Vấn đề lớn hơn mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc: Số người thất nghiệp có thể lên đến 80 triệu, 9 triệu sinh viên sắp tốt nghiệp sẽ không thể tìm được việc làm
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 21:35, 09/05/2020
Wang – nhân viên ngành công nghệ 26 tuổi, từng "săn việc" khắp Trung Quốc. Năm ngoái, anh nhiều lần thay đổi công việc mỗi khi thấy bấp bênh. Nhưng giờ đây, khi phải nghỉ việc một lần nữa vào tháng 1, anh chưa bao giờ nghĩ rằng mọi việc lại trở nên khó khăn đến vậy. Chia sẻ với CNN, Wang cho biết, năm ngoái đã cảm thấy mọi thứ như đang trong "chế độ địa ngục", nhưng 2020 thậm chí còn tồi tệ hơn vì Covid-19.
Đại dịch đã đóng cửa các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc trong vài tuần, khiến nền kinh tế thứ 2 thế giới rơi vào trạng thái trì trệ và hàng triệu người mất việc. Tuy nhiên, số lượng chính xác về những người đã mất việc trong nước lại rất khó nắm bắt. Số liệu Bắc Kinh công bố gần như không vượt quá con số 4%, hoặc có thể chỉ lên 5%, trong nhiều năm.
Nhưng những con số gần đây đã cho thấy tình trạng gia tăng đột biến. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 của Trung Quốc là 5,9%, thấp hơn so với mức 6,2% ở tháng trước. Theo tính toán của CNN Business, thì con số này tương đương với 27 triệu người thất nghiệp. Willy Lam – giáo sư kiêm nhiệm tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Hồng Kông, nhận định: "Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc có thể tồi tệ hơn con số đã công bố."
Vấn đề chưa từng có
Số liệu Bắc Kinh công bố không bao gồm những người ở nông thôn hoặc trong 290 triệu lao động nhập cư làm việc trong ngành xây dựng, sản xuất và các hoạt động quan trọng nhưng lương thấp khác. Nếu bao gồm cả nhóm này, thì số người thất nghiệp tính đến cuối tháng 3 có thể lên tới 80 triệu người, theo báo cáo của nhóm ông Zhang Bin – nhà kinh tế tại Viện khoa học Xã hội Trung Quốc.
Trong khi đó, các chuyên gia khác cũng cho biết 80 triệu có thể là con số gần với thực tế hơn. Các kinh tế gia tại Société Générale cho rằng điều này cũng đáng lo ngại hơn nhiều, bởi có nghĩa là gần 10% người dân Trung Quốc được cho là đang làm việc thực ra đã thất nghiệp.
Hiện tại, Bộ Thương mại Trung Quốc không phản hồi câu hỏi của CNN Business về vấn đề này. Phát biểu hồi tháng trước, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thừa nhận rằng thị trường lao động đang chịu áp lực rất lớn, nhưng khẳng định tình hình nhìn chung vẫn "ổn định".
Tuy nhiên, Bắc Kinh đang chuẩn bị tinh thần cho sự ảnh hưởng nặng nề hơn trong những tháng tới. Năm nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học sẽ đạt mức cao kỷ lục và điều này tiếp tục gâp áp lực cho thị trường việc làm. Hơn nữa, khi nền kinh tế vẫn có thể tăng trưởng trong năm 2020, thì con đường tiến tới sự hồi phục hoàn toàn sẽ còn rất dài.
Chính phủ Trung Quốc chưa từng thẳng thắn thừa nhận về những tác động kinh tế mà họ phải hứng chịu. Nhưng gần đây, giới chức nước này đã cho biết rõ ràng rằng thất nghiệp là một vấn đề lớn. Trong những tháng gần đây, bảo đảm tăng trưởng kinh tế và không cho phép tỷ lệ thất nghiệp vượt khỏi tầm kiểm soát là những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã.
Willy Lam cho hay, việc đưa người lao động trở lại làm việc là điều quan trọng, 1 phần là bởi giới chức lo ngại làn sóng thất nghiệp có nguy cơ dẫn đến bất ổn xã hội và sẽ tạo rắc rối chính trị lớn. Ông nhận định: "Mối quan tâm lớn nhất của Bắc Kinh không phải GDP, mà là việc làm."
Tìm việc nhưng không có việc
Những người đang tìm kiếm việc làm tại Trung Quốc không hề thấy lạc quan rằng tình hình sẽ sớm được cải thiện. Wang – làm việc trong ngành công nghệ, cho biết dường như tất cả mọi người đều cảm thấy khó khăn. Anh chia sẻ: "Tôi cảm thấy khổ sở vô cùng, nhưng không thể làm bất kỳ điều gì. Tôi nghĩ rằng ai cũng vậy."
