Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 - Từ góc nhìn xã hội thông tin
Báo chí - Ngày đăng : 07:43, 01/05/2020
1. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc hướng tới mục tiêu đổi mới mô hình tổ chức, quản lý nền báo chí cho phù hợp với xu thế phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam
Có thể tóm tắt yêu cầu đầu ra của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 bằng ma trận phương án sắp xếp các cơ quan báo chí Việt Nam như sau:
Xã hội thông tin là một hình thái xã hội trong đó "thông tin được coi là một tính năng đặc biệt của thế giới đại chúng, là thời đại của các luồng thông tin, các mối quan hệ ảo" (Webster, 2014) [1], tác động đến. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc tác động tích cực đến sự hình thành và phát triển xã hội thông tin thông qua các bình diện sau đây:
Một là, Phân tích và phân khúc sâu nền báo chí Việt Nam
Trong xã hội thông tin hình thành 3 dòng chảy thông tin lớn nhất có quan hệ chặt chẽ với nhau và có mối quan hệ biện chứng, qua lại và tương tác với nhau, bao gồm: Báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng; Các loại hình và phương tiện truyền thông liên cá nhân; Truyền thông xã hội. Báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng là một phân khúc riêng, có sứ mệnh quan trọng, hiện đang chịu thách thức lớn trong cạnh tranh với hai dòng thông tin chủ lưu khác là Truyền thông liên cá nhân và Truyền thông xã hội. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc tạo phân khúc rõ và sâu cho nền báo chí Việt Nam, với 03 thành tố trung tâm là Nhà sản xuất, Hàng hoá- dịch vụ và Công chúng báo chí.
Bảng phương án sắp xếp các cơ quan báo chí Việt Nam cho thấy Quyết định 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 phân khúc theo 4 nhóm cơ quan chủ quản then chốt được xác định cụ thể, bao gồm: Báo chí Trung ương; Báo chí của các Bộ ngành; Báo chí địa phương; Báo chí của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp nhà nước. Phân khúc thị trường căn cứ chủ yếu vào mục tiêu đáp ứng quyền tiếp cận thông tin báo chí, nâng cao sức mạnh (tinh, gọn, hiệu quả) của hệ thống các cơ quan báo chí ở Việt Nam theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Hai là, Quy hoạch "Nhà sản xuất sản phẩm báo chí" và "Hàng hoá/ dịch vụ báo chí truyền thông, tạo cơ chế thúc đẩy cách mạng công nghệ và khuếch tán công nghệ trong xã hội thông tin
Khi nhu cầu, khả năng tiếp nhận, tính chủ động, đặc biệt là năng lực tương tác của công chúng tăng lên; khi phân khúc công chúng biến đổi mạnh mẽ, thời gian trong ngày sử dụng các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội đang đạt nhóm chỉ số cao nhất; cạnh tranh gay gắt thị trường hàng hoá/dịch vụ truyền thông giữa trong nước và quốc tế; giữa các cơ quan báo chí trung ương và địa phương; thì yêu cầu đổi mới nhằm tăng năng lực cạnh tranh đối với Nhà sản xuất - cơ quan báo chí và các thiết chế truyền thông đại chúng của hệ thống chính trị là một yêu cầu cấp bách. Theo đó, cần sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống các loại hình báo chí, khẳng định vai trò, sứ mệnh của báo chí trong một xã hội thông tin ở Việt Nam, thực hiện chức năng thông tin, liên kết xã hội và can thiệp xã hội của báo chí.
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc xác định rõ chiến lược phát triển sản phẩm báo chí tích hợp (báo in - báo mạng điện tử; tạp chí in - tạp chí điện tử; phát thanh - truyền hình); ở các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, tạo cơ chế và đầu tư nguồn lực cho việc phát triển báo chí truyền thông đa phương tiện, tạo cơ sở cho phát triển báo chí- truyền thông đa nền tảng ở Việt Nam. Quy hoạch này cho thấy 4 dòng sản phẩm báo chí với mức độ từ thấp đến cao được phân khúc rõ nét theo sơ đồ dưới đây:
Triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc cũng góp phần lành mạnh hóa hoạt động báo chí, đảm bảo các cơ quan báo chí hoạt động công bằng, minh bạch, lấy lại niềm tin của công chúng, chống lại các tình trạng nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, chống lại các hiện tượng tiêu cực như "IS", "nhà báo đếm tầng"…
Ba là, khởi đầu cho chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng và yêu cầu mới về nguồn nhân lực ngành báo chí truyền thông theo hướng đa phương tiện và đa nền tảng
Nhà nước đầu tư có trọng điểm nhằm phát triển cơ sở hạ tầng cho các cơ quan báo chí thuộc hệ thống chính trị, quy định rõ yêu cầu về nội dung cho các dòng sản phẩm báo chí. Nhà nước đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực gắn với yêu cầu hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ truyền thông tiên tiến và có cơ chế khuyến khích các cơ quan báo chí tiếp cận công nghệ truyền thông tiên tiến; Đầu tư nghiên cứu, phát triển các công cụ, giải pháp kỹ thuật để quản lý tốt báo chí điện tử, thông tin mạng. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, các chương trình, đề án, dự án bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng, tăng diện bao phủ thông tin chính thống, đúng định hướng đồng thời ngăn chặn, hạn chế tác động của thông tin độc hại, tiêu cực.
Yêu cầu về nội dung và cơ chế kinh tế, tài chính là hai yếu tố thể hiện chiến lược cơ sở hạ tầng và là yếu tố tạo "cú hích" phát triển nguồn nhân lực ngành báo chí truyền thông theo hướng đa phương tiện và đa nền tảng. Ví dụ: Quyết định số 362/QĐ-TTg chỉ rõ: Đến năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu và có cơ chế phù hợp để từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp sản xuất nội dung trong nước. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc yêu cầu hệ thống phát thanh – truyền hình đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm thời lượng phát sóng chương trình sản xuất trong nước của kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của từng kênh chương trình (trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất mới đạt tối thiểu 30% thời lượng các chương trình sản xuất trong nước); việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học, kỹ thuật, thể thao, giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của kênh đó.
Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 nêu rõ: "Đối với hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, số lượng kênh chương trình nước ngoài được phép khai thác nguyên kênh trên hệ thống không vượt quá 30% tổng số kênh khai thác". Như vậy, thay bằng các hình thức xã hội hoá, liên kết hoặc mua bản quyền nước ngoài, các cơ quan báo chí phải tự sắp xếp đội ngũ sao cho tinh gọn, hiệu quả.
2. Vấn đềđặt ra và giải pháp thúc đẩy việc triển khai Quyết định 362/QĐ-TTg, đảm bảo sự phát triển của báo chí Việt Nam
Trên cơ sở tiếp cận một số nghiên cứu về báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin [4,5], từ phân tích thực trạng triển khai Quyết định 362/QĐ-TTg, đã chỉ ra những khó khăn, chúng tôi nhận diện mấy vấn đề đặt ra sau đây:
Một là, Vấn đề nhận thức đúng đắn về chủ trương của Đảng, mục tiêu, lộ trình quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc. Việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc không phải là để "xử lý" báo chí mà nhằm nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức, quản lý báo chí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, độ "tinh nhuệ" của nền báo chí hiện đại, tập trung nguồn lực vào nhiệm vụ chính của mỗi cơ quan báo chí theo đúng định hướng, theo đúng tôn chỉ mục đích, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của cơ quan chủ quản; khắc phục tình trạng dẫn lại, copy lại trên các báo điện tử; làm sống lại những nội dung báo chí chất lượng, chuyên sâu như báo chí chính luận, phản biện, phóng sự, điều tra, đặc biệt là trên các báo in, tạp chí in.
Hai là, Vấn đề nghiên cứu cơ sở khoa học về các dòng sản phẩm báo chí chưa có trong nền báo chí cũ. Ví dụ: Làm rõ lý luận về sản phẩm báo chí tích hợp, sản phẩm báo chí – truyền thông đa phương tiện, sản phẩm báo chí – truyền thông đa nền tảng. Cần nghiên cứu lý luận và thực tiễn về Tạp chí điện tử, chẳng hạn: Khái niệm, phân loại, so sánh với Tạp chí in và Báo điện tử, trả lời rõ câu hỏi về mô hình toà soạn, quy định về nội dung và phương thức tổ chức sản phẩm đầu ra được phép xuất bản ở cơ quan báo và cơ quan tạp chí. Hiện chưa có nhiều các nghiên cứu chuyên sâu về giải pháp khắc phục nhược điểm của nền báo chí cũ, đặc điểm và yêu cầu của nền báo chí sau quy hoạch, dẫn đến tình trạng còn lúng túng trong triển khai của cơ quan chủ quản và lãnh đạo cơ quan báo chí.
Ba là, Vấn đề đổi mới quy trình tổ chức sản xuất và mô hình toà soạn hội tụ. Để thực thi mô hình tinh gọn, báo chí tích hợp, đa phương tiện và đa nền tảng, điều kiện tối cần thiết là việc đổi mới quy trình tổ chức sản xuất và xây dựng mô hình toà soạn hội tụ. Giai đoạn 2 trong lộ trình triển khai quy hoạch là 5 năm, là thách thức lớn về thời gian với một số cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí địa phương để đổi mới quy trình tổ chức sản xuất và mô hình toà soạn.
Bốn là, Vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cho nền báo chí - truyền thông đáp ứng nguyên tắc và tính hệ thống của các thành tựu cách mạng Công nghiệp 4.0. Vấn đề này đòi hỏi yêu cầu đồng bộ nhận thức, năng lực và nguồn lực tài chính của cả cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí.
Năm là, thách thức về nguồn lực và đào tạo nguồn lực ngành báo chí và các ngành truyền thông khác trong kỷ nguyên 4.0. Đây là thách thức lớn nhất trong lộ trình triển khai Quyết định 352/QĐ-TTg. Tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao và thừa nhân lực không đáp ứng được yêu cầu sau khi sắp xếp là khá phổ biến. Đặc biệt, cần giải quyết vấn đề liên quan đến đời sống của những người làm báo, những phóng viên biên tập viên khi sáp nhập các đơn vị báo chí.
Trên cơ sở 5 vấn đề nêu trên, chúng tôi bước đầu đề xuất một số giải pháp thúc đẩy việc triển khai Quyết định 362/QĐ-TTg, đảm bảo sự phát triển của báo chí Việt Nam sau đây:
Một là, Tiếp tục đầu tư nguồn lực cho chu trình chính sách và truyền thông chính sách về phát triển và quản lý báo chí truyền thông Việt Nam nói chung và với Quyết định 362/QĐ-TTg nói riêng. Nên thực hiện 4 giai đoạn truyền thông chính sách, bao gồm: xây dựng chính sách, công bố chính sách, thúc đẩy thi hành chính sách, đánh giá truyền thông chính sách. (Woo Young Choi, 2016).
Hai là, Nâng cao tính chiến lược trong chu trình chính sách phát triển và quản lý báo chí truyền thông Việt Nam. Cần phân khúc thị trường báo chí truyền thông một cách tổng thể với toàn bộ nền báo chí truyền thông Việt Nam và phân khúc chuyên sâu vào lĩnh vực báo chí, từ đó xây dựng chiến lược sắp xếp nguồn nhân lực báo chí truyền thông một cách bài bản, dựa trên cơ sở khoa học báo chí truyền thông. Việc phân khúc nên dựa trên ba trục chính: Nhà sản xuất, Hàng hoá – dịch vụ, Công chúng - Khách hàng. Bên cạnh đó cần phân tích thực trạng các yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của nền báo chí truyền thông, bao gồm: Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực báo chí - truyền thông, môi trường pháp lý về quản lý, kinh doanh báo chí truyền thông địa phương, quốc gia và quốc tế; quan hệ cung cầu và đặc thù công chúng truyền thông [4].
Việc phân khúc tổng thể cho phép nhận diện thực trạng nền báo chí Việt Nam, thị trường mới, từ đó có chiến lược đổi nguồn lực trong hệ thống các thiết chế truyền thông của hệ thống chính trị song song với phát triển ngành công nghiệp truyền thông trong kỷ nguyên số hiện nay.
Ba là, Tiếp tục và đẩy nhanh tiến độ việc sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ pháp luật về báo chí, viễn thông, công nghệ thông tin để phát triển đi đôi với quản lý tốt các dòng chảy thông tin, cả thiết chế truyền thông của hệ thống chính trị và ngành công nghiệp truyền thông đang phát triển tại Việt Nam, phù hợp với nguyên lý phát triển xã hội thông tin và điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Bốn là, Các cơ quan báo chí cần xây dựng phương án sắp xếp nguồn nhân lực một cách bài bản, công khai, minh bạch.
Các cơ quan báo chí cần khảo sát và phân tích dữ liệu nguồn lực, xây dựng tiêu chí và tổ chức lựa chọn các vị trí mới công khai, minh bạch, theo cơ chế cạnh tranh về phẩm chất và năng lực ứng viên. Đồng thời có cơ chế đảm chế độ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thích hợp với nguồn nhân lực dư dôi sau sắp xếp, hỗ trợ thông tin, giới thiệu các đơn vị mới để đảm bảo công ăn việc làm sau khi hoàn thành sắp sếp theo lộ trình quy hoạch.
Năm là, Đổi mới toàn diện lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí truyền thông.
Cần đổi mới đầu ra, nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực báo chí truyền thông. Cần tập trung đào tạo ở 3 mức đầu ra: báo chí tích hợp các loại hình, báo chí – truyền thông đa phương tiện và báo chí – truyền thông đa nền tảng. Có cơ chế và chính sách bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí truyền thông mới cho các nhà báo, đảm bảo sau vài năm có đủ năng lực hành nghề ở một cơ quan, doanh nghiệp mới.
Sáu là, Tăng cường truyền thông giáo dục cho các nhà báo về ý thức chủ động học tập, rèn luyện nhằm đáp ứng yêu cầu mà một nền báo chí đang đặt ra. Trong xã hội thông tin, sự bao cấp trong cơ quan báo chí và cơ sở truyền thông bị phá vỡ nhanh chóng, thay vào đó là sự cạnh tranh gay gắt về phẩm chất, năng lực tham gia của từng thành viên vào nền báo chí truyền thông. Khi đã có quy chế và tiêu chuẩn tuyển chọn tốt, nếu mỗi nhà quản lý báo chí, mỗi nhà báo đều ý thức rõ điều này, chủ động và nỗ lực học tập để nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, tự mình trui rèn bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của mình thì chúng ta dễ dàng giải quyết được vấn đề nhân lực "hậu Quy hoạch". nB
Tài liệu tham khảo
1. Frank Webster (2006), Theories of the information society, Third Edition, Routlege Publisher, Master e-book. p 8-9.
2. Woo Young Choi (2016), Prain – The role of PR agency on public policy PR, Prain Company, Seoul, Korea.
3. Thi Thu Hang DO, Les marché des média au Vietnam: etats des lieux et perspectives d'évolution, Les Cahier de la SFSiC, Société Français des Sciences de l'information de la Communication. No 13. Février 2017, p.337-354
4. Đỗ Thị Thu Hằng, Thị trường báo chí truyền thông Việt Nam – thực trạng và xu hướng phát triển, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, Số tháng 6, tháng 7 năm 2017. Hà Nội
5. Đỗ Thị Thu Hằng, Công tác quản lý báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Thông tin & Truyền thông, Chuyên đề Toàn cảnh sự kiện – dư luận. Số 338 (9/2018), Số 339 (10/2018)
(Bài đăng tải trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 4/2020)