Tri thức và tình yêu đồng loại không có biên giới
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 15:44, 28/04/2020
Dấu ấn của Sách hóa Nông thôn Việt Nam tại Ấn Độ
Tháng 10 năm 2019, tôi - người khởi xướng sách hóa nông thôn Việt Nam sang Ấn Độ vận động Chương trình Gyan-Key nhân rộng tủ sách đến các lớp học nông thôn tại nước này. Đúng như mong đợi, Gyan-Key (tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ hàng triệu trẻ em nông thôn thông qua sách và giáo dục) đã thí điểm 27 Tủ sách Lớp học và 10 Tủ sách trường ở bang Maharastra.
Tháng 2/2020, tôi tiếp tục sang Ấn Độ, cùng với Gyan-Key, Arham Foundation những những tổ chức xã hội cấp tiến tổ chức đi bộ vì chương trình "Sách về nông thôn Ấn Độ, Sách vì quyền đọc sách của trẻ em toàn cầu, Sách chống biến đổi khí hậu". Tham gia chuyến đi bộ quốc tế này, còn có 4 người Việt Nam khác gồm: anh Vũ Văn Thoại-Viện trưởng Viện cây Đàn hương Việt Nam; anh Phùng Minh Châu - Quản lý Thailand, Vietnam, Cambodia, Myanmar của hãng bơ sữa Savencia; anh Trần Văn Lợi - Đại diện Nghĩa Dũng Karate Việt Nam và sinh viên Phạm Mạnh Cường cùng với 400 năm học sinh, giáo viên, nhà báo, nhà văn và các nhóm hoạt động xã hội tham gia đi bộ ở thành phố Pune và vùng nông Saswad.
Trong quá trình đi bộ, chúng tôi trao tặng 3 tủ sách lớp học và hơn 100 cây xanh ở nông thôn Saswad. Một trong những thành tựu đầu tiên là chúng tôi đã cùng các bạn Ấn Độ đưa 40 tủ sách đến trường học và lớp học bằng sự chung tay của người Việt Nam, người Việt ở Ba Lan, Đức, Mỹ, Nhật, Úc. Chuyến đi bộ đã được truyền thông rộng rãi ở cấp thành phố, cấp bang và cấp quốc gia Ấn Độ. UNESCO cũng đã truyền thông sự kiện này.
Trong thời gian này ở Ấn Độ, tôi gặp một thanh niên ở quán nước, anh ta hỏi tôi "anh là người nước nào", tôi trả lời: "tôi người Việt", anh ấy lại hỏi "anh sang làm gì?", tôi tiếp tục trả lời "tôi sang vận động cho trẻ em Ấn Độ có sách đọc". Người đó sau đấy nói rằng: "Anh là người Việt nhưng lại sang đây để giúp cho đất nước tôi, còn tôi thì chưa làm được điều đó".
Khi một người thanh niên đã đặt câu hỏi cho mình, đó là quá trình thay đổi nhận thức, thì khi người Việt sang đó đi bộ để kêu gọi sách cho trẻ em Ấn Độ, sẽ có hàng triệu người Ấn Độ suy nghĩ như người thanh niên ấy. Từ việc "nghĩ", nó sẽ mở đường cho việc họ "làm" trong tương lai.
Một sự việc nhỏ đó có thể phản ánh nhận thức của thanh niên Ấn Độ. Từ đó nhân lên trong chúng tôi hy vọng rằng sách về nông thôn Ấn Độ; Sách vì quyền đọc sách của trẻ em toàn cầu; Sách chống biến đổi khí hậu… sẽ được biết đến và hành động bởi nhiều người Ấn Độ trong và ngoài nước bởi ít nhất truyền thông nước họ đã có sự chú ý khi 10 kênh truyền hình và báo chí ở các cấp của nước này đã đưa tin về mô hình Tủ sách Lớp học và chuyến đi bộ quốc tế vì sách cho trẻ em Ấn Độ mà chúng tôi khởi xướng.
Kết nối tri thức là không biên giới.
Thế giới là ngôi nhà chung. Tri thức của loài người cần đến mọi nơi trong ngồi nhà ấy, và trẻ em ở nơi nào cũng cần tri thức như nhau và chúng ta có bổn phận mang lại tri thức đến các em. Trẻ em của thế giới hiểu biết, có trách nhiệm với trái đất, thì tương lai của trái đất sẽ bớt bạo lực mà bác ái và sáng tạo có trách nhiệm.
Tôi đã thực hiện cam kết với UNESCO trong lễ nhận giải thưởng Phổ biến tri thức vào tháng 9 năm 2016 rằng "Chúng ta hãy nắm tay nhau xây dựng một thế giới hòa bình, dân chủ, nhân văn và sáng tạo bằng tăng cường quyền đọc sách cho trẻ em trên toàn thế giới. Tôi cam kết sẽ là một tác nhân của tiến trình đó bằng bước chân và tâm trí của mình".
Hơn nữa, Ấn Độ là nước đông dân, theo thống kê mới nhất tại nước này thì còn hơn 200 triệu trẻ em thiếu sách và hơn 400 triệu người nghèo. Những con số đó là nỗi buồn của Ấn Độ và thế giới chúng ta nhưng lại là con số thúc giục tôi hành động. Thử thách và thành công ở Ấn Độ sẽ thúc đẩy quyền đọc sách của trẻ em ở các nước nghèo khác sẽ dễ dàng hơn. Tri thức như tình yêu thương con người ở nơi nào cũng cần. Tri thức không biên giới và tình yêu thương con người cũng không biên giới. Bởi thế, chúng ta trao tri thức, trao yêu thương, là làm cho thế giới này tốt đẹp hơn và sách hóa nông thôn Việt Nam thêm nhiều động lực để phát triển.
Bất cứ sự thay đổi trong xã hội đều cần lực kéo và đẩy. Bởi vậy, việc tôi và những người Việt Nam đưa sách đến nông thôn Ấn Độ sẽ có tác động đến suy nghĩ của nhiều tầng lớp trong xã hội Việt Nam rằng, ngoài có trách nhiệm với Việt Nam, chúng ta cần có trách nhiệm với thế giới bên ngoài. Người Việt chúng cần có niềm tin về năng lực của chúng ta. Nước chúng ta không nhỏ, chúng ta không được phép tự ti. Chúng ta cần khẳng định vai trò chúng ta ở trên thế giới. Đưa sách đến nông thôn Ấn Độ và các nước khác nằm trong năng lực của chúng ta. Bởi vậy, việc tôi sang Ấn Độ là tạo lực kéo nhằm tăng lực kéo vào đẩy cho sự thay đổi xã hội về phổ biến tri thức, khát vọng xã hội. Như chúng tôi gọi Sách hóa Nông thôn là tạo cuộc cách mạng thư viện dân sự.
Hiện tại ở Việt Nam, rất nhiều nhóm và cá nhân đưa sách về nông thôn. Chẳng hạn, anh Đỗ Tiến Thành, chị Vũ Thị Thu Hà hay anh Lê Minh Tuấn đã và đang tiếp tục thúc đẩy các tủ sách. Không những thế, anh Thành tổ chức nhặt rác, chị Hà thúc đẩy trồng hơn 10.000 cây xanh, anh Tuấn mở rộng mừng tuổi sách ở chợ quê. Để cuộc cách mạng thư viện thành công như mong đợi, ai cũng có vai trò là lực đẩy và kéo để chính mỗi người tạo thêm lực kéo và đẩy trong xã hội, khi hàng triệu người tạo lực kéo, thì hiển nhiên, hàng chục triệu cha mẹ học sinh nông thôn và đô thị là lực đẩy tạo ra hệ sinh thái chia sẻ tri thức đến thì mỗi lớp học, mỗi ngôi nhà, dòng họ, xứ đạo, nhà tù ở Việt Nam.
Những bài học từ đất nước Ấn
Có một lần tôi đến một trường học để tặng sách và tham gia buổi nói chuyện giữa nhà văn, nhà thơ với học sinh. Trong hơn một giờ đồng hồ, khi người ta đọc thơ, ngâm thơ, thì những đứa trẻ đã khóc, đã cười, và gõ tay theo điệu nhạc. Trong khoảnh khắc đó tôi tin tưởng sâu sắc vào sự phát triển của tương lai của một dân tộc. Bởi khi mà con trẻ có đủ độ nhạy cảm để hiểu được giá trị thơ ca, cùng khóc với ngôn từ, mê đắm gõ tay nhạc điệu... sự thấu hiểu tri thức và khát khao tri thức của con trẻ rất lớn. Một đất nước mà người lớn nâng niu sự khát khao tri thức của con trẻ và con trẻ đáp lại trong sự thấu cảm thì dân tộc ấy sẽ luôn lớn mạnh. Đại thi hào Tagore, nhà cách mạng vĩ đại Gandhi…hẳn rất vui khi thấy con trẻ Ấn Độ yêu thi ca như vậy.
Ấn Độ có thu nhập tính theo đầu người gần tương đương Việt Nam. Xã hội họ có nhiều vấn đề, đặc biệt là chế độ phân biệt đẳng cấp đã tồn tại hàng ngàn năm ở Ấn Độ. Tầng lớp thấp nhất là dalit, nghèo khổ và thiếu nhiều cơ hội để vươn lên cao hơn. Ấn Độ cũng là nơi có nhiều thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới như Mumbai, New Deli. Đây cũng là nơi từng được cho là ít nhà vệ sinh nhất trên thế giới…
Tuy nhiên, Ấn Độ có những tiềm lực để phát triển xã hội lớn lao như: Đội ngũ trí thức định dạng và dẫn dắt xã hội; Triết lý giáo dục và hệ thống giáo dục tương ứng; Hệ thống chính trị cạnh tranh và tự do báo chí; Tầng lớp trung lưu hành động xây dựng quốc gia; Xã hội dân sự lớn mạnh… Ấn Độ là nơi khai sinh ra các tôn giáo lớn như Hindu, Phật giáo, Kỳ Na Giáo, và cũng là quê hương của đại thi hào Targore. Trải qua một quá trình dài dung dưỡng và lũy tích những hệ giá trị ấy, đất nước Ấn Độ còn có được một Gandhi vĩ đại. Ngày nay, rất nhiều công ty hàng đầu trên thế giới được lãnh đạo bởi những CEO sinh ra ở Ấn Độ hoặc người gốc Ấn Độ. Các kỹ sư, bác sĩ, nhà kinh tế, nhà khoa học Ấn Độ là đội ngũ được tuyển dụng nhiều hơn trong các công ty tư nhân và tổ chức chính phủ trên toàn cầu. Ấn Độ cũng là quốc gia có giải Nobel đứng thứ 3 Châu Á.
Ấn Độ còn là một quốc gia dân chủ, tự do báo chí, tầng lớp tinh hoa liền mạch trong hàng ngàn năm cùng với tầng lớp trung lưu có tôn giáo dẫn dắt, Ấn Độ ngày càng lớn mạnh. Đất nước này cũng có đội ngũ kỹ thuật cao và sử dụng tiếng Anh thành thạo bởi thế họ có đội ngũ vừa học vừa làm việc ở các nước phát triển. Nguồn nhân lực sau khi đã học Tây Âu, Mỹ đã và đang trở về quê hương để dựng xây đất nước.
Một chuyên gia chứng khoán của Ấn Độ nói với tôi rằng "Chúng tôi học kỹ thuật, công nghệ và quản lý kinh tế của Tây Âu và Mỹ". Thiết nghĩ, người Việt chúng ta cần nỗ lực để tạo các nhóm vốn đặt nền tảng cho một Việt Nam nhân văn và sáng tạo trong nay mai theo 5 nhóm nêu trên như người Ấn Độ đã và đang dựng xây cho đất nước họ trong nhiều ngàn năm qua. Nước Việt Nam trong giai đoạn mới cần xây dựng triết lý giáo dục tạo nên một xã hội phi bạo lực, bác ái và cân bằng sinh thái.
Chúng tôi đã và đang nối kết người Việt trong nước và nước ngoài tiếp tục đưa sách đến các lớp học Ấn Độ thông qua tổ chức Gyan-Key ở Pune, bang Maharastra. Chúng tôi đang tiến hành viết tài liệu hướng dẫn các đối tác Ấn Độ thực hiện Sách hóa Nông thôn bởi chính nguồn lực nông thôn. Chúng tôi đang viết chiến lược quốc gia đúc rút từ thực tiễn Sách hóa Nông thôn Việt Nam cũng như theo tiêu chuẩn của UNESCO để chia sẻ cho đối tác Ấn Độ và những nơi khác.
(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)