại dịch. Không để ai bị bỏ lại phía sau có nghĩa là không để ai ngoại tuyến", Tổng thư ký Atónio Guteres nhấn mạnh.
"Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới nhắc nhở chúng ta rằng hợp tác quốc tế về công nghệ số là điều cần thiết để giúp đánh bại COVID-19 và đạt được Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững".
Trong khi đó, Tổng thư ký ITU Houlin Zhao kêu gọi tất cả mọi người cùng tham gia thúc đẩy Chương trình nghị sự kết nối 2030 của ITU, một tầm nhìn chung toàn cầu để thu hẹp khoảng cách số. Đồng thời sử dụng sức mạnh của ICT để hỗ trợ cho Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Tổng thư ký ITU mong muốn thế giới chứng kiến những công nghệ mới như 5G và giao thông thông minh, Internet vạn vật, AI và chuỗi khối (blockchain) có thể cải thiện cuộc sống của mọi người và tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Những công nghệ và sáng tạo mới này có tiềm năng to lớn, đáp ứng sự phát triển của loài người, là một công cụ mạnh mẽ để đạt được mọi mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc.
Theo Tổng thư ký ITU, gần một nửa dân số thế giới vẫn chưa được sử dụng Internet và tăng trưởng chung về kết nối ICT vẫn chậm."Chúng ta cần phối hợp và nỗ lực gấp đôi để kết nối mọi người với nền kinh tế số toàn cầu", ông Houlin Zhao nhấn mạnh.
Nhân Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới, Tổng thư ký ITU kêu gọi các quốc gia thành viên khai thác ICT để thúc đẩy tăng trưởng bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường và phát triển toàn diện cho mọi người, mọi nơi.
5G, IoT, AI và các hệ sinh thái đa dạng thúc đẩy tương lai của thế giới
Nhân ngày 17/5, ông Rajdip Gupta, CEO Route Mobile, nhà cung cấp nền tảng đám mây hàng đầu Ấn Độ, cũng đã khẳng định về vai trò ICT, các công nghệ mới đối với tương lai và nhận định 5G, IoT, AI, các hệ sinh thái đa dạng sẽ thúc đẩy tương lai của thế giới.
5G:
Năm 2020 là năm của 5G. Gartner dự báo doanh thu cơ sở hạ tầng mạng 5G trên toàn thế giới sẽ chạm mốc 4,2 tỷ USD vào năm 2020, ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm là 89%. Mạng 5G sẽ phủ sóng 1/3 dân số thế giới vào năm 2025. Các gói dữ liệu không giới hạn đã có, nhưng tốc độ tải xuống được kỳ vọng sẽ nhanh hơn, các giải pháp và ứng dụng 5G 360o với các tính năng mà chúng ta không thể tưởng tượng được ngày hôm nay cũng được kỳ vọng.
Truyền thông đám mây
Năm 2020, các sáng kiến của đám mây dự kiến sẽ chiếm 70% tổng chi tiêu công nghệ. Đến năm 2025, khoảng 80% doanh nghiệp trên toàn thế giới dự kiến sẽ chuyển hoàn toàn sang đám mây. Sau đại dịch Covid-19, làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn, theo đó, việc sử dụng đám mây là không thể thiếu.
Trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng:
Quản lý cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu (DCIM) đã giúp giảm mức tiêu thụ điện năng, chi phí sở hữu, tiết kiệm hàng tỷ USD để sử dụng cho các mục đích tốt đẹp hơn - như ở lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Các công ty hiện nay có thể quản lý giám sát, kiểm soát năng lượng, hệ thống làm mát, tài sản CNTT, lập kế hoạch năng lực và mô phỏng trung tâm dữ liệu, nhờ có DCIM luôn sẵn sàng.
Ứng dụng chat dành cho doanh nghiệp
Với 41 triệu tin nhắn được gửi đi mỗi phút trên toàn thế giới, các ứng dụng trò chuyện (chat) dành cho doanh nghiệp là cần thiết.
Đến năm 2022, 3 tỷ người dự kiến sẽ sử dụng các ứng dụng trò chuyện cho những công việc hàng ngày. Với tính khả dụng 24/7 và khả năng xử lý nhiều quy trình hơn như bỏ phiếu theo danh bạ và đa phương tiện trong cuộc gọi, các ứng dụng chat đang làm cho SMS truyền thống trở nên lỗi thời.
Chatbot
Các chatbot do AI điều khiển không chỉ làm tương tác giữa người với máy thông suốt mà còn tiết kiệm hàng triệu giờ làm việc. Chatbot giúp nâng cao đáng kể trải nghiệm thương hiệu và sẽ sớm loại bỏ yêu cầu phải có nguồn nhân lực lớn để phục vụ các quy trình đơn giản, giải phóng họ để thực hiện các nhiệm vụ cao cấp hơn.
Nhận dạng di động
Trung tâm của mọi hệ sinh thái kỹ thuật số, là quá trình nhận dạng di động đã cải thiện đáng kể trên toàn thế giới. Hàng tỷ người hiện đang thực hiện các giao dịch trực tuyến an toàn - từ chuyển khoản ngân hàng, mua hàng hoá thiết yếu đến thanh toán dịch vụ truyền hình cáp và đăng ký hiến tạng.
Với nhận dạng khuôn mặt và xác minh sinh trắc học có sẵn trên hầu hết các điện thoại thông minh, nhận dạng di động đã có một bước đột phá hoàn toàn mới và sẽ sớm trở thành một yếu tố tin cậy cho tất cả các giao dịch trực tuyến.
CPaaS với API hợp nhất
CPaaS là nền tảng truyền thông dựa trên đám mây dưới dạng dịch vụ. CPaaS cho phép các nhà phát triển bổ sung các tính năng giao tiếp thời gian thực có thể lập trình, ví dụ: trò chuyện bằng giọng nói hoặc văn bản (text) vào các ứng dụng của họ thông qua API. Điều này có thể được thực hiện mà không cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng back-end.
Sử dụng API, các hệ thống kinh doanh có thể được tùy chỉnh và định cấu hình cho phù hợp và thậm chí CPaaS có thể chạy trên bất kỳ hệ thống cũ nào hiện có. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp giờ đây có thể ảo hóa các nền tảng truyền thông và tích hợp chúng với các dịch vụ kiến trúc mở, biến đổi trải nghiệm thương hiệu.
Sử dụng công nghệ sâu hơn
Trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy () đã liên tục phát triển trong suốt thập kỷ qua. Chăm sóc sức khỏe, logistics, thương mại điện tử, thể thao, nguồn nhân lực và an ninh mạng, ứng dụng dụng AI và ML sâu hơn sẽ dẫn đường cho tương lai.
Theo ông Rajdip Gupta, 5G, IoT, AI và hệ sinh thái đa dạng sẽ dẫn đường cho tương lai của nhân loại. Khi vượt qua đại dịch này, chúng ta ghi nhớ rằng công nghệ và viễn thông là nền tảng để các nền kinh tế, cuộc sống tiếp tục tiến lên ngay cả trong những thời điểm không thể dự báo được như đại dịch Covid-19.
Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới cũng là lúc để chúng ta nhìn nhận những bước nhảy vọt của ngành và tiếp tục chứng kiến vai trò của ICT trong việc làm thay đổi cuộc sống ngay cả đối với những người dễ bị tổn thương nhất về kinh tế.