Hợp tác ý nghĩa giữa VNPT và Mobifone về sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông
Diễn đàn - Ngày đăng : 14:24, 07/05/2020
Xu thế tất yếu của thị trường viễn thông
Những năm gần đây, sự phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của thị trường viễn thông, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ phát triển hạ tầng và dịch vụ viễn thông nhanh trong khu vực và trên thế giới. Hạ tầng viễn thông được xây dựng khá hoàn thiện.
Ngày 11/11/2019, Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị 52/CT-BTTTT về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp (DN) viễn thông, giải quyết những hạn chế, bất cập, xóa bỏ tình trạng "mạng nhện" dây điện, cáp viễn thông, cột anten, trạm phát sóng,… gây mất mỹ quan đô thị.
Triển khai Chỉ thị số 52, ngay từ đầu năm 2020, Cục Viễn thông và các DN viễn thông đã tích cực trao đổi về các nội dung liên quan để thông nhất các hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có thể dùng chung thụ động giữa các DN.
Kết quả đó được cụ thể hóa chính là buổi ký kết thỏa tuận chia sẻ sử dụng chung cơ sở hạ tầng phát triển mạng lưới năm 2020 giữa hai DN Tập đoàn VNPT và Tổng công ty viễn thông MobiFone diễn ra sáng nay7/5.
Hợp tác toàn diện, lâu dài
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, ông Huỳnh Quang Liêm cảm ơn Bộ TT&TT, Cục Viễn thông, đơn vị đầu mối, kết nối hai DN chia sẻ, hỗ trợ, khai thác, dùng chung hạ tầng viễn thông.
Theo ông Liêm, mặc dù ý tưởng chia sẻ không phải là mới, nhưng để đi đến hợp tác phát triển cùng nhau đó là cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, sự quyết tâm lãnh đạo hai đơn vị, bởi trên thực tế, mỗi DN, đơn vị đều có những điều kiện, quy trình vận hành khác nhau.
Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng với VNPT, đánh dấu bước phát triển "lời nói đi đôi với hành động". Tập đoàn sẽ trực tiếp chỉ đạo các đơn vị, VNPT các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng, khai thác, dùng chung hiệu quả cơ sở hạ tầng viễn thông như đã cam kết.
"Đây bước đầu tiên cho giai đoạn thỏa thuận, bước tiếp theo sẽ cao hơn nữa cho việc hai bên hỗ trợ công nghệ, và đích không xa VNPT triển khai 5G hiệu quả trong thời gian tới. Làm tốt điều này, việc chia sẻ hạ tầng viễn thông giữa các nhà mạng là ưu tiên, quan trọng hàng đầu" - ông Huỳnh Quang Liêm nhấn mạnh.
Về phía MobiFone, Phó Tổng giám đốc Thiềm Công Nguyên cho biết: Lễ ký kết chính là việc hai đơn vị thực hiện đúng cam kết theo tinh thần chỉ thị 52/CT-BTTTT. Đây là minh chứng cho quá trình hợp tác, bắt tay lâu dài bền vững giữa hai DN, phù hợp xu thế phát triển viễn thông Việt Nam. MobiFone mong muốn cả hai DN khi sử dụng chung cơ sở hạ tầng sẽ mang lại nhiều lợi ích, cùng nhau phát triển, vì lợi ích chung xã hội.
Tại lễ ký kết, hai đơn vị đã ký kết thỏa thuận dùng chung 693 trạm BTS, nâng tổng số cột anten, nhà trạm BTS từ 4100 lên đến 4793 vị trí.
Phát biểu nhân sự kiện hợp tác quan trọng của hai nhà mạng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Lê Văn Tuấn cho biết: Có thể nói, cơ sở hạ tầng viễn thông là "vũ khí" cạnh tranh giữa các nhà mạng vì hạ tầng tốt sẽ quyết định chất lượng cung cấp dịch vụ. Hiện nay, nhà mạng VNPT và Mobifone đã cơ bản có độ phủ sóng sâu, rộng trên phạm vi trên toàn quốc, do đó, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng cũng là điều cần thiết bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm trong vận hành.
Với vai trò đầu mối quản lý nhà nước, Cục Viễn thông đánh giá cao sự quyết tâm của lãnh đạo hai đơn vị. Đó chính là niềm tin, hỗ trợ lẫn nhau của hai đơn vị cùng nhau chia sẻ hạ tầng. Hy vọng cả hai đơn vị cùng cam kết, chỉ đạo các đơn vị quản lý thực hiện hiệu quả.
Sau buổi ký kết, Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các đơn vị Sở TT&TT các tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện, định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm sẽ đánh giá việc thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc Cục sẽ cùng tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Cục Viễn thông mong muốn hai đơn vị VNPT, Mobile hợp tác phát triển toàn diện, lâu dài.
Được biết, hiện nay, Tập đoàn VNPT có hệ thống hạ tầng mạng lưới (cáp quang và hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động) rộng khắp trên toàn quốc. Trong khi đó, MobiFone cũng có thế mạnh về hạ tầng BTS. Cả hai đơn vị đều có những thế mạnh riêng, và khi có sự bắt tay chia sẻ, dùng chung sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông, sức mạnh đó sẽ được nhân đôi, tạo được sự ổn định, bền vững.
Việc ký kết thỏa thuận hôm nay sẽ là mô hình tốt để các DN viễn thông khai thác, tham khảo, cùng triển khai trong thời gian tới, tạo động lực lớn cho sự phát triển viễn thông Việt Nam bền vững.