Doanh nhân làm tủ sách phát triển văn hóa đọc
Truyền thông - Ngày đăng : 15:46, 12/05/2020
Giá trị nhân lên từ những cuốn sách
Với mong muốn xây dựng Tủ sách nhân ái - nơi mà những người thụ hưởng có thể tự lực vươn lên bằng năng lực, tri thức và đức hạnh của chính mình, để rồi tiếp tục trở lại nâng đỡ những người khác - coi đó như là sự trả ơn cuộc đời này. Ở đó, bất cứ ai dù khó khăn đến mấy, đều có thể trở thành một thành viên tích cực và hữu ích cho xã hội mà không phải nhờ vào từ thiện.
Đó là phương châm thôi thúc những người xây dựng chương trình hoạt động nhân ái chọn sách - tri thức làm món quà giàu tính nhân ái để gửi tặng và kêu gọi mọi người chia sẻ cho nhau - khởi nguồn của chương trình Tủ sách nhân ái.
Trên thực tế, đầu tư vào sách, vào tri thức là một trong những đầu tư "lãi" nhất. Chỉ cần tính đơn giản, mỗi một cuốn sách tuổi thọ trung bình 10 năm, thì 40 em trong lớp rồi 160 em trong khối lớp học (trung bình 4 lớp) chuyền tay nhau đọc. Sau 10 năm, cuốn sách đó sẽ được 1600 em đọc. Vậy giá trị kinh tế, giá trị tri thức của cuốn sách đó đã được nhân lên hơn ngàn lần.
Với một chi phí nhỏ khoảng 1,2 triệu cho mỗi tủ sách tại lớp học, cả nước có 600.000 lớp học từ mầm non tới THPT chỉ cần 720 tỷ đồng. Khi có tủ sách, sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho xã hội, nhận thức của lớp trẻ được nâng lên, xã hội sẽ tốt đẹp hơn, chúng ta có thể tiết kiệm một lượng chi phí có thể phải chi cho giải quyết những vấn đề phúc lợi xã hội, tệ nạn xã hội, y tế, nghèo đói, xóa mù chữ, mê tín dị đoan… Vì vậy Tủ sách nhân ái đã nỗ lực không mệt mỏi để mang sách về nhiều hơn cho các em.
Sứ mệnh phát triển văn hóa đọc
Với những mong muốn làm đẹp cho xã hội, Tủ sách nhân ái đã quyết tâm xây dựng tủ sách/thư viện cho tất cả các trường học, lớp học phổ thông trên cả nước, mà trước hết là ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới và hải đảo.
Nhằm giúp nuôi dưỡng tinh thần và hình thành thói quen, kỹ năng và đam mê đọc sách cũng như năng lực tự học để học tập suốt đời cho các em học sinh. Tủ sách nhân ái không chỉ tặng sách mà còn tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật về các giải pháp khuyến đọc, cách tổ chức các hoạt động đọc sách, hướng dẫn quy trình xây dựng tủ sách từ thí điểm, nhân rộng đến đánh giá hiệu quả đọc sách. Những quy trình, giải pháp này đã được thực hiện thành công, hiệu quả ở nhiều địa phương trên cả nước và tổng kết thành "Cẩm nang xây dựng, quản lý tủ sách và khuyến đọc".
Bên cạnh phát triển ở các lớp học, những thành viên sáng lập còn nỗ lực xây dựng tủ sách cho những nơi có nhu cầu đọc sách và có thiết chế quản lý phù hợp như giáo xứ, nhà chùa, bệnh viện, trại giam, mái ấm, lớp học tình thương, các tủ sách cộng đồng tại nhà nhằm khơi gợi hứng thú và từng bước tạo lập thói quen đọc sách cho người Việt.
Tủ sách nhân ái - Kết nối và lan tỏa
Tủ sách nhân ái còn hướng tới xây dựng một tổ chức chuyên nghiệp trong việc kết nối và giúp các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) một cách hiệu quả và đem lại giá trị bền vững về văn hóa đọc cho cộng đồng.
TSNA cũng xây dựng một chương trình tiên phong và hàng đầu về hoạt động nhân ái ở Việt Nam, góp phần lan tỏa năng lượng nhân ái một cách rộng rãi trong xã hội và trở thành một phần của văn hóa Việt. Những người sáng lập tủ sách này hầu hết là các doanh nhân có xuất thân từ quê hương Nghệ An, trong suốt quá trình hoạt động của tủ sách, tất cả các thành viên đều trích một phần thu nhập của bản thân để xây dựng các tủ sách và kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia.
