Báo Anh viết gì về việc Bệnh nhân số 91 ở Việt Nam - phi công người Anh có thể được ghép phổi?

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 16:14, 09/05/2020

The Guardian đưa tin: Một người đàn ông quốc tịch Anh, 43 tuổi có thể được ghép phổi ở Việt Nam, nơi anh đang được điều trị khi bị bệnh nặng với virus Covid-19.

Người đàn ông này là một phi công của Vietnam Airlines. Anh bị sốt và ho vào ngày 17 tháng 3, và sau đó được đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

Các bác sĩ đang tiếp tục cho người bệnh này ECMO, thở máy, lọc máu, dẫn lưu dịch màng phổi.

Quét siêu âm phổi cho thấy phổi phải hết hình ảnh tràn khí màng phổi, rất ít dịch mang phổi; phổi trái đông đặc mặt sau dưới, theo báo cáo của Bộ Y tế. Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine", tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Tình hình của bệnh nhân này được cập nhật thường xuyên và công bố trên phương tiện truyền thông nhà nước. Nhiều người dân Việt Nam đã bình luận trên các phương tiện truyền thông, chúc anh ấy mau khỏe.

Tại một cuộc họp hôm 7/5, tập trung vào các chiến lược xét nghiệm và điều trị Covid-19 mới, Giáo sư Nguyễn Văn Kính, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết các bác sĩ đã xem xét lựa chọn thực hiện ghép phổi cho bệnh nhân.

Vào tháng 3, một nhóm y tế ở Trung Quốc đã báo cáo đã tiến hành ghép phổi cho một bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Bệnh nhân 59 tuổi đã được điều trị thành công tại một bệnh viện ở phía đông tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, theo Global Times. Hai bệnh nhân bị nhiễm coronavirus ở Vũ Hán cũng được cho là đã được ghép phổi thành công.

Bệnh nhân người Anh tại Việt Nam bị bệnh sau khi đến một quán bar ở thành phố Hồ Chí Minh, một cụm gồm 19 trường hợp dương tính.

Việt Nam, đất nước 96 triệu dân, có chung biên giới với Trung Quốc, cho đến nay chỉ ghi nhận 288 trường hợp mắc bệnh Covid-19 (những ca gần đây đều là nhập khẩu) và không có trường hợp nào tử vong, một phần do các chiến dịch theo dõi liên lạc quyết liệt, truyền thông y tế công cộng qua tin nhắn và hành động nhanh chóng.

Khi một bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với virus, họ có số bệnh nhân và được ẩn danh, Chính phủ công bố lịch sử di chuyển của họ - bao gồm các chi tiết nơi họ đã ăn, hoặc nơi họ đi đến như chợ hoặc quán bar. Lịch sử này được công khai trực tuyến và trên phương tiện truyền thông nhà nước. Những người có nguy cơ lây nhiễm sau đó sẽ được yêu cầu báo cáo cho cơ quan y tế để được xét nghiệm. Bất cứ ai lan truyền tin tức giả đều đã bị phạt.

Việt Nam đã dần dần tăng khả năng xét nghiệm trong khi tổ chức cách ly hàng loạt các trường hợp liên hệ có khả năng tiếp xúc với virus. Đầu tháng 4, Việt Nam đã cách ly gần 70.000 người, trong đó có hơn 44.000 người trong các khu cách ly tập trung. Tất cả những người đến từ nước ngoài được yêu cầu cách ly 14 ngày bắt buộc.

Việt Nam đã thực hiện hơn 260.000 xét nghiệm, miễn phí cho hầu hết các trường hợp. Việc giãn cách xã hội trên toàn quốc đã được nới lỏng 2 tuần trước và Việt Nam đã không có sự lây lan cộng đồng trong 22 ngày.

Bác sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết: Chiến lược của Việt Nam là kiểm soát chặt số lượng ca bệnh, sao cho số bệnh nhân cần điều trị, số ca bệnh hiểm nghèo, có thể được giữ ở mức thấp để không làm quá tải hệ thống y tế. Nhiều quốc gia có số lượng ca bệnh cao có rất nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Hiện có 47 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị và 2 bệnh nhân bị nặng, Bộ Y tế cho biết.

Hoàng An