Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đo kiểm thiết bị viễn thông, đài VTĐ

Bản tin ICT - Ngày đăng : 16:56, 29/04/2020

Bộ trưởng Bộ TT&TT vừa ký ban hành những Thông tư mới về kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện (VTĐ) sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2020. Theo đó, công tác đo kiểm sẽ được xã hội hóa, tạo cơ hội nhiều các tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia công tác đo kiểm.

Xã hội hóa công tác đo kiểm - Ảnh 1.

(Ảnh: Internet)

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ TT&TT vừa ký ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT quy định về kiểm định thiết bị viễn thông, đài VTĐ và Thông tư số 08/2020/TT-BTTTT ban hành Danh mục và Quy trình kiểm định thiết bị viễn thông, đài VTĐ bắt buộc kiểm định thay thế các Thông tư số 16/2011/TT-BTTTT ngày 30/6/2011, Thông tư số 17/2011/TT-BTTTT ngày 30/6/2011, Thông tư số 18/2011/TT-BTTTT ngày 30/6/2011, Thông tư số 12/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 và Thông tư số 14/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017. Các Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2020.

Mục đích của các quy định tại các Thông tư mới này là nhằm xã hội hóa công tác đo kiểm để tận dụng nguồn lực của xã hội trong công tác đo kiểm, giảm khó khăn cho doanh nghiệp (DN); tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, tăng tính chủ động và giảm chi phí cho DN; và đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với thiết bị viễn thông, đài VTĐ của cơ quan quản lý và sự tin tưởng của người dân, xã hội đối với an toàn bức xạ điện từ trường của đài VTĐ.

Nội dung chính của các Thông tư

Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT quy định về kiểm định thiết bị viễn thông, đài VTĐ thay thế Thông tư số 16/2011/TT-BTTTT ngày 30/6/2011. Thông tư quy định về kiểm định thiết bị viễn thông, đài VTĐ bao gồm 03 Chương, 15 Điều và 01 Phụ lục, cụ thể:

- Chương I: Quy định chung (giới thiệu phạm vi và đối tượng áp dụng);

- Chương II: Nội dung, thủ tục kiểm định (quy định các nội dung về trình tự, thủ tục thực hiện việc kiểm định thiết bị viễn thông, đài VTĐ);

- Chương III: Tổ chức thực hiện (quy định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc kiểm định thiết bị viễn thông, đài VTĐ).

Thông tư số 08/2020/TT-BTTTT ban hành Danh mục và Quy trình kiểm định thiết bị viễn thông, đài VTĐ bắt buộc kiểm định thay thế các Thông tư số 17/2011/TT-BTTTT ngày 30/6/2011, Thông tư số 18/2011/TT-BTTTT ngày 30/6/2011, Thông tư số 12/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 và Thông tư số 14/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017:

Thông tư này ban hành Danh mục và Quy trình kiểm định thiết bị viễn thông, đài VTĐ bắt buộc kiểm định, cụ thể:

- Danh mục thiết bị viễn thông, đài VTĐ bắt buộc kiểm định gồm Trạm gốc điện thoại di động (ĐTDĐ) mặt đất công cộng (theo quy chuẩn kỹ thuật QCVN 8:2010/BTTTT); Đài phát thanh, Đài truyền hình (PTTH) (theo quy chuẩn kỹ thuật QCVN 78:2014/BTTTT). 

Theo đó, các trạm gốc ĐTDĐ mặt đất công cộng (trong bán kính 100m (tính từ điểm bất kỳ nào thuộc chân cột anten của trạm gốc đó) có công trình xây dựng trong đó có người sinh sống, làm việc và có hiệu độ cao của mép dưới thấp nhất của các anten và độ cao tính tới nóc, mặt bằng cao nhất của các công trình xây dựng này nhỏ hơn 28 m) và các đài PTTH có công suất phát cực đại từ 150W trở lên là các đối tượng phải thực hiện kiểm định. Chu kỳ kiểm định được tính từ ngày cấp Giấy chứng nhận kiểm định là 5 năm.

