Trại sáng tác về một đề tài văn học đặc biệt
Truyền thông - Ngày đăng : 15:16, 28/04/2020
Trại sáng tác văn học, điểm hẹn của nhiều tác giả nổi tiếng
Hàng năm Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch (VHTTDL) giao Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức từ 60 đến 80 Trại Sáng tác cho các loại hình nghệ thuật, quy tụ từ 1.000 đến 1.200 văn nghệ sỹ có nhu cầu sáng tác trên toàn quốc. Sau mỗi Trại sáng tác đã có hàng chục tác phẩm văn học nghệ thuật được thai nghén và ra đời, có nhiều tác phẩm mang giá trị lớn về nội dung nghệ thuật đã được xuất bản phổ biến, được giải thưởng của các Hội chuyên ngành góp phần phục vụ bạn đọc cả nước, kế thừa và bồi dưỡng tâm hồn nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Bên cạnh những trại sáng tác trên, có trại sáng tác văn học về một đề tài đặc biệt nằm trong khuôn khổ cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống". Từ năm 1999 đến năm 2015, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức thành công 03 cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" (1999 - 2002; 2007 - 2010; 2012 - 2015), thu hút hàng trăm nhà văn, cây viết trong và ngoài lực lượng CAND tham gia với nhiều tác phẩm có giá trị. Có thể nói 03 cuộc thi trên không chỉ làm tròn nhiệm vụ chính trị tuyên truyền sâu rộng về cuộc sống, chiến đấu và những gian khổ, hi sinh của người chiến sĩ Công an mà còn giúp định hình và phát triển vững chắc văn học CAND trong dòng chảy văn học Việt Nam.
Tại Cuộc vận động sáng tác lần thứ nhất từ năm 1999 đến 2002, Ban tổ chức (BTC) đã tổ chức 2 trại viết tại Quảng Ninh và Vũng Tàu. Có thể nói, đây là một làn gió mới, tươi mát, trẻ trung tạo nên sự hứng thú đối với các văn nghệ sỹ khi lần đầu tiên tham dự một trại sáng tác văn học về một đề tài đặc biệt như vậy. Cuộc thi lần thứ nhất đã thành công tốt đẹp và được đánh giá từ nhiều phương diện. Đã có 15 tác phẩm xuất sắc, đạt giải thưởng, trong đó 3 tác phẩm giải A, 5 tác phẩm giải B, 7 tác phẩm giải C. Có nhiều tác phẩm được giải khuyến khích và tặng thưởng. Các tác phẩm tham dự cuộc vận động một lần nữa làm đẹp thêm, làm phong phú thêm những trang sử anh hùng của các chiến sĩ và nhân dân ta trên mặt trận an ninh, giữ gìn bình yên cuộc sống. Một số tác phẩm tiêu biểu đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả như:Tiểu thuyết "Đêm yên tĩnh", tác giả Hữu Mai; Ký "Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời", tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải; Tiểu thuyết "Một thế giới không có đàn bà", tác giả Bùi Anh Tấn…
Cuộc vận động lần thứ nhất khép lại với những dư âm rất tốt đẹp trong lòng bạn đọc và nhất là đối với các nhà văn. Một mảng đề tài mới mẻ, phong phú, nhiều đất viết được giới thiệu và khuyến khích sáng tác đối với các nhà văn. Việc Bộ Công an tạo điều kiện hết sức trong việc tổ chức các trại viết, các chuyến đi thực tế đã tiếp thêm động lực và chất liệu cho các tác giả.
Từ năm 2007 đến năm 2010, trong khuôn khổ cuộc sáng tác lần thứ hai, BTC đã tổ chức được 3 trại viết tại Sầm Sơn - Thanh Hóa, Nha Trang và Đà Lạt. Trại sáng tác lần thứ nhất khai mạc sáng ngày 21/3/2008 tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa đã thu hút sự tham gia của 30 nhà văn như: Chu Lai, Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Tôn Ái Nhân, Dương Duy Ngữ, Phan Quế, Vương Tâm, Từ Nguyên Tĩnh… và các cây bút trẻ như Nguyễn Đình Tú, Đỗ Doãn Hoàng, Vân Anh, Nguyễn Văn Học… Các nhà văn tham gia trại viết đều nhất trí một điều rằng, việc Bộ Công an tạo điều kiện cho nhà văn đi thực tế để sáng tạo các tác phẩm về ngành mình là hết sức thiết thực. Nhà văn Chu Lai nói: "Trong các tác phẩm văn học của tôi từ trước tới nay đã có rất nhiều nhân vật là hình bóng người chiến sĩ Công an. Nhưng đó vẫn là một sự "dan díu" thoảng qua. Đến trại sáng tác văn học lần này, tôi sẽ chính thức "kết hôn" với đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống…"
Đến tháng 10/2009 trại sáng tác lần thứ hai có sự phối hợp tổ chức của Quỹ Mãi mãi tuổi 20 tiếp tục được khai mạc tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Nhà văn Ngôn Vĩnh, Thường trực Chi hội Nhà văn Công an cho biết: Trại sáng tác lần này đã quy tụ đông đảo các cây bút có tên tuổi, từng gắn bó với đề tài về người chiến sĩ Công an. So với các trại viết trước đây thường chỉ khoảng 30 người, nhưng lần này, đã có hơn 40 người đăng ký tham gia.
Không chỉ đông về số lượng, trại lần này còn có sự hài hòa giữa các thế hệ, khi bên cạnh những nhà văn lớn tuổi, đã có một lực lượng cây viết trẻ tham dự đông hơn. Trong thời gian dự trại, các nhà văn đã có đề cương sẽ tiếp tục hoàn thành tác phẩm hoặc sáng tác mới. Ban Tổ chức bố trí 2 đợt đi thực tế tại các đơn vị điển hình của Công an tỉnh Thanh Hