Ra mắt những cuốn sách quý giá về di sản

Truyền thông - Ngày đăng : 15:40, 15/05/2020

Viện Bảo tồn di tích vừa xuất bản 3 cuốn sách mới: “Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích - tập 3”, “Kiến trúc đền Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích” và “Kiến trúc nhà thờ Công giáo Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích”.

Đây là kết quả nghiên cứu dày công trong suốt nhiều năm của Viện Bảo tồn Di tích, đặc biệt có những bản vẽ tư liệu quý là công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ cán bộ kỹ thuật.

Tiếp nối mạch chảy của "Bách khoa thư" về đình, chùa, Viện Bảo tồn di tích tiếp tục xuất bản bộ 3 cuốn sách kiến trúc mới này với thông điệp: "Không thể nào giữ lại cho mai sau hàng ngàn ngôi đình, đền, chùa… cũng không thể nào bảo tồn và trùng tu hàng trăm ngôi đình, đền, chùa… dù chúng ta có nỗ lực đến đâu. Điều duy nhất mà ta đủ sức và đủ thời gian để làm đó là ghi chép, vẽ lại và chụp lại, xây dựng quỹ tư liệu khoa học, có cơ may lưu lại muôn đời…".

Ra mắt những cuốn sách quý giá về di sản. - Ảnh 1.

Cuốn sách về kiến trúc Việt Nam

TS. KTS. Hoàng Đạo Cương - Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích chia sẻ: "Đây là những cuốn sách cung cấp những thông tin xác thực nhất về tình trạng của di tích, quá trình tồn tại và phát triển của di tích cùng những bản vẽ và tài liệu quý giá. Chúng tôi mong muốn những cuốn sách này sẽ đến tay những nhà quản lý, những nhà chuyên môn và những độc giả yêu di sản, yêu kiến trúc".

Trong cuốn "Kiến trúc đền Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích", GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Kính có viết lời tựa: "Đền, miếu, phủ, am… có lẽ chưa được nghiên cứu, chưa được tư liệu hóa nhiều, như đình và chùa. Những ngôi đền như đền Và ở Sơn Tây, đền An Dương Vương ở Cổ Loa, đền Lý Bát Đế ở Bắc Ninh, đền Chử Đồng Tử ở Hưng Yên, đền Cuông ở gần Vinh… sự uy nghi dành cho thần thánh, sự gần gũi với con người và sự nhuần nhị với xung quanh. Ở hầu như mọi làng Việt xưa cũ, luôn hiện hữu những ngôi miếu nho nhỏ, đứng sát kề cùng những nếp nhà dân quê - chốn linh thiêng dưới mái nhà đơn sơ… Giá mà ghi chép được những ngôi đền miếu to nhỏ ấy, để rồi ai đó ngắm nhìn, ngộ và cảm ngay cái hồn và cái sắc của nghệ thuật kiến trúc Việt. Tư liệu hóa di sản văn hóa vật chất không chỉ là một nghiệp vụ, mà còn là một công việc đòi hỏi sự nhẫn nại và tấm lòng".

Đặc biệt với 2 đầu sách về đền Việt Nam và nhà thờ Công Giáo, đây được coi như nền tảng, tư liệu đưa ra những quyết sách về quản lý với lĩnh vực tôn giáo.

Trước đó, những ấn phẩm đầu tiên trong series sách giới thiệu về kết quả nghiên cứu trong nhiều chục năm qua của Viện Bảo tồn di tích cũng đã được công bố và nhận được sự đón đợi của đông đảo bạn đọc.

Đó là "Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích" -  tập 1, tập 2; "Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích" - tập 1, 2… Đây đều là "kho tư liệu" quý giá về những ngôi đình, chùa tiêu biểu, với nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc đặc sắc, mang hơi thở nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của từng thời kỳ lịch sử…

Nhận định về lần ra mắt bộ sách quý này của Viện Bảo tồn Di tích, GS. TS. Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đánh giá cao những nỗ lực của Viện trong việc xây dựng được bộ hồ sơ quý giá, quảng bá di sản của Viện mà nói về văn hóa di sản văn hóa nghệ thuật hết sức đặc sắc của cha ông.

Chia sẻ trong dịp ra mắt bộ 3 cuốn sách di sản mới của Viện Bảo tồn di tích, PGS. TS. KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho hay: "Tài liệu giá trị này giúp cho sinh viên, giảng viên của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thêm những nghiên cứu dày dặn, bám sát, nâng cấp, bảo vệ di sản Việt…".

T.H