Các ngân hàng châu Á TBD chậm chạp trong cuộc đua số hóa

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 17:48, 12/05/2020

Các ngân hàng vẫn muốn giữ lại toàn bộ chuỗi giá trị của mình, không mở rộng cho đối tác trong hệ sinh thái, khiến việc số hoá chậm lại.

Báo cáo của IDC kết hợp với Backbase, một nền tảng ngân hàng số, thực hiện cho thấy đa số ngân hàng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) chậm chạp trong cuộc đua số hóa. 

Các ngân hàng châu Á TBD chậm chạp trong cuộc đua số hóa - Ảnh 1.

Khách giao dịch bên trong một ngân hàng tại Việt Nam. Ảnh: Hải Đăng

Báo cáo cho biết có đến 80% trong số 250 ngân hàng hàng đầu trong khu vực vẫn muốn sở hữu toàn bộ chuỗi giá trị của ngân hàng, không tận dụng các đối tác trong hệ sinh thái. Mức độ đóng góp của bên thứ ba chỉ ở mức 2% vào nhóm này.

Trong khi đó, hơn 35 ngân hàng số hoặc tổ chức tín dụng khu vực APAC được xây dựng trên các phát kiến mới, qua mặt nhóm ngân hàng truyền thống về tính linh hoạt, khả năng tự phục vụ, nhu cầu của khách hàng và cá nhân hóa. 

Với sự xuất hiện của nhóm năng động này, báo cáo cho rằng 38% doanh thu của các ngân hàng truyền thống sẽ đối mặt với rủi ro vào năm 2025.

Khảo sát trong quý 4/2019 và quý 1/2020 cho thấy, có 63% khách hàng sẵn sàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng kỹ thuật số và tổ chức tín dụng trong 5 năm tới. Đến năm 2025, sẽ có khoảng 100 tổ chức tài chính mới được thành lập trong khu vực.

Báo cáo cũng cho thấy khu vực này dự kiến sẽ có thêm 100 tổ chức tài chính mới vào năm 2025.

 Báo cáo cũng đánh giá các ngân hàng tại Việt Nam phải chủ động trong việc cung cấp trải nghiệm cho khách hàng, bằng không sẽ phải đối mặt với nguy cơ mở API, cung cấp dữ liệu cho đối thủ.


Theo báo cáo này, 8 ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam đã xác định hai ưu tiên hàng đầu gồm phát triển ngân hàng lõi (core banking) và hiện đại hóa hệ thống thanh toán. Các ngân hàng này kỳ vọng tăng trưởng 50% lượng tài khoản mới bằng cách sử dụng tự động hóa thông minh trong khâu khởi tạo tài khoản. 

Ông Riddhi Dutta, Giám đốc khu vực châu Á của Backbase, nhận định nhóm ngân hàng thương mại cổ phần sẽ có nhiều câu chuyện kỹ thuật số hơn. Đặc biệt, mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống của Việt Nam sẽ thúc đẩy ngành ngân hàng phát triển.

Báo cáo cho biết đến năm 2025, 44% trong số 250 ngân hàng hàng đầu trên toàn APAC sẽ hoàn tất việc hoạt động dựa trên nền tảng, hiện đại hóa phần mềm và hỗ trợ API. 48% ngân hàng tại APAC dự kiến sẽ tận dụng công nghệ AI hoặc máy học (machine learning) khi quyết định dựa trên số liệu.

H.Đ