Nhìn bé gái hăng say úp cả cái bát to lên mặt, ai cũng xuýt xoa ước ao "được như bà mẹ ấy"
Gia đình - Ngày đăng : 00:37, 02/05/2020
Con chịu ăn chính là một trong những "khát khao cháy bỏng" của tất cả các bậc cha mẹ. Bé ăn ngoan, không kén ăn sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh, cha mẹ cũng được nhàn tênh.
Mới đây, một bà mẹ người Trung Quốc đã đăng tải lên Weibo đoạn video quay lại cảnh ăn uống của con gái mình. Cô bé còn khá nhỏ, chỉ khoảng hơn 1 tuổi. Đã đến giờ ăn cháo, em bé được mẹ cho ngồi vào ghế ăn của riêng mình. Khi người mẹ đặt bát cháo lên bàn, cô bé lập tức cầm thìa tự xúc ăn rất độc lập.
Đến khi chỉ còn lại chút cháo trong bát, dùng thìa khó xúc, bé gái liền nâng cả bát úp lên mặt và húp nốt những hạt cơm còn sót lại. Nhìn hình ảnh ấy ai cũng phải xuýt xoa bé gái quá đáng yêu, ăn uống đặc biệt ngoan ngoãn. Các bà mẹ thì đều ước ao được như bà mẹ của bé gái, chỉ mong con mình ở nhà cũng "đam mê" ăn uống thế này.
Vẻ đáng yêu của bé gái khiến người xem "đổ gục".
Sau khi ăn sạch cháo mẹ nấu, em bé liền giơ bát cho mẹ xem, báo cáo thành tích bữa ăn của mình. Ngắm khuôn mặt trắng trẻo, mũm mĩm và đôi mắt tròn xoe của bé, cư dân mạng không khỏi bị vẻ dễ thương ấy "hạ gục":
- Em bé thật xinh xắn, lớn lên ắt là mỹ nhân.
- Đáng yêu quá! Ăn được chính là phúc.
- Tại sao các em bé trên mạng đều ăn uống ngon lành như vậy? Em bé ở nhà của tôi, nghĩ đến mà phát sầu!
Để con thích thú với ăn uống và tự lập hơn, các bà mẹ cần lưu ý những điểm sau đây:
Hình ảnh siêu yêu của những "tài năng nhí" khiến bạn phì cười: Từ thánh ăn vạ, thánh biểu cảm cho tới thánh làm màuĐọc ngay
1. Không nêm muối và đường vào đồ ăn khi trẻ dưới 1 tuổi
Trẻ dưới 1 tuổi vẫn đang trong quá trình hình thành đầy đủ và hoàn thiện dần các chức năng các cơ quan trong cơ thể. Trẻ nên ăn nhạt để thận của bé không phải làm việc quá tải. Các thức ăn hợp với lứa tuổi này đã có chứa một lượng muối nhất định như bột ngũ cốc, hoa quả, nước hoa quả, thịt, thịt gia cầm, cá, trứng, rau. Do vậy, cha mẹ không cần cho muối vào thức ăn của trẻ.
Ngoài ra, nêm muối khi nấu bột, cháo còn tập cho bé thói quen ăn nhiều muối khi bé lớn. Thói quen này dẫn đến khả năng bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch trong tương lai.
Đường cũng không tốt cho sức khỏe trẻ em. Ngoài gây sâu răng, nếu ăn quá nhiều còn có thể dẫn đến thừa cân béo phì, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh cao huyết áp, tiểu đường và tim mạch sau này.
2. Để trẻ thoải mái bốc thức ăn theo ý mình
Trẻ ở giai đoạn mới tập ăn thức ăn bổ sung thường thích dùng tay bốc cơm và thức ăn. Cha mẹ sợ con bẩn tay nên sẽ cấm con dùng tay. Nhưng cách xử lý đó chưa chính xác. Cha mẹ không cần ngăn cản con dùng tay bốc, hãy để bé được thoải mái ăn uống theo ý mình, sẽ tăng hứng thú của bé với bữa ăn hơn. Ngoài ra, để trẻ dùng tay cầm nắm thức ăn còn giúp rèn luyện khả năng phối hợp tay và mắt, khiến đôi tay bé linh hoạt hơn.
3. Tôn trọng quyền được tự xúc ăn của bé
Nhiều bậc cha mẹ luôn muốn bón cơm cho bé, không để con cầm thìa, bát tự ăn. Cho dù bé đòi lấy thìa xúc nhưng cha mẹ vẫn không cho phép vì họ sợ con làm rơi vãi đồ ăn hoặc dây bẩn ra quần áo. Cách làm ấy vừa khiến trẻ mất đi sự tự lập, đồng thời không tôn trọng quyền được tự ăn cơm của bé.
Cha mẹ hãy đặt chiếc thìa vào tay con, để con tự phát huy năng lực của mình. Trong quá trình bé ăn, cha mẹ nên ngồi cạnh quan sát để kịp thời phát hiện và xử lý nếu có tình huống bất ngờ phát sinh.
4. Cho trẻ ăn uống tự lập càng sớm càng tốt
Trẻ từ 12-18 tháng hoàn toàn có thể tự mình ăn uống mà không cần người lớn giúp đỡ. Cha mẹ nên cho con tự lập ăn uống càng sớm càng tốt. Nếu không trẻ sẽ trở nên lười biếng, ỷ lại, chỉ đợi cha mẹ, ông bà bón cơm, lấy đồ ăn cho mình.
Cho trẻ ăn uống tự lập chính là một cách tin tưởng và khẳng định khả năng của con. Từ đó rèn luyện sự độc lập, tự chịu trách nhiệm cho bé.