Sống sót mà không cần chính phủ hỗ trợ: Boeing đã huy động hàng chục tỷ USD nhờ một thông báo của Fed như thế nào?

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:56, 02/05/2020

Khi liên tục thúc giục Fed thực hiện những biện pháp chưa từng có để hỗ trợ thị trường tín dụng, chính quyền Tổng thống Trump lại "vô tình" giúp đỡ Boeing. Theo nguồn tin thân cận, quyết định của Fed về việc sử dụng bảng cân đối kế toán có quy mô gần như không giới hạn để mua trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một cơ hội đối với Boeing.

Chưa đầy 2 tháng trước, lãnh đạo của Boeing đã đến Washington, đề xuất về khoản cứu trợ trị giá 60 tỷ USD cho công ty và các nhà cung cấp. Trước đó, công ty này đã chi mạnh tay cho việc mua cổ phiếu quỹ và vẫn gặp nhiều khó khăn sau thảm hoạ 737 Max. Do đó, họ không phải là "ứng viên" tiềm năng để nhận được sự hỗ trợ của chính phủ.

Tuy nhiên, khi liên tục thúc giục Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thực hiện những biện pháp chưa từng có để hỗ trợ thị trường tín dụng, chính quyền Tổng thống Trump lại "vô tình" giúp đỡ nhà sản xuất máy bay này. Theo nguồn tin thân cận, quyết định của Fed về việc sử dụng bảng cân đối kế toán có quy mô gần như không giới hạn để mua trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một cơ hội đối với Boeing. 

Cuối cùng, Fed đã tạo điều kiện để Boeing huy động 25 tỷ USD từ các nhà đầu tư tư nhân và rút lại đề xuất giải cứu của chính phủ, tránh được những hạn chế đã được áp đặt. Quyết định của Boeing đã cho thấy quy mô chính sách của Fed đã tái thiết lập niềm tin trong thị trường tín dụng, dù NHTW vẫn chưa chi tiền cho chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp.

Trong cuộc họp chính sách hôm 29/4, chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết: "Nhiều công ty từng nhờ đến sự trợ giúp của Fed giờ đây đã có thể tự hỗ trợ tài chính, khi chúng tôi công bố bản điều khoản đầu tư (term sheet) ban đầu. Có một số lượng lớn hoạt động hỗ trợ tài chính đang diễn ra và đó là một điều tốt." 

Vài tuần trước, cuộc tìm kiếm khoản hỗ trợ tài chính của Boeing đã nhận được "kết cục" không thể tránh khỏi. Ngay ở thời điểm đó, Nikki Haley - cựu đại sứ Mỹ tại LHQ, đã tuyên bố rút khỏi hội đồng quản trị của công ty. Những ý kiến chỉ trích đã nhanh chóng lập luận rằng chính phủ nên tung gói hỗ trợ cho Boeing.

Dẫu vậy, các giám đốc điều hành cũng không hề nản lòng. Họ đã cân nhắc 2 hướng đi chính để huy động hàng tỷ USD tiền mặt để có thể vượt qua thời điểm khó khăn này. Theo nguồn tin thân cận, Boeing trước đó dự định sẽ huy động tiền mặt từ thị trường vốn sau đó khai thác khoản hỗ trợ từ Fed, hoặc nhận khoản vay từ Bộ Tài chính thông qua Đạo luật CARES.

Bước ngoặt đối với nhà sản xuất máy bay diễn ra khi Quốc hội và chính quyền Tổng thống Trump tung gói kích thích hơn 2 nghìn tỷ USD vào tháng 3. Khoản tài trợ này đã giúp thị trường an tâm hơn, khi cho phép Fed bơm thêm thanh khoản vào nền kinh tế thông qua công cụ hoán đổi dành cho các cơ quan tiền tệ nước ngoài và quốc tế (FIMA), với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác đã giúp các hãng hàng không Mỹ - khách hàng chủ chốt của Boeing, đó là chính phủ các nước cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD để giúp các hãng bay duy trì hoạt động. Điều này đảm bảo rằng Boeing vẫn có đơn đặt hàng máy bay ngay cả khi dịch bệnh bùng phát.

Những "cơn gió thuận" đến từ thị trường tín dụng đã giúp Boeing và các đối tác ngân hàng đưa ra hành động nhanh hơn ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I hôm 29/4. Theo nguồn tin thân cận, Boeing dự kiến sẽ huy động 10-15 tỷ USD thông qua việc bán trái phiếu có kỳ hạn đến 40 năm. Khi nhu cầu tăng mạnh lên mức hơn 70 tỷ USD, thì lãnh đạo công ty cho biết họ không cần đến hỗ trợ từ chính phủ liên bang và nâng quy mô chào bán lên 25 tỷ USD. Theo đó, đây là đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ trong năm nay. 

Boeing hiện đã thoát khỏi "vòng nguy hiểm" và nắm giữ 15,5 tỷ USD vào cuối tháng 3 sau khi rút hết hạn mức một khoản vay gần 14 tỷ USD. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về thiệt hại lâu dài đối với công ty và các hãng hàng không khi hoạt động tại thị trường này đột ngột bị đình trệ vào giữa tháng 3.

Nguồn tin thân cận tiết lộ, ông Mnuchin và các trợ lý đã liên lạc gần như không ngừng nghỉ với các lãnh đạo của Boeing trong tháng qua, khi thảo luận về cách vượt qua khủng hoảng. Các cuộc đàm phán vẫn diễn ra và Boeing đang lo ngại về hỗ trợ các nhà cung cấp quan trọng đang gặp khó khăn về tài chính.

Sau đợt chào bán của Boeing, thị trường trái phiếu đã cho thấy dấu hiệu về sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn của ngành hàng không. Tuy nhiên, khi Boeing hiện có trong tay "chiếc hòm chiến tranh" để nỗ lực tồn tại trong vài năm tới, thì công ty vẫn phải thực hiện những biện pháp không mong muốn, trong đó bao gồm cắt giảm 16.000 việc làm.

Hiện tại, Boeing vẫn chưa đóng lại "cánh cửa" tìm kiếm viện trợ từ chính phủ liên bang, đặc biệt là khi rủi ro từ đại dịch có thể khiến ngành du lịch và nền kinh tế một lần nữa bị đình trệ vào cuối năm nay. Trên thực tế, thông báo của công ty này cũng khéo léo nhắc đến lựa chọn đó, cho biết họ đã huy động được số vốn cần thiết "ở thời điểm này".

Tham khảo Bloomberg 

Sống sót mà không cần chính phủ hỗ trợ: Boeing đã huy động hàng chục tỷ USD nhờ một thông báo của Fed như thế nào? - Ảnh 2.

Lục Lam