Bắc Giang: Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp bền vững
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 20:57, 12/05/2020
Theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU của Tỉnh ủy, đến nay Bắc Giang đã huy động được hơn 593 tỷ đồng thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 716 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt từ 220 - 250 triệu đồng/ha/năm.
Đơn cử, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã từng bước ứng dụng tiến bộ KHCN và nhân rộng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao. Mô hình ban đầu được trồng trong nhà lưới điều khiển tự động tại thành phố Bắc Giang: hoa lay ơn, hoa Lily, lan Hồ điệp. Riêng với lan Hồ điệp hiện vẫn duy trì diện tích nhà lưới 960 m2.
Từ những mô hình này, 2 xã Song Mai và Dĩnh Trì (thuộc TP. Bắc Giang) đã phát triển diện tích trồng hoa khoảng 78 ha (chiếm 39% diện tích hoa của toàn thành phố Bắc Giang). Việc đưa các giống hoa đào mới (đào Bích GL2-1, đào Phai GL2-2, đào Bạch GL2-3) trồng tại thành phố Bắc Giang cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập thuần 650 - 800 triệu đồng/ha/năm. Thương hiệu" hoa Lily, lan Hồ Điệp, đào Bích, đào Phai Bắc Giang đã từng bước được định hình, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến…
Trong khi đó, ghi nhận tại huyện Yên Dũng, chính quyền địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất và hiệu quả sử dụng đất; phấn đấu xây dựng 9 mô hình sản xuất rau an toàn tập trung gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên diện tích từ 80 đến 90 ha.
Theo đó, năm 2016, HTX Rau sạch Yên Dũng được thành lập và hình thành vùng sản xuất với diện tích 30 ha. HTX Rau sạch Yên Dũng cũng đã triển khai thành công đề tài KH&CN sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm "Rau sạch Yên Dũng". Đây là tiền đề quan trọng để HTX mở rộng vùng chuyên canh sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ…
Tương tự, thời gian gần đây, tại nhiều địa phương ở tỉnh Bắc Giang như các huyện Lạng Giang, Việt Yên, Sơn Động… cũng đã xuất hiện hàng trăm hộ nông dân có thu nhập cao nhờ phát triển nghề trồng nấm ứng dụng công nghệ cao. Đây là kết quả từ việc triển khai đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020" do Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang chủ trì.
Anh Đồng Văn Hiệp, một người dân tham gia trồng nấm tại xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, cho biết sau khi được sự hỗ trợ chuyển giao dự án trồng nấm của tỉnh, anh đã đầu tư cơ sở trồng nấm với diện tích khoảng 5.000m2 với 700m2 là nhà xưởng. Qua quá trình vừa học vừa làm, đến nay trung bình mỗi vụ, anh Hiệp đã đưa vào sản xuất trên 300 tấn nguyên liệu nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ… và thu về trên 1 tỷ đồng/năm…
Ứng dụng công nghệ cao mang lại năng suất, chất lượng
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều đang phát huy hiệu quả. Hiện đang có khoảng 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại cũng có thị trường ổn định và được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng. Bình quân thu nhập ước đạt 300 triệu đồng/mô hình/năm, lợi nhuận kinh tế mang lại cho nông dân cao gấp 3 - 5 lần so với sản xuất thông thường.
Trên cơ sở đó, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, công nghệ sạch, hữu cơ và các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh sẽ ưu tiên, hỗ trợ các loại hình kinh tế tập thể tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là HTX và tổ hợp tác nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh mở rộng áp dụng các mô hình thành công trên diện rộng; rà soát, lựa chọn, định hướng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tương xứng, đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang cũng sẽ mở rộng quy mô, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chế phẩm, chất phụ gia, chất cấm trong sản xuất và bảo quản nông sản... Qua đó, tiến tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao bền vững góp phần thúc đẩy mạnh mẽ đời sống người nông dân.