Nikkei: Để duy trì sự tỏa sáng đang có, Việt Nam phải hồi phục kinh tế nhanh như kiểm soát Covid-19
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 11:45, 07/05/2020
Trước hết, có vẻ như Việt Nam đang có khởi đầu thuận lợi với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, hưởng lợi khi hoạt động kinh doanh của các nhà máy di dời từ Trung Quốc. Tiếp theo, họ dường như đang thoát khỏi đại dịch tồi tệ nhất - Covid-19, chính thức chưa có trường hợp tử vong nào. Nhưng liệu các nhà lãnh đạo Việt Nam có nắm bắt được cơ hội này để khôi phục nền kinh tế - vốn phụ thuộc vào thương mại - của mình?
Trong cuộc chiến thương mại, Việt Nam đã rất nhanh nhạy. Những nỗ lực mở cửa thị trường và bãi bỏ quy định của họ xứng đáng được ghi nhận. Họ đã đón được dòng vốn từ Trung Quốc. Nike, Samsung và các công ty đa quốc gia khác đặt ưu tiên sản xuất.
Khi nói đến Covid-19, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang giành được sự khen ngợi toàn cầu về việc kiểm soát dịch bệnh và mở cửa trở lại cho doanh nghiệp với tốc độ nhanh như chớp. Việt Nam đã có được sự đánh giá cao của Tổ chức Y tế Thế giới và Hoa Kỳ. Trong khi ở Indonesia và Singapore, các nhà chức trách vẫn đang chiến đấu với làn sóng nhiễm trùng thứ hai.
Tốc độ kiểm soát dịch bệnh thể hiện kỹ năng và sự nhanh nhẹn của Việt Nam. Không ca tử vong nào ở một quốc gia 96 triệu là một kỳ tích. Philippines láng giềng, dân số 105 triệu người, báo cáo hơn 630 trường hợp tử vong.
Chính thức, Hà Nội công bố 271 trường hợp dương tính với coronavirus. Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công ở châu Á, như Hàn Quốc và Đài Loan.
Ảnh: Reuters
Việt Nam đang có những cơ hội hiếm thấy từ Covid-19. Chính phủ vẫn còn đủ khoảng trống cho các chính sách hỗ trợ tăng trưởng nội bộ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực sự có thể cắt giảm lãi suất chuẩn, như đã làm trong tháng 3, từ 6% xuống còn 5%. Có không gian tài chính để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, tạo việc làm. Vào cuối năm 2019, tỷ lệ nợ trên GDP của Hà Nội là 38%; Fitch Ratings cho rằng con số này sẽ tăng lên 42,5% trong năm nay.
Nhưng đây chưa phải lúc ăn mừng. Làn sóng suy thoái kinh tế - cú sốc với tăng trưởng toàn cầu - đang tấn công Việt Nam, và nhanh chóng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, thấp hơn một nửa so với con số 7% trong năm 2018 và 2019. GDP có thể giảm khi nhu cầu từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu suy yếu. Du lịch, nơi tạo ra 10% GDP, đã ngưng trệ nghiêm trọng.
Yếu tố đóng góp nhiều nhất cho Việt Nam - xuất khẩu - sẽ khó để hồi phục khi 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới vấp ngã. Và rất có thể, các quốc gia này sẽ bảo hộ nhiều hơn trong 12 tháng tới. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc các hành động trả đũa đối với Chính quyền Bắc Kinh vì đại dịch.
Những bất ổn thị trường mà một cuộc chiến thương mại 2.0 tạo ra sẽ khiến Việt Nam bị tổn hại. Dòng ngoại hối Việt Nam đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Covid-19 sẽ đòi hỏi Việt Nam phải tăng vai trò của khu vực tư nhân và tập trung vào thị trường dịch vụ nội địa.
Một cuộc khảo sát tháng 4 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy 60% các công ty đã bị thiếu vốn và giảm dòng tiền. Ít nhất 35.000 công ty đã phá sản trong ba tháng đầu năm 2020.
Trong một thế giới đen tối, Việt Nam một lần nữa lại trở nên nổi bật rõ ràng. Tuy nhiên, để duy trì sự tỏa sáng đang có, Việt Nam phải hồi phục kinh tế nhanh như kiểm soát Covid-19.