Bộ Xây dựng: Cải cách hành chính toàn diện trên các lĩnh vực công tác

Truyền thông - Ngày đăng : 15:50, 14/05/2020

Đó là các nội dung trọng tâm trong Quý II/2020 được Bộ Xây dựng triển khai thực hiện hướng đến tổng kết, đánh giá 10 năm Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước.

Không để phát sinh điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành không cần thiết

Theo kế hoạch, trong Quý II/2020, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, ban hành các biện pháp triển khai Nghị định số 32/2020/NĐ - CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đồng thời, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), đảm bảo đồng bộ, khả thi, kịp thời; rà soát, sửa đổi, bổ sung và xử lý dứt điểm các văn bản có quy định chưa phù hợp với các văn bản QPPL đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành trong các năm 2017, 2018 và 2019.

Đối với các văn bản QPPL quy định thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Nhất là việc không để phát sinh điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành không cần thiết; không lồng ghép, bổ sung các điều kiện kinh doanh mới vào các văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản QPPL.

Bộ Xây dựng: Cải cách hành chính toàn diện trên các lĩnh vực, công tác - Ảnh 1.

Nhiều TTHC của Bộ Xây dựng đã được thực hiện trực tuyến. Ảnh chụp màn hình: Bình Minh

Kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp

Bộ Xây dựng cũng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, công khai, minh bạch TTHC, điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý; đổi mới phương pháp, cách thức giải quyết TTHC trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện và giám sát. Đối với những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp sẽ được giải quyết kịp thời đi kèm với hoạt động kiểm tra việc thực hiện TTHC làm sao để không gây vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Mới đây, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại dịch vụ Trường Thịnh đề nghị giải đáp các vướng mắc liên quan tới bản vẽ tổng mặt bằng và các vấn đề thực hiện một dự án, Bộ Xây dựng đã kịp thời trả lời: TTHC bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ trong lĩnh vực Quy hoạch - Kiến trúc thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng không có quy định đối với việc chấp thuận tổng mặt bằng dự án.

Đồng thời, Bộ Xây dựng giải thích thêm, theo quy định tại Khoản 5 Điều 10 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng, việc kiểm tra sự phù hợp của nội dung bản vẽ tổng mặt bằng được thực hiện trong quá trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng.

Các kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp từ Cổng dịch vụ công quốc gia cũng được tiếp nhận, xử lý. Nguồn thông tin được tiếp nhận từ đây nằm trong hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị nói chung được ngành xây dựng tiếp tục thực hiện. Khi phản ánh, kiến nghị được xử lý, sẽ được công khai kết quả theo quy định.

Bên cạnh đó, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tiếp tục được thực hiện và phát huy hiệu quả nhằm cụ thể hóa Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ. Việc giải quyết TTHC trong phạm vi quản lý của ngành xây dựng cũng tiếp tục được giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Xây dựng: Cải cách hành chính toàn diện trên các lĩnh vực, công tác - Ảnh 2.

Bãi bỏ bớt TTHC giúp đầu tư xây dựng thông thoáng hơn. Ảnh: Bình Minh

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng quyết tâm thực hiện hiện đại hóa hành chính bằng các giải pháp cụ thể như: chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử; nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thông qua đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức; triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.

30% dịch vụ công trực tiếp thiết yếu của Bộ Xây dựng sẽ được thực hiện tích hợp, cung cấp tối thiểu. Quy trình nghiệp vụ các TTHC thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng sẽ được đơn giản hóa đi cùng việc nâng cao số lượng thủ tục và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3 và 4, bảo đảm chất lượng theo quy định.

Song hành với đó, giải pháp ứng dụng CNTT trong điều hành, xử lý công việc thông qua việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử công vụ cũng được Bộ Xây dựng triển khai. Nâng tỷ lệ gửi nhận văn bản điện tử lên 100%, tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng của các vụ, cục và tương đương thuộc Bộ Xây dựng lên 80%. 

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ triển khai công tác tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, đảm bảo tính toàn diện, khoa học, thiết thực, hiệu quả, gắn với việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ; đề xuất Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021- 2030 của Bộ, trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đồng bộ, khả thi để triển khai thực hiện theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước.


Bình Minh