Đọc sách cho trẻ mùa dịch bệnh

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 16:03, 28/04/2020

Trước tình hình dịch bệnh, trẻ con được ở nhà và tiếp xúc với nhiều thiết bị điện tử là không tốt. Vậy việc giúp các em đọc sách, sống trong thế giới sách như thế nào là điều các bố mẹ quan tâm.

Đọc sách như một điều trải nghiệm

Mỗi đứa trẻ là một thiên tài, và bằng cách nào đó chúng lớn lên, phát triển một cách riêng biệt và chẳng giống ai. Việc của chúng ta là tôn trọng tính cá thể đó và kích thích có định hướng những sự phát triển để chúng đạt được những thành tựu. Đọc sách cũng vậy, hãy để bé sờ được, chạm đến và gọi tên những sự vật hiện tượng xung quanh mình bằng những gì đã được đọc, rồi tư duy bằng những mối liên hệ ấy. Khi đó, con bạn đã thực sự đạt được đích đến là khám phá tri thức, sự vật và hiện tượng, và khi đó, đọc sách không còn là sự nhồi sọ, mọt sách giáo điều xa xôi.

Hồi con trai tôi ba tuổi, một tối gia đình tôi đi chơi, bỗng cu cậu hét lên: Bố mẹ! Mặt trăng kìa! Và cu cậu chỉ ngón tay xinh xinh lên bầu trời nơi có ánh trăng tròn vành vạnh. Chúng tôi mỉm cười, và cùng hiểu là ánh trăng trong cuốn sách chúng tôi đọc cho cu cậu đêm trước đã hiện hữu thật ngay trong tầm mắt, sau việc gọi tên đấy, có lẽ tâm hồn cậu cũng đã cảm nhận được ánh sáng dịu dàng của đêm trăng rằm tuyệt đẹp, sự rung cảm cần thiết cho một tâm hồn thơ trẻ được lớn lên nhân văn.

Đọc sách, ban đầu hãy như một hành vi tựnhiên, không có gì căng thẳng và to tát cả, hãy để bé tắm mát bằng thứ ngôn ngữ và hình ảnh sống động từ trong những trang sách, rồi sau đó để bé có cơ hội "hành động" với hình ảnh ngôn ngữ ấy bằng việc nhìn thấy, chạm vào, lắng nghe…và cùng sáng tạo, tưởng tượng. Sự ghi nhớ, sáng tạo từ những trang sách ấy sẽ đến một cách tự nhiên. Benjamin Franklin từngnói: "Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên; những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ; những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu." Trải nghiệm là thứ quý giá để con người ta lớn lên.

Bố mẹ hãy để điện thoại xuống

Rõ ràng là trong sinh hoạt gia đình, hành vi của bố mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến con cái. Nếu bố mẹ suốt ngày cầm điện thoại thì không thể yêu cầu con mình đừng dùng thiết bị này. Những hấp dẫn từ các chương trình cho thiếu nhi từ thiết bị điện tử thông minh đối với trẻ con là rất lớn, vì vậy rất khó để yêu cầu các em từ bỏ chúng nếu bố mẹ cũng dùng.

Bên cạnh đó, với con trẻ, nếu không thực sự nhiệt huyết, không có lòng kiên trì, rất khó để người lớn theo chân chúng suốt ngày mà không thấy mệt mỏi, nhu cầu được yên tĩnh không bị chúng làm phiền luôn thường trực, và người lớn dễ dàng thỏa hiệp hoàn cảnh bằng cách đưa điện thoại hay mở ti vi để chúng ngồi yên, điều này khá là phổ biến vì người lớn thì được thảnh thơi, trẻ con thì được thỏa chí cùng những chương trình chúng yêu thích, hậu quả là các con bị nghiện.

Điều cần làm là bố mẹ hãy để điện thoại xuống, tương tácvới con khi cần thiết vàđọc sách cho con. Nếu bố mẹ có những công việc cần dùng đến điện thoại, hãy chọn cho mình một không gian riêng để giải quyết công việc và thay phiên thời gian chơi với con. Nếu cho con xem tivi, hãy cùng thảo luận các chương trình giáo dục có ích và cả nhà cùng xem với nhau, cùng tương tác và thảo luận với nhau về một sự việc được nói đế ở chương trình đó, và hãy đặt lịch cho các chương trình mà cả nhà sẽ được xem để giúp các em hào hứng hơn trong việc chấp hành các quy định.

Đọc sách cho con, đừng để nhàm chán

Hãy đọc sách cho con, đọc sách cho con là việc rất có ích… những câu này dường như người ta nghe rất nhiều, và ai cũng biết. Nhưng đọc như thế nào cho những đứa trẻ chưa biết đọc và giúp những đứa biết đọc có thói quen đọc sách như thế nào lại là điều chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Với những đứa trẻ biết đọc, hãy mua những cuốn sách mà chúng yêu thích thêm vào đó là định hướng cho chúng. Trước khi mua những cuốn sách ấy, hãy thảo luận, review về chúng, thăm dò mức độ hứng thú và lấy căn cứ để mua. Sau khi mua về hãy khuyến khích chúng đọc và sau khi chúng đọc xong, hãy thảo luận về những điều ý nghĩa trong sách, khuyến khích sự phản biện và ghi nhớ những điều mà chúng tâm đắc về cuốn sách.

Với những đứa trẻ chưa biết đọc, đừng chỉ quan tâm đến những sách thông thường, hãy thử mua những cuốn sách giáo dục tương tác, đọc mà chơi, chơi mà đọc. Và khi đọc sách cho trẻ, hãy thay thế nhân vật trong truyện bằng chính đứa trẻ của bạn. Chúng sẽ thấy vô cùng ngạc nhiên và thú vị khi được xuất hiện trong truyện, với những đức tính tốt được khuyến khích, và sẽ giúp con trải nghiệm các tình huống trong sách, từ đó liên hệ với cuộc sống thực để các em có được những bài học về kỹ năng sống hữu ích.

Các chuyên gia nói gì?

Nhà văn Phong Điệp: "Mình nghĩ rằng có mấy cách đơn giản như: tăng cường trao đổi về cuốn sách, đặt các câu hỏi, phân tích các chi tiết, liên hệ với thực tế, gợi mở các vấn đề từ cuốn sách,... thì mỗi cha mẹ sẽ tìm ra cách thích hợp phù hợp với con mình.

ANH NGUYỄN QUANG THẠCH - NGƯỜI KHỞI XƯỚNG CHƯƠNG TRÌNH SÁCH HÓA NÔNG THÔN:

"Hơn hai tháng nghỉ học tránh dịch, nếu 18 triệu trẻ em nông thôn và đô thị được nghe và đọc 10 trang sách/ngày, thì hơn 10 tỷ trang sách đi qua não con trẻ, hàng trăm tỷ từ vựng đi vào trí não trẻ, hàng chục tỷ hình ảnh cảm biến từ sách hình thành trong não của trẻ, tri thức và trí tưởng tượngđược nuôidưỡng, sẽ trở thành tài sản quốc gia trong tương lai. Một lẽ hiển nhiên rằng, mọi sáng tạo, chế tạo của loài người phần nhiều qua sách và thực nghiệm. Nghe và đọc sách còn là nền tảng để con trẻ học tiếng Anh tốt hơn. Tiếng Anh là chiếc cầu nối giúp những học sinh, sinh viên lĩnh hội tri thức nhân loại nhanh và nhiều hơn".


Để việc đọc sách vừa làniềm vui, sự hào hứng và là nhu cầu của con trẻ, để việc đọc sách không còn nhàm chán, thiết nghĩ các bậc phụ huynh phải thiết lập từ hành vi, đến thói quen sinh hoạt và đưa sách vào thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống gia đình. Chỉ có trong môi trường sách vở, bố mẹ coi trọng sách và làm mọi điều tâm huyết để trẻ thích sách thì thế giới tri thức đích thực sẽ mở ra với các em. Đừng để thời gian các em phải ở nhà trở nên nhàm chán bởi bên cạnh các em đã có những người bạn đáng tin cậy là sách./.

(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)

Thiên Vân