Thủ tục hành chính sắp được xử lý nhanh, tiện bằng điện tử

Truyền thông - Ngày đăng : 11:24, 04/05/2020

Nghị định 45/2020/NĐ-CP thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử có hiệu lực từ ngày 22/5/2020 sẽ chuyển từ “giấy trắng, mực đen, dấu đỏ” sang môi trường điện tử.

"Hết thời" văn bản bằng giấy

Ngày 08/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Theo đó, việc thực hiện đăng ký tài khoản thực hiện TTHC trên môi trường điện tử được thực hiện tại các cổng dịch vụ công: Quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh hoặc sử dụng danh tính điện tử do các tổ chức cung cấp định danh điện tử kết nối, tích hợp với nền tảng trao đổi định danh điện tử.

Kết quả giải quyết TTHC điện tử của cơ quan có thẩm quyền có giá trị pháp lý như kết quả giải quyết TTHC bằng bản giấy.

Trường hợp kết quả giải quyết TTHC điện tử đã hủy hiệu lực vẫn được lưu trữ phục vụ việc tra cứu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo thời hạn lưu trữ quy định của pháp luật chuyên ngành.

Các tổ chức, cá nhân có thể in hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC điện tử do tổ chức, cá nhân đó khởi tạo từ hệ thống thông tin để lưu, đối chiếu thông tin hoặc xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra…

Văn bản giấy được chuyển đổi từ hồ sơ, kết quả điện tử phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định.

Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định một số vấn đề khác về trách nhiệm của các bộ ngành, cán bộ, công chức trong việc triển khai và thực hiện…

Thực tế, môi trường điện tử là môi trường trong đó thông tin được tạo lập, cung cấp, trao đổi, thu thập, xử lý, lưu trữ thông qua mạng Internet, mạng máy tính, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.

Theo đó cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành toàn bộ hoặc một số bước thực hiện TTHC, thủ tục giải quyết công việc bằng phương tiện điện tử thông qua các dịch vụ công (DVC) trực tuyến.

Thủ tục hành chính sắp được xử lý nhanh, tiện bằng điện tử - Ảnh 1.

Người dân sắp hết cảnh phải đến trụ sở chính quyền để tìm hiểu các TTHC bằng giấy. Ảnh: Bình Minh

Hoạt động này mang tính chất phục vụ nhân dân nhiều hơn, hiệu quả của hoạt động hành chính xét dưới góc độ cung cấp DVC được đánh giá bằng mức độ hài lòng của người dân và chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ.

Với việc quy định những thông tin nào người dân phải cung cấp, không được đòi hỏi hay vòi vĩnh những thông tin không quy định sẽ giúp giảm thiểu thời gian cho công dân, doanh nghiệp và người lao động khi truy nhập và sử dụng dịch vụ của chính phủ và do đó giảm thiếu chi phí của nhân dân.

"Nghị định mới về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử sẽ là cuộc "cách mạng" khi văn bản giấy sẽ dần được thay bằng văn bản điện tử, tiết kiệm thời gian, hợp lý hoá việc vận hành công việc, cho phép các cơ quan, các cấp chính quyền cung cấp các dịch vụ chất lượng cao hơn và giảm ngân sách chi tiêu của Chính phủ". Luật sư Diệp Năng Bình Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá.

Cấp tỉnh phải số hóa kết quả giải quyết nhiều TTHC trước 31/12/2025

Đáng chú ý, Nghị định 45/2020/NĐ-CP đã dành hẳn Chương IV để quy định về nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan, địa phương. Theo đó, nhiệm vụ của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải công khai danh mục và tổ chức việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, cơ quan ngang Bộ trên Cổng DVC của Bộ, cơ quan.

Thanh tra, kiểm tra hoạt động thực hiện TTHC trên môi trường điện tử thuộc ngành, lĩnh vực được phân công theo quy định của pháp luật…

Về trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh là ban hành kế hoạch và chỉ đạo việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực, thuộc thẩm quyền giải quyết để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025.

Cấp tỉnh còn phải công khai danh mục và tổ chức việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương trên Cổng DVC cấp tỉnh.

Về nguyên tắc, người dân được quyền giám sát tất cả các lĩnh vực, được quyền tiếp cận các thông tin và giám sát mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước trừ những lĩnh vực thuộc bí mật quốc gia hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Thủ tục hành chính sắp được xử lý nhanh, tiện bằng điện tử - Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đặc biệt, Nghị định quy định rõ cán bộ, công chức, viên chức không được cản trở việc lựa chọn phương thức thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của tổ chức, cá nhân; yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp giấy tờ, tài liệu bằng văn bản giấy để xác minh, kiểm tra đối với các thành phần hồ sơ đã được ký số và ghi nhận tính pháp lý trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Can thiệp trái phép vào quá trình thực hiện TTHC trên môi trường điện tử...

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Nghị định 45/2020/NĐ-CP được chính thức có hiệu lực, mang lại kỳ vọng những chính sách mới được ban hành sẽ kịp thời tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong giám sát việc thực hiện TTHC, hỗ trợ việc xây dựng Chính phủ điện tử.

"Nghị định sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho các bộ ngành và người dân thực hiện. Việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử được thực hiện hợp pháp, hợp lý, khoa học; bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, an toàn thông tin và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết TTHC, do đó, tính thực tiễn rất lớn" - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nhận định.



Bình Minh