WeFit phá sản, khách hàng bỏ vài chục triệu mua thẻ tập, spa liệu có mất trắng?

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 09:55, 13/05/2020

Sau khi WeFit tuyên bố phá sản, nhiều khách hàng bỏ cả chục triệu mua thẻ tập thể hình, yoga đã liên hệ với doanh nghiệp này nhưng hoặc máy bận hoặc được trả lời chưa thỏa đáng.

WeFit (hiện đổi tên thành WeWow), startup từng được định vị là Uber của giới Fitness, vừa tuyên bố phá sản. Nhiều khách hàng mua thẻ tập thể thao, spa của WeFit đang nóng lòng đòi lại tiền mua dịch vụ. Có người 10 triệu, có người 20 triệu, có người thẻ sử dụng đến năm 2021.

WeFit phá sản, khách hàng bỏ vài chục triệu mua thẻ tập, spa liệu có mất trắng? - Ảnh 1.

Thông báo nộp đơn phá sản của Onaclover, pháp nhân của WeFit, Wewow

Khách hàng "khóc ròng" đòi lại tiền từ WeFit

Sau khi nghe tin WeFit phá sản, nhiều khách hàng đã gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của WeFit để đòi lại tiền. Nhiều khách hàng khác đã bình luận trên các Fanpage của WeFit.

Một khách hàng viết: "Tôi là khách hàng đã mua gói WeFit 8 tháng sử dụng đến tháng 10/2020. Đó là gói tập không giới hạn buổi. Nhưng tôi nhận thông báo các bạn đề nghị chuyển đổi sang gói tập giới hạn số buổi. Việc đó là không đúng với thỏa thuận hai bên khi mua bán. Hiện tại tôi không thể đặt lịch tập nếu như không chọn lựa theo ý các bạn và số ngày tập cứ bị trừ ngày qua ngày".

WeFit phá sản, khách hàng bỏ vài chục triệu mua thẻ tập, spa liệu có mất trắng? - Ảnh 2.

Người này cho biết thêm rằng đã liên lạc bộ phận chăm sóc khách hàng và gọi hotline nhưng không có người trả lời. Vị khách này cũng hoàn toàn không được giải thích thỏa đáng bất cứ một lời nào từ WeFit.

Một bình luận khác viết: "Nhắn tin các bạn đọc xong không trả lời. Các bạn khó khăn vì dịch chứ chúng tôi thì không à?"

Khách hàng thắc mắc: "Tuyên bố phá sản vậy các gói tập hay làm đẹp còn hạn sử dụng giải quyết thế nào WeFit ơi?"

WeFit phá sản, khách hàng bỏ vài chục triệu mua thẻ tập, spa liệu có mất trắng? - Ảnh 3.

Chúng tôi cũng đã gọi điện đến bộ phận chăm sóc khách hàng của WeFit nhưng tổng đài thông báo tất cả các điện thoại viên đều bận.

Để giải đáp câu chuyện khách hàng có được hoàn lại tiền sau khi đã mua thẻ tập tại WeFit không, chúng tôi đã liên hệ với luật sư để tìm hiểu thêm thông tin.

Luật sư: Khách mua dịch vụ của WeFit có thứ tự ưu tiên thanh toán cuối cùng

Luật sư Trần Thanh Tùng, Thành viên Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers, đã chia sẻ thông tin liên quan đến quyền lợi khách hàng khi WeFit phá sản.

WeFit phá sản, khách hàng bỏ vài chục triệu mua thẻ tập, spa liệu có mất trắng? - Ảnh 4.

Luật sư Trần Thanh Tùng, Thành viên Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers

Theo luật sư Thanh Tùng, theo thông tin trên báo chí, vào ngày 11/5/2020, WeFit (WeWow) đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp đối với WeFit.

Theo Điều 54 của Luật Phá sản, khi có quyết định tuyên bố phá sản, tài sản của WeFit sẽ được chi trả theo thứ tự ưu tiên như sau:

1. Chi phí phá sản

2. Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quyền lợi khác đối với người lao động

3. Khoản nợ phát sinh nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của Wefit (trong trường hợp có thể phục hồi hoạt động của WeFit);

4. Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ phải trả cho chủ nợ không có đảm bảo và khoản nợ còn thiếu của chủ nợ bảo đảm khi mà giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Trong vụ việc phá sản này, các khách hàng đã nộp tiền mua thẻ tập được coi là chủ nợ không có bảo đảm của WeFit. Theo quy định nêu trên, khách hàng có thứ tự ưu tiên thanh toán sau cùng. Do đó, cơ hội để họ đòi tiền sẽ không cao vì phải ưu tiên cho các chủ nợ khác (chủ nợ có đảm bảo, người lao động . .) và chưa chắc tài sản của WeFit sau khi bán đi còn đủ để trả nợ cho các chủ nợ.

Luật sư Thanh Tùng cho biết thêm, việc khách hàng mua thẻ tập của Wefit là một hợp đồng song vụ, trong đó WeFit thu tiền và có nghĩa vụ cơ bản là cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Khi WeFit không thể cung cấp dịch vụ theo hợp đồng, WeFit bị coi là vi phạm nghĩa vụ cơ bản và khách hàng có quyền chấm dứt hợp đồng, yêu cầu hoàn lại khoản tiền đã thanh toán đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do vậy, việc hoàn trả số tiền đã nhận từ khách hàng là giải pháp tốt nhất về pháp lý. Tuy vậy khả năng này còn tùy thuộc vào tình trạng tài chính của WeFit và có vẻ không khả thi khi vốn hoạt động của WeFit đã cạn kiệt.

Khi WeFit nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, WeFit sẽ phải lập và nộp đầy đủ cho Tòa án danh sách khách hàng với vai trò là chủ nợ không có đảm bảo. Trên cơ sở đó, Tòa án sẽ thông báo đến các khách hàng để khách hàng biết thông tin về vụ phá sản. Khách hàng có thể tham gia vào Hội nghị Chủ nợ do Thẩm phán triệu tập và được nhận lại phần tài sản tương ứng với giá trị tài sản còn lại của WeFit sau khi WeFit bị Tòa án tuyên phá sản.

Thế Trần