Hậu Covid-19 - Tìm cơ trong nguy để phát triển
Kinh tế số - Ngày đăng : 19:56, 15/05/2020
Covid-19: Một tình thế cho sự phát triển
Sau đại dịch, không chỉ Việt Nam, nhiều nước sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế, chúng ta cũng không thể dự đoán chính xác những tác động mà dịch bệnh để lại, nhưng chúng ta cũng xác định sau thảm họa Covid-19 đây được xem như tình thế của sự phát triển.
Khẳng định điều này, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng: Covid-19 là một biến cố mới không chỉ phức tạp đối với thế giới, nó ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Khi đã là biến cố, chúng ta phải coi đây là một lý do để Việt Nam tư duy lại nhằm tạo cơ hội, tình thế mới cho sự phát triển và toàn cầu hóa của Việt Nam.
Trên quan điểm nhận định, đánh giá, PGS. TS. Thiên cho rằng: Thế giới hậu Covid sẽ là thế giới khác, do vậy, tình thế để Việt Nam tạo ra các giá trị phát triển nền kinh tế phải là sáng tạo công nghệ.
Là một nước mở cửa, hội nhập sau, kinh tế thị trường chưa đầy đủ, giờ Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội để thay đổi cấu trúc kinh tế, lấy cấu trúc công nghệ để phát triển, đẩy mạnh kinh tế sau dịch bệnh...
Trong nguy có cơ và không tìm cơ trong nguy
Theo PGS. TS. Thiên, "trong nguy có cơ" và không tận dụng "cơ trong nguy". Song phải hiểu nhiệm vụ cơ bản bây giờ là "trụ vững" chứ không phải là ra sức tìm kiếm "cơ trong nguy" theo nghĩa "kiếm chác". "Cơ" tầm chiến lược sẽ chỉ biến thành lợi ích thật sự khi nền kinh tế và đa số doanh nghiệp (DN) trụ vững trước cơn cuồng phong này.
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần bình tĩnh, lo hỗ trợ, bảo vệ DN, chủ động trước những biến lường của thế giới, nương theo sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu để chuẩn bị chủ động cho mình. "Cơ trong nguy" phải chú ý tìm trong dài hạn chứ không phải là cơ hội ăn ngay, theo kiểu tranh thủ thời vụ.
"Covid-19 là cơ hội để chúng ta tìm "cơ" trong "nguy", Việt Nam cần tập trung tạo cơ hội cứu cánh cho các DN thông qua các chính sách mới phù hợp, qua đà này, chúng ta cần "thay máu" tạo sức mạnh cho lực lượng DN mới", TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Theo TS. Thiên, vấn đề tạo sức mạnh cho lực lượng DN mới là vô cùng quan trọng, nó phải được đặt trong chuỗi các cấu trúc mới và phải được bình thường trong cái "mới", không phải trong cái "cũ". Chúng ta phải tạo ra hệ thống DN mới chứ không phải chỉ là phục hồi DN cũ.
Bên cạnh sự hỗ trợ, luôn cần tinh thần khởi nghiệp
Cũng theo PGS. TS Trần Đình Thiên, những năm qua, Chính phủ đã hỗ trợ để Nhà nước kiến tạo, DN có nhiều đóng góp, trở thành động lực phát triển, tất cả đã đồng nhịp cùng nền kinh tế được đảm bảo. Tuy nhiên sau đại dịch, một số điểm yếu lộ rõ, trong đó có nhân tố kinh tế tư nhân (các DN nhỏ và vừa).
"Do vậy thời gian này, Chính phủ, Nhà nước cần phải xây dựng lại cấu trúc thương mại cho cần cân bằng, Nhà nước, Chính phủ cần giảm thiểu rủi ro chính sách để giúp DN đứng vững trong khó khăn và đẩy mạnh, sử dụng các gói cứu trợ hiệu quả. Bên cạnh đó, các DN nhỏ và vừa phải chủ động phát huy năng lực tối đa của mình để vận dụng các ưu đãi nhà nước dành cho".
Trên quan điểm chia sẻ những khó khăn, nhằm đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế cho các DN sau đại dịch, chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Chúng ta cần tập trung vào các trụ cột cần cứu, đồng thời tạo ra động lực phục hồi trở lại nền kinh tế. Cần thiết phải thành lập một tổ đặc nhiệm giải thoát nền kinh tế, từ cấp Thủ tướng đến các cấp chính quyền địa phương.
"Cần phân biệt, đánh giá, phân loại mức độ ảnh hưởng thiệt hại của DN để tránh tình trạng không hỗ trợ sai đối tượng. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh phát triển thông tin DN lên mạng, số hóa và thực hiện theo cơ chế một cửa".
Là một DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT, ông Nguyễn Khắc Đồi, Chủ tịch Tập đoàn Thời gian Vàng (Gold Time Group) cho rằng: "Làm gì sau dịch để phát triển luôn là vấn đề quan trọng đặt ra đối với từng DN, tuy nhiên, trong tình trạng khó khăn rất cần sự nội lực, tinh thần khởi nghiệp chủ động và hành động, không chỉ ngồi chờ Chính phủ, Nhà nước hỗ trợ.
"Nếu chúng ta không hành động kết quả vẫn chỉ là những cái cũ. Do vậy trước mắt cần chủ động sắp xếp bộ máy cơ cấu tổ chức DN hợp lý hơn, giảm chi phí phát sinh và phải cần chủ động về công nghệ".
Dù vẫn biết, phía trước các DN đang là những khó khăn, thử thách, nhưng khi vượt qua nghĩa là chúng ta đã vượt qua chính mình và Covid-19 chính là một tình thế cho sự phát triển, cần thay đổi toàn diện.