Chương trình Tủ sách nhân ái còn có một đội ngũ cộng tác viên đông đảo và tâm huyết ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Các cộng tác viên bao gồm các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ, các bạn học sinh, sinh viên hoặc những cựu học sinh của các trường với tấm lòng nhiệt huyết, mong muốn gieo mầm thói quen đọc sách cho học sinh và con em của mình nên đã chung sức cùng chương trình rất tích cực.
Về phía các nhà nhân ái, chương trình cũng đã tạo ra được một sân chơi chung cho tất cả mọi người. Ở đó, bất cứ ai cũng đều có thể trở thành người có đóng góp cho cộng đồng chỉ với việc tặng ít nhất một cuốn sách cho người khác. Không chỉ dừng lại ở cá nhân, mà ngày càng nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng tham gia Tủ sách nhân ái. Họ đã nhận thấy đây là một hoạt động CSR hiệu quả, có chiều sâu và đem lại giá trị thặng dư bền vững cho xã hội.
Những quả ngọt đầu tiên
Bước sang năm 2020, Tủ sách nhân ái đã trải qua chặng đường đầu tiên hơn 03 năm (tính từ 09/01/2017), với việc gần như hoàn thành phủ sóng về chiều rộng khắp các tỉnh thành Việt Nam và qua tới nước bạn Lào. Tính đến cuối tháng 12/2019, Tủ sách nhân ái đã trao tặng: 8986 tủ sách/thư viện, trị giá 15.140.626.750 đồng ở 59 tỉnh thành trên cả nước và đem lại cơ hội tiếp cận hàng chục, hàng trăm đầu sách hay mỗi năm cho hơn một triệu độc giả ở mọi lứa tuổi.
80% các lớp học được trao tặng tủ sách đã đẩy mạnh việc đọc và chia sẻ sách. Mỗi lớp đều có Ban thư viện để tự quản việc đọc và cho mượn sách. Hàng tuần có một tiết đọc và chia sẻ sách ngay tại lớp học. Nhiều trường đã tổ chức cho học sinh đọc sách 15-30 phút đầu giờ mỗi ngày. Đặc biệt, vào giờ chào cờ đầu tuần, các em học sinh đại diện các lớp đã tự tin lên trước toàn trường giới thiệu những cuốn sách hay mà mình đã đọc trong tuần qua để truyền cảm hứng đọc sách cho nhau.
Qua các hoạt động đọc, chia sẻ, giới thiệu sách bằng viết cảm nhận, thuyết trình, kể chuyện, diễn kịch, hội thi... các em đã tạo lập thói quen yêu thích đọc sách và học được những điều bổ ích về kỹ năng sống, phát minh khoa học, tìm hiểu cuộc đời các danh nhân Việt Nam và thế giới. Từ đó, nuôi dưỡng ước mơ, hình thành phẩm cách, biết chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ cộng đồng …
Đam mê đọc sách đã lan tỏa không chỉ trong các em học sinh mà còn ảnh hưởng tích cực đến các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ, khiến cho nhiều người lớn cũng phải xem lại việc đọc sách của mình để làm gương cho con trẻ.
Các trường học, địa phương được thụ hưởng sách từ chương trình này cũng xây dựng mức độ tin cậy cao trong việc phát huy hiệu quả những tủ sách mà Chương trình trao tặng như:
1- Trang bị giá sách trong mỗi lớp học, trên tinh thần tiết kiệm và tiện lợi cho các em học sinh trong việc quản lý và mượn sách.
2. Triển khai cho học sinh đọc sách 15-30 phút đầu giờ mỗi ngày.
3. Tổ chức tiết đọc sách trong thời khóa biểu hàng tuần.
4. Thường xuyên chia sẻ các hoạt động đọc sách của trường mình lên Group Tủ sách Nhân ái để Ban điều hành chương trình và các nhà nhân ái thấy được mức độ hiệu quả của những tủ sách mà mình đã trao đi.
5. Tự lực kêu gọi và vận hành Tủ sách. Mặc dù Tủ sách nhân ái luôn sẵn sàng hỗ trợ cả về sách lẫn kỹ thuật, kinh nghiệm, nhưng sự tự lực của nhà trường mới là yếu tố quyết định thành công.