- Quy trình kiểm định trạm gốc ĐTDĐ mặt đất công cộng; và Quy trình kiểm định đài phát thanh, đài truyền hình được quy định chi tiết tại Thông tư này.

Xã hội hóa công tác đo kiểm - Ảnh 2.

(Ảnh Internet)

Các điểm mới trong quy định về kiểm định thiết bị viễn thông, đài VTĐ

Xã hội hóa công tác đo kiểm định:

Hiện nay, theo quy định, việc đo kiểm và kiểm định do một đơn vị thuộc Bộ TT&TT (Cục Viễn thông) thực hiện. Theo quy định mới, công tác đo kiểm sẽ được xã hội hóa, tạo cơ hội nhiều các tổ chức, DN cùng tham gia công tác đo kiểm giúp giảm thời gian thực hiện việc đo kiểm, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh, giảm chi phí cho DN.

Theo quy định mới, đơn vị đo kiểm thiết bị viễn thông, đài VTĐ là đơn vị được thành lập, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật và được BộTT&TT chỉ định để đo kiểm đối với thiết bị viễn thông, đài VTĐ.

Giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận kiểm định

Hiện nay, thời gian cấp Giấy chứng nhận kiểm định là trong vòng 90 ngày. Theo quy định mới, thời gian cấp Giấy chứng nhận giảm xuống còn trong vòng 30 ngày. Do vậy trước ngày hết hạn ghi trên Giấy chứng nhận kiểm định ít nhất 60 ngày các tổ chức, DN phải tiến hành kiểm định lại, thay cho quy định hiện nay là trước ngày hết hạn ít nhất 3 tháng.

Đơn vị đo kiểm được quy định cập nhật trực tuyến kết quả đo kiểm về cơ sở dữ liệu (CSDL) của Tổ chức kiểm định để kiểm soát công tác đo kiểm nhằm đảm bảo tính trung thực, nghiêm túc việc đo kiểm và gắn trách nhiệm của các tổ chức, DN tham gia vào công tác đo kiểm, kiểm định thiết bị viễn thông, đài VTĐ. Theo đó, sau khi đo kiểm, đơn vị đo kiểm thực hiện cập nhật trực tuyến kết quả đo kiểm về CSDL của Tổ chức kiểm định.

Quy định mới cho phép tổ chức, DN nộp hồ sơ kiểm định trực tuyến qua các cổng dịch vụ công, báo cáo qua hình thức điện tử nhằm giảm chi phí, thời gian, tạo điều kiện cho các tổ chức, DN phát triển và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Bắt buộc kiểm định danh mục thiết bị viễn thông, đài VTĐ

Trong Danh mục thiết bị viễn thông, đài VTĐ bắt buộc kiểm định, Hệ thống ghi cước tổng đài đã được loại ra do chưa có giải pháp kỹ thuật kiểm định chính xác hệ thống ghi cước; và thực tế ở các nước, không thực hiện kiểm định đối với hệ thống ghi cước tổng đài.

Thay cho kiểm định hệ thống ghi cước tổng đài, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông, bao gồm độ chính xác ghi cước, tính cước các dịch vụ để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Bắt buộc kiểm định quy trình kiểm định thiết bị viễn thông, đài VTĐ

Các quy trình kiểm định trạm gốc ĐTDĐ mặt đất công cộng (theo quy chuẩn kỹ thuật QCVN 8:2010/BTTTT) và Đài phát thanh, Đài truyền hình (theo quy chuẩn kỹ thuật QCVN 78:2014/BTTTT) hướng dẫn các bước thực hiện và lập báo cáo chi tiết kết quả đo kiểm; các nội dung cũng đã được rà soát, chỉnh sửa để đảm bảo việc áp dụng được thuận tiện và chính xác.

Tài liệu tham khảo:

[1] Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT ngày 13/4/2020 của Bộ TT&TT quy định về kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện

[2] Thông tư số 08/2020/TT-BTTTT ngày 13/4/2020 của Bộ TT&TT ban hành Danh mục và Quy trình kiểm định thiết bị viễn thông, đài VTĐ bắt buộc kiểm định

Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ TTTT