Điểm sáng văn hóa đọc nơi biên giới
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 15:06, 14/05/2020
Với vai trò hạt nhân của phong trào đưa văn hóa-thông tin về cơ sở, hệ thống thư viện công cộng và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Tp. Hồ Chí Minh v.v.... đã cụ thể hoá kế hoạch xây dựng tủ sách các đồn biên phòng hàng năm trên địa bàn.
Ngoài việc đầu tư kinh phí xây dựng vốn sách báo, mua sắm trang thiết bị thư viện, để tăng cường hỗ trợ cho các thư viện - tủ sách đồn biên phòng, các tỉnh nói trên còn làm tốt công tác xã hội hoá, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, các ban ngành, đoàn thể quần chúng như: Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp và giúp đỡ mọi mặt cho các tủ sách đồn biên phòng.
Đến nay, hàng trăm ngàn bản sách đã được hỗ trợ cho thư viện cấp huyện có nhiều khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; xây dựng "kho sách lưu động" ở 63 thư viện tỉnh, thành để luân chuyển sách báo về cơ sở. Đồng thời, hầu hết các đơn vị bộ đội biên phòng ở nước ta đã có tủ sách, thư viện. Bình quân mỗi Thư viện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh có từ 5.000 đến 6.000 bản sách; 20-30 loại báo, tạp chí.
Mỗi Tủ sách đồn biên phòng đơn vị cơ sở bình quân từ 600 đến 1.500 bản sách và 8-15 loại báo, tạp chí; đặc biệt nhiều thư viện cấp tỉnh của Đội biên phòng có từ 7.000 bản sách và hàng chục loại báo chí trở lên như: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhiều tủ sách đồn biên phòng cơ sở có số lượng sách từ 1.500 cuốn trở lên như các đồn: Chi Ma (Lạng Sơn), Pa Thơm (Lai Châu), Na Mỡ (Thanh Hoá), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Đắc Long (Kon Tum), Bờ Y (Gia Lai), Côn Đảo (Bà Rịa -Vũng Tàu), Đồn 596 và Đồn Ngư Thủy (Quảng Bình) ...
Để Tủ sách đồn biên phòng hoạt động có hiệu quả, mỗi năm đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng được hướng dẫn, nâng cao nghiệp vụ thư viện. Bên cạnh nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia nơi biên giới và hải đảo, những chiến sĩ mang "quân hàm xanh" đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong công tác vận động quần chúng.
Trên các nẻo đường biên cương và hải đảo, bộ đội biên phòng, không chỉ có "thầy giáo mang quân hàm xanh", "bác sĩ mang quân hàm xanh", mà nay còn có "cán bộ thư viện mang quân hàm xanh" mang ánh sáng văn hóa của Đảng đến với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc.
Việc luân chuyển sách báo đến các đồn biên phòng cũng được các thư viện các tỉnh, huyện thực hiện khá thường xuyên. Những năm qua, mạng lưới thư viện công cộng trên toàn quốc đã luân chuyển hàng vạn cuốn sách đến các thư viện, tủ sách đồn biên phòng.
Cán bộ thư viện đã quyên góp từng cuốn sách, tờ báo, rồi tổ chức phân phát về các đồn biên phòng bằng mọi phương tiện, thậm chí là gùi trên lưng, đi bộ xuyên rừng, trèo đèo cao, lội suối sâu đến các chốt tiền tiêu của Tổ quốc, tạo ra ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc nơi biên cương.
Thông qua việc đọc và làm theo sách báo, nhiều đồn biên phòng đã vận dụng vào thực tiễn nhiệm vụ, đem lại hiệu quả thiết thực, vừa góp phần giáo dục cán bộ chiến sĩ, nhân dân vững vàng trong công tác giữ gìn an ninh biên cương Tổ quốc, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, xóa mù chữ và tái mù chữ cho đồng bào, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc...