Rủi ro khi sử dụng các dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới
Truyền thông - Ngày đăng : 09:01, 30/04/2020
Dịch vụ truyền hình trên mạng Internet (OTT TV) của các DN trong nước đã và đang cung cấp các nội dung thông tin, giải trí đa dạng phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của người dân. Nội dung trên các dịch vụ trong nước tuân thủ các quy định pháp luật về biên tập đảm bảo phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Người sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam được cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước, gói nội dung, đảm bảo chất lượng kỹ thuật theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện nay có 34 DN chính thức cung cấp dịch vụ, trong đó có 20 DN cung cấp dịch vụ OTT TV, như: dịch vụ Onme (TViettel), VTVCab ON (Công ty VTVcab), FPT Play (Công ty FPT), MyTVNet (VNPT)...
Trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam, dịch vụ truyền hình trả tiền nói chung và dịch vụ truyền hình trên mạng Internet (OTT TV) nói riêng đã phục vụ tốt nhu cầu thông tin, giải trí của người dân đặc biệt trong giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên với, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ Internet băng rộng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch bệnh COVID-19 đã làm tăng đột biến nhu cầu thưởng thức thông tin, giải trí trên các dịch vụ OTT TV của người dân. Chính vì vậy, một số dịch vụ OTT TV cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh, trong số đó có một số dịch vụ như: We TV, iQiYi, iFlix, Netflix, Apple TV+...
Hiện nay, dịch vụ OTT TV của các DN nước ngoài cung cấp xuyên biên giới chưa được cấp phép cung cấp tại Việt Nam, nội dung trên các dịch vụ chưa tuân thủ quy định biên tập theo quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy, trên một số dịch vụ loại này có xuất hiện những thông tin xuyên tạc lịch sử, nội dung gợi dục, khiêu dâm, bạo lực và một số từ ngữ được chuyển ngữ phụ đề tiếng Việt không phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.
Ngoài ra, chất lượng kỹ thuật dịch vụ cũng chưa được kiểm tra, kiểm soát theo quy định. Đa số các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới thực hiện phương thức thanh toán cước thuê bao bằng chuyển khoản điện tử, người sử dụng trả tiền trước, vì vậy, khi gặp vấn đề về chất lượng kỹ thuật, nội dung không phù hợp... người sử dụng sẽ không được bảo đảm quyền lợi chính đáng khi sử dụng dịch vụ.
Mới đây, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) (Bộ TT&TT) đã khuyến nghị người dân sử dụng dịch vụ của các DN trong nước, lường trước các rủi ro khi sử dụng các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới của DN nước ngoài.
Bên cạnh đó, Cục PTTH&TTĐT đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm giới thiệu, quảng bá cho các dịch vụ truyền hình trả tiền của các DN trong nước và cân nhắc, nâng cao trách nhiệm khi thực hiện các bài viết, chương trình giới thiệu, quảng bá, phổ biến trên phương tiện báo chí, phát thanh, truyền hình cho các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới từ các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.