Wang cho hay, môi trường hiện tại trái ngược hoàn toàn với thời điểm anh tốt nghiệp đại học năm 2015. Khi đó, Bắc Kinh đang cung cấp những gói hỗ trợ và hình thức hỗ trợ tài chính khác để giúp các startup, từ đó khuyến khích các doanh nhân thành lập hàng triệu công ty. Tỷ lệ thất nghiệp ở năm đó là khoảng 5%.
Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, Wang cho biết những gói hỗ trợ đó đã không còn. Các startup công nghệ mà anh làm việc vào năm 2018 và 2019 đã cạn tiền, khi Bắc Kinh thắt chặt quy định đối với các khoản đầu tư. Nhưng hiện tại, việc tìm kiếm công việc mới là gần như không thể. Wang và bạn bè đều không còn đặt kỳ vọng quá cao, một trong số họ thậm chí còn không chắc có thể ở lại Bắc Kinh hay không.
Đã có những dấu hiệu cho thấy tìm việc đã trở nên khó khăn hơn ở Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Viện nghiên cứ việc làm Trung Quốc và Zhaopin.com, các vị trí đang tuyển dụng đã giảm 28% trong 3 tháng đầu năm nay so với quý IV/2019. Trong khi đó, sự cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt hơn khi số người tìm việc đã tăng gần 9% trong quý I.
Hơn nữa, số liệu từ công ty truyền thông Caixin và công ty nghiên cứu Markit cho thấy, các công ty trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc – chiếm gần một nửa số việc làm trong nước, đã sa thải nhân viên với số lượng lớn kỷ lục trong tháng 4.
Trong những tuần tới, thị trường việc làm thậm chí còn đối mặt với diễn biến tồi tệ hơn. Bắc Kinh ước tính, khoảng 8,7 triệu sinh viên ở các trường cao đẳng và đại học sẽ tốt nghiệp trong năm nay, tạo ra thêm sự cạnh tranh đối với công việc.
Andrea Yao – sinh viên năm cuối tại Đại học Truyền thông Bắc Kinh, chia sẻ: "Trước khi tốt nghiệp, tôi có ý định trở thành nhà báo. Nhưng năm thực sự rất khó khăn." Yao cho biết cô đã phỏng vấn với một toà soạn ở Vô Tích vào tháng trước, nhưng không thể đến đó vì "mã sức khoẻ" của cô không đủ điều kiện để được vào thánh phố. Yao cũng tiếp cận với 61 công ty để tìm việc nhưng chỉ có 5 nơi chấp nhận hồ sơ, bởi nhiều công ty muốn tuyển dụng người đã có kinh nghiệm.
Hỗ trợ từ phía chính phủ
Bắc Kinh đã nhận thấy những khó khăn của thị trường việc làm. Trong tuần này, chính phủ đã tiết lộ 1 kế hoạch giúp sinh viên mới tốt nghiệp tìm việc và tạo ra những vị trí ở "cấp cơ sở" khác, theo Tân Hoa Xã. Dự án này cũng bao gồm một đề xuất mở rộng phạm vi tuyển sinh đối với các chương trình sau đại học. Tuy nhiên, giới chức nước này vẫn có một bài toán khó trước mắt, khi đang nỗ lực hỗ trợ nhóm người đã mất việc.
Toàn bộ các nhà tuyển dụng ở Trung Quốc đều phải cung cấp bảo hiểm thất nghiệp. Dẫu vậy, chưa đến 1 nửa lực lượng lao động ở đô thị nhận được khoản tiền đó vào cuối năm ngoái, theo số liệu củ Bộ Nhân lực và An sinh xã hội. Hơn nữa, các chuyên gia lưu ý rằng chương trình này không có đủ khả năng để đối phó với tình trạng tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Chính phủ nước này đã cam kết sẽ giúp người lao động tiếp cận với gói bảo hiểm đó.
Trong khi đó, những chuyên gia khác chỉ ra rằng Bắc Kinh còn phải đối mặt với những thách thức khác khi cố gắng yêu cầu người lao động quay lại làm việc. Theo Joseph Cheng – nhà hoạt động dân chủ và giáp sư khoa học chính trị tại Đại học Thành phố Hồng Kông, Trung Quốc chịu áp lực về khoản nợ lớn, khiến việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng gặp khó khăn.
Tham khảo CNN