Myanmar sẽ phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 2021
Diễn đàn - Ngày đăng : 10:22, 13/05/2020
Myanmar sẽ phóng vệ tinh đầu tiên sử dụng công nghệ Nhật Bản vào năm 2021. Các kỹ sư và nhà nghiên cứu của Myanmar sẽ phát triển một vệ tinh siêu nhỏ và phóng vệ tinh này lên quỹ đạo trái đất với sự giúp đỡ của hai trường đại học Hokkaido và Tohoku, Nhật Bản.
GS. Yukihiro Takahashi, Đại học Hokkaido và Giám đốc Trung tâm bay không gian của trường đại học cho Nikkei biết: Vệ tinh đầu tiên của Myanmar là một vệ tinh quan sát trái đất, được sử dụng nhằm nâng cao năng suất trong nông nghiệp cũng như ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và giám sát ô nhiễm môi trường.
GS. Takahashi cho biết, các sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Kỹ thuật hàng không vũ trụ quốc gia Myanmar, sẽ đến Nhật Bản để nghiên cứu phát triển vệ tinh siêu nhỏ khoảng 50 kg với kích thước mỗi bên tối đa khoảng 50 cm.
Theo chương trình này, các kỹ sư Myanmar sẽ phát triển hai vệ tinh trong vòng 5 năm và được đào tạo một loạt các quy trình trước khi các vệ tinh này được phóng lên. Các kỹ sư sẽ được đào tạo về chuyên môn thiết kế và phân tích dữ liệu vệ tinh. Tổng kinh phí của chương trình là 1,7 tỷ JPY (16 triệu USD) do chính phủ Myanmar cấp, bao gồm chi phí phát triển vệ tinh và phóng lên quỹ đạo.
Dự kiến, 7 kỹ sư Myanmar đầu tiên sẽ đến Nhật Bản vào tháng 3, nhưng chuyến đi đã bị hoãn lại do dịch Covid-19. "Việc chuẩn bị cho chương trình đang diễn ra và chúng tôi sẵn sàng chào đón các kỹ sư khi tình hình trở nên tốt hơn", ông Cameron Takahashi cho biết.
Dự án này là một phần trong chương trình của chính phủ Myanmar nhằm xây dựng hệ thống vệ tinh riêng của quốc gia. Năm 2017, chính phủ Myanmar đã thành lập một ban chỉ đạo để thiết lập một hệ thống vệ tinh của Myanmar, do Phó Tổng thống Myanmar Myint Swe, chủ trì.
Vào tháng 8/2019, vệ tinh liên lạc Intelsat 39 đã được phóng từ Guiana thuộc Pháp. Myanmar đã giành được quyền sử dụng một phần các chức năng vệ tinh này cho các dịch vụ trong nước.
"Intelsat 39 sẽ hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu của chính phủ nhằm đảm bảo 95% dân số có quyền truy cập kết nối băng thông rộng vào năm 2022", ông Terry Bleakley, Phó chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Intelsat cho biết.
Đại học Hokkaido và Đại học Tohoku đã phát triển hai công nghệ riêng biệt cho các vệ tinh lớn. Một công nghệ sẽ dành cho vệ tinh hướng chính xác vào một khu vực cụ thể. Công nghệ thứ hai cho phép điều chỉnh từ xa cảm biến để phát hiện một phổ ánh sáng khác nhau tùy thuộc vào mục đích. Cả hai công nghệ này sẽ giúp tăng cường tính linh hoạt trong quan sát và có khả năng sẽ được cài đặt trên vệ tinh mới của Myanmar.
Ở Myanmar, đường bộ đang ở trong tình trạng tồi tệ, rất khó lái xe đến các khu vực canh tác để theo dõi sự tăng trưởng của mùa vụ hoặc giám sát ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các vệ tinh có thể quan sát các vùng đất rộng lớn từ trên không gian.
Các sinh viên Myanmar đến Nhật Bản sẽ được tìm hiểu cách sử dụng các các vệ tinh phục vụ quan sát và quá trình thiết kế cũng như sản xuất vệ tinh.
Các nước Đông Nam Á tích cực phát triển vệ tinh
Các nước châu Á mới nổi, như Philippines, Malaysia và Indonesia, đã tích cực phát triển các hoạt động không gian vũ trụ. Trong khi việc phát triển các vệ tinh lớn tốn hàng trăm triệu USD thì chi phí phát triển cho các vệ tinh siêu nhỏ ít tốn kém hơn khoảng 100 lần, ở mức 3 - 5 triệu USD/vệ tinh.
"Các quốc gia mới nổi với nguồn lực kinh tế hạn chế có thể phóng các vệ tinh siêu nhỏ để giúp giải quyết các vấn đề khác nhau trong nông nghiệp và phòng chống thiên tai", theo GS. Tak Takashi.
Trước dự án chung với Myanmar, Đại học Hokkaido và Đại học Tohoku đã giúp Philippines phát triển và phóng thành công vệ tinh đầu tiên của nước này, Diwata-1, vào năm 2016, và vệ tinh kế tiếp là Diwata-2. Sử dụng các hình ảnh do Diwata-1 cung cấp đã giúp phát hiện ra một loại bệnh ở cây chuối. Kiểm tra các hình ảnh từ vệ tinh đã giúp ứng phó nhanh hơn với loại bệnh làm hỏng các cây chuối.
Năm 2016, Hiệp hội vệ tinh siêu nhỏ châu Á được thành lập theo sáng kiến của Trung tâm không gian vũ trụ Đại học Hokkaido. Liên minh được hình thành từ 16 trường đại học và các cơ quan vũ trụ từ các nước châu Á mới nổi, bao gồm Myanmar và Nhật Bản, nhằm mục đích chia sẻ công nghệ phát triển vệ tinh siêu nhỏ và dữ liệu quan sát. Trong tương lai, các bên tham gia liên minh sẽ cùng vận hành các vệ tinh được các quốc gia khác nhau phóng lên. Với 50 vệ tinh siêu nhỏ, toàn bộ thế giới sẽ được theo dõi liên tục.
Cũng theo GS GS. Tak Takashi, "Không gian không có đường biên giới quốc gia. Chúng tôi muốn tạo ra một môi trường, trong đó chúng tôi sẽ xem xét cách sử dụng không gian như một cộng đồng, bao gồm cả các nước mới nổi, mà không bị kiểm soát bởi các siêu cường quốc như Mỹ và Trung Quốc và các công ty CNTT lớn".