Báo chí cần tăng chất lượng để bứt phá doanh thu
Truyền thông - Ngày đăng : 09:29, 12/05/2020
Truyền thông tích cực chung tay phòng chống dịch Covid-19
Theo Bộ TT&TT, thời gian qua, báo chí đã đóng góp tích cực trong công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Các cơ quan báo chí cũng đã tuyên truyền, vận động toàn dân nhắn tin ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo 1400 do Bộ TT&TT, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động.
Báo cáo của Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử (PTTH&TTĐT), trong 4 tháng đầu năm 2020, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội (MXH), các đài PTTH liên tục có nhiều tin, bài phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong khi đó, Facebook, Google đã hợp tác để đưa các thông điệp chính thức từ Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế về tình hình dịch và thông qua New Feed, Messenger. Google hướng người dùng tới trang web chính thức về Covid-19 ngay ở đầu kết quả tìm kiếm trên YouTube, Google Search.
Thời gian qua cũng ghi nhận lượng người dùng mạng xã hội (MXH) trong nước tăng cao. Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lưu Đình Phúc mới đây cho biết: Thời điểm dịch Covid-19, hưởng ứng phát động phong trào của Chính phủ, Bộ TT&TT, các MXH trong nước đã hưởng ứng tích cực thông qua việc mở chiến dịch truyền thông, phòng, chống Covid-19. Các chiến dịch đã được người dùng MXH trong nước ủng hộ, lan tỏa trên cả MXH xuyên biên giới. Facebook, Google, Tiktok cũng tham gia tích cực vào chiến dịch này.
Điển hình cho việc tham gia tích cực này, có thể ghi nhận thành công của Tiktok Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn với hai tuần phát động chiến dịch "#onhavanvui", đã có hàng nghìn video được sản xuất, kêu gọi người dân ở nhà chống dịch. Các video này đã thu hút được khoảng 2 tỷ lượt người xem, nhờ kết quả đó, Tiktok Việt Nam được UNESCO gửi thư cảm ơn, biểu dương, khen ngợi.
Bên cạnh đó, Cục PTTH&TTĐT ghi nhận một một số trường hợp đưa tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm các tổ chức, cá nhân trên MXH xuyên biên giới như Facebook, Youtube đều đã được cơ quan chức năng tiến hành xử phạt theo quy định. Hai mạng xã hội Facebook và Youtube cũng tích cực phối hợp với Bộ TT&TT để ngăn chặn thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, đặc biệt gỡ 100% thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19.
Nhu cầu xem truyền hình xuyên biên giới, trả tiền tăng cao
Theo dữ liệu thống kê của Cục PTTH&TTĐT, tính đến hết quý I/2020, thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 13.377.778 thuê bao (Giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019), doanh thu truyền hình trả tiền ước đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo báo cáo, doanh thu ngắn hạn các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin điện tử, nội dung số đạt khoảng gần 7.200 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2019. Tổng nộp ngân sách tăng 2 tỷ đồng (tăng khoảng 4% so với năm 2019). Mặc dù có nhiều người dùng sử dụng hơn, song trước hiện trạng dịch bệnh, nhiều nhà quảng cáo đã quyết định trì hoãn các chiến dịch tiếp thị, dẫn đến doanh thu từ quảng cáo của các nền tảng này cũng bị sụt giảm.
Do Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, nền tảng truyền hình xuyên biên giới đã tác động lên truyền thông số ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, theo Cục PTTH&TTĐT, thuê bao Netflix tăng mạnh bởi trong thời gian dịch bệnh nhiều người ở nhà có nhu cầu tìm đến các dịch vụ, chương trình chất lượng cao, dù phải trả phí cao.
Theo thống kê, ở châu Á – Thái Bình Dương, trong quý I, Netflix tăng trưởng 60% so với năm 2019, đạt tổng số thuê bao là 120.000. Tất cả nền tảng OTT tivi xuyên biên giới vào Việt Nam như Netflix, iFlix, AppleTV... chiếm 1 triệu thuê bao ở Việt Nam, tỷ trọng 7%/13,8% thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền. Như vậy, nền tảng truyền hình xuyên biên giới đang có xu hướng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Truyền hình cáp Việt Nam giảm 1 triệu thuê bao, OTT tivi trong nước giảm 32%.
Tăng chất lượng để bứt phá doanh thu
Trước những thống kê, ông Lưu Đình Phúc cho biết, các nền tảng xuyên biên giới như Netflix đang chi phối quảng cáo, chiếm ưu thế so với mô hình xem miễn phí và thu quảng cáo, dẫn đến ảnh hưởng lớn đến doanh thu của báo đài.
Theo đó, ông Lưu Đình Phúc cho rằng: Báo chí đã đến lúc phải có mức thu phí hợp lý để phát triển."Vấn đề đổi mới nội dung phải là hướng chiến lược. Như vậy cần phải đa dạng hóa dịch vụ nội dung và kho số sẵn có. Trên Netflix, trong thời Covid-19, lượng người xem phim Việt Nam tăng 50%. Những bộ phim Việt Namhay vào top trên Netflix".
Hiện nay Việt Nam đang có 16 đài truyền hình tự chủ, 51 đài truyền hình tự chủ một phần, 5 đài truyền hình nhà nước cấp kinh phí toàn phần. Các đài đang phụ thuộc, bị động rất nhiều vào vào nguồn thu từ quảng cáo.
"Đã đến lúc thay vì chúng ta ngồi chờ, phụ thuộc nguồn kinh phí cấp của Nhà nước, thu quảng cáo từ các công ty, doanh nghiệp... các đài, cơ quan báo chí cần nghĩ đến phương án thu phí để phát triển. Tuy biết điều đó là khó, nhưng chúng ta cũng phải nghĩ đến hình thức này" - ông Phúc nhấn mạnh.
Để thực hiện được điều này, Cục trưởng Lưu Đình Phúc cũng chỉ ra các giải pháp cụ thể như: Các đài, cơ quan báo chí điện tử phải phải tích cực sử dụng, chuyển đổi trên nền tảng nội dung số, các gói thuê bao giá rẻ, đổi mới chất lượng nội dung chương trình. Ví dụ như VTV, khi có kho dữ liệu số lớn cần phải tích hợp phân khúc, phân nhóm phù hợp với nhu cầu khách hàng. Thời gian qua, người xem Netflix trên truyền hình chiếm tới 70-80% những bộ phim hay trên VTV, điều này cho thấy nội dung tốt chính là hướng chiến lược các đài cần hướng tới.
"Đây là cách tiếp cận mới giúp chúng ta phá vỡ thế độc quyền. Chỉ khi phá vỡ được thế mạnh độc quyền, sẽ tạo nên sự cạnh tranh công bằng, minh bạch", ông Phúc nhấn mạnh.
Thời gian qua, ông Phúc cho biết với sự đấu tranh quyết liệt của Bộ TT&TT, bằng các giải pháp cụ thể, Facebook, đã cam kết tuân thủ Pháp luật Việt Nam. Đây chính là thời cơ chiếm lĩnh người dùng Việt Nam trên các nền tảng truyền thông số, trong đó có cả lĩnh vực truyền hình.
Thống nhất với những dữ liệu, phân tích của Cục PTTH&TTĐT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: thay vì báo chí viết nội dung chất lượng thấp rồi đăng quảng cáo, câu view, trong giai đoạn khủng hoảng, khó khăn, các doanh nghiệp không quảng cáo, báo chí không có nguồn thu, lại tiếp tục đồng nghĩa với việc giảm chất lượng nội dung, cứ thế sẽ khó nhìn thấy sự phát triển.
"Do vậy, báo chí, các đài cần phải suy nghĩ để thay đổi mô hình kinh doanh, xem xét mô hình thu phí. Chúng ta đi qua thời Covid-19, thời của khó khăn, vậy chúng ta phải nghĩ lại mô hình vận hành của báo chí Việt Nam, các đài truyền hình", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lời "hiệu triệu" đó một lần nữa luôn đúng khi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT sẽ ra một chỉ thị mới để hiệu triệu tất cả các doanh nghiệp ICT, các cơ quan báo chí, truyền thông tham gia và thúc đẩy tái khởi động nền kinh tế bứt phá vươn lên.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Thủ tướng đã giao Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí lập các chuyên mục trên các báo, đài phát thanh – truyền hình, báo nói, báo điện tử về thúc đẩy việc tái khởi động nền kinh tế.