Dịch COVID-19 đẩy nhiều người ra xa hơn cuộc sống hiện đại
Đời sống - Ngày đăng : 16:53, 06/05/2020
Việc các nước áp dụng những biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng đồng nghĩa với việc những người nghèo - vốn không tiếp cận được với Internet, càng bị đẩy ra xa hơn khỏi cuộc sống hiện đại.
Chính vì vậy, các chính phủ cũng như các công ty viễn thông cần nỗ lực hơn nữa để những người nghèo trong xã hội có thể tiếp cận Internet.
Lời kêu gọi trên được các nhà nghiên cứu và một số tổ chức đưa ra ngày 5/5.
Tập đoàn đa quốc gia Capgemini của Pháp, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ, cho rằng các biện pháp phong tỏa đã làm thay đổi nhiều hoạt động chính trong xã hội, theo đó, từ việc học đến tìm kiếm việc làm hay xin trợ cấp của nhà nước hiện đều đã chuyển sang hình thức trực tuyến. Những thay đổi này đang khiến những người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận.
Thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) của Liên hợp quốc cho thấy gần 50% người dân trên thế giới không sử dụng Internet. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều người không tiếp cận được với Internet đã phải đối mặt với tương lai u ám do bị cô lập, giảm cơ hội việc làm và giáo dục.
Kể từ khi các nước bắt đầu biện pháp phong tỏa để khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, các thư viện, quán càphê Internet - nơi nhiều người có thể tận dụng để truy cập Internet cũng đã phải đóng cửa.
Dù có điện thoại thông minh, song do không còn được truy cập miễn phí tại một số địa điểm công cộng, nhiều người - vốn có cuộc sống khó khăn lại phải cân nhắc giữa trả tiền truy cập dữ liệu với những thứ ưu tiên khác trong cuộc sống trong đó có mua thực phẩm và trả tiền thuê nhà.
Khảo sát của Tập đoàn Capgemini đối với hơn 1.300 người không tiếp cận được Internet tại 6 nước gồm Pháp, Đức, Ấn Độ, Thụy Điển, Anh và Mỹ, trước khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng, cũng cho thấy có tới 69% những người này sống trong cảnh nghèo đói. Hơn 40% những người không tiếp cận được với Internet trong độ tuổi từ 18-36.
Trong khi đó, do Internet đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, do đó, nếu không có Internet, người dân không thể tiếp cận các dịch vụ công, giáo dục, hay cơ hội trong cuộc sống.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đại dịch COVID-19 đang đẩy khoảng 1,6 tỷ người lao động, đại diện cho gần 1/2 lực lượng lao động toàn cầu, đang đứng trước nguy cơ mất kế sinh nhai ngay lập tức.
Những người không tiếp cận được với Internet ở Anh hay bất kỳ đâu trên thế giới không thể thường xuyên cập nhật thông tin về đại dịch, chuyện trò với người thân, phỏng vấn tìm việc làm hay xin tị nạn, cũng như tiếp cận các chương trình phúc lợi và dịch vụ ngân hàng.
Trước thực trạng trên, các công ty viễn thông từ Tunisia đến Mỹ cũng như tại nhiều nước đang tìm cách khắc phục, theo đó, các công ty này đã tung ra nhiều biện pháp như giảm giá cước, tăng vùng phủ sóng băng thông rộng, bỏ giới hạn dữ liệu.
Tuy nhiên, theo các tổ chức, các công ty viễn thông vẫn cần nỗ lực hơn nữa để có thêm nhiều người tiếp cận Internet./.