Bắc Kạn: Đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong năm 2020
Truyền thông - Ngày đăng : 15:51, 07/05/2020
Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo
Theo báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác giảm nghèo năm 2020, công tác giảm nghèo năm 2019 của tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo ngay từ đầu năm. Tính đến cuối năm 2019 toàn tỉnh đã giảm được 2,31% hộ nghèo còn 19,57% hộ nghèo. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập chiếm 96,1%; tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản chiếm 3,9%.
Công tác giảm nghèo luôn là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: baobackan.org.vn)
Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã tích cực đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án gắn với giảm nghèo bền vững. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, các sở, ban ngành, đoàn thể, tạo được sự lan tỏa, đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai có hiệu quả các mô hình sinh kế, dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với Chương trình "mỗi xã, phường một sản phẩm", chương trình 135, 30A, qua đó thúc đẩy hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia phát triển kinh tế theo hình thức kinh tế tập thể (tổ nhóm, hợp tác xã) gắn kết cộng đồng, phát huy nội lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Đồng thời, tiếp tục đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Các ban, ngành chức năng theo nhiệm vụ được phân công cũng đã ban hành các văn bản và tổ chức tập huấn hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp thực hiện các chính sách về giảm nghèo. Trong quá trình thực hiện đã kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc cho nhân dân. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, trong đó xác định số hộ nghèo, dự kiến thoát nghèo có địa chỉ cụ thể, gắn các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các mô hình giảm nghèo nhân rộng để tổ chức thực hiện…
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai công tác giảm nghèo thời gian qua cũng còn gặp một số khó khăn, bất cập như: Công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao; Kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho công tác giảm nghèo còn thấp, dàn trải, phân khúc, phân tán; Biên chế thiếu, cán bộ cấp huyện, xã phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc nên hiệu quả công việc chưa cao. Một bộ phận người dân còn tư tưởng không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước...
Mô hình trồng cây đậu tương đang giúp người dân xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm giảm nghèo hiệu quả. (Ảnh: Backan.gov.vn)
Đẩy mạnh hơn nữa công tác giảm nghèo trong năm 2020
Năm 2020, tỉnh đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,5%, trong đó huyện nghèo giảm 3,5 - 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%; Có 5.000 người được giải quyết việc làm mới; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%; Tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%; Thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo cho toàn bộ hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công; Tăng thêm 08 trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục.
Ngoài ra, để khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong năm 2019, thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo năm 2020 đã đề ra, tỉnh Bắc Kạn đã xác định các giải pháp trọng tâm đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác giảm nghèo, trong đó thực hiện tốt công tác giảm nghèo cho hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công.
Quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với các mô hình, dự án triển khai tại địa phương và xuất khẩu lao động; Bồi dưỡng, luân chuyển, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ cho người nghèo, tạo điều kiện, cơ hội cho người nghèo biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất tạo ra các sản phẩm tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Đặc biệt, để giảm nghèo thành công, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân người nghèo cũng cần phải tự lực vươn lên. Do đó, trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện giảm nghèo bền vững nhằm khơi dậy ý chí, chủ động vươn lên của người nghèo. Biểu dương, động viên kịp thời các gương điển hình về giảm nghèo, phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo.
Các địa phương cần tổ chức thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định, đảm bảo phản ánh đúng thực trạng nghèo của từng địa phương.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ đầu tư, các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, trong đó ưu tiên đối tượng là các hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công để từng bước giúp họ có nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo.
Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị gắn với những giải pháp đồng bộ, công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh đã có được những chuyển biến đáng ghi nhận. Không chỉ cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào trên địa bàn, những kết quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo còn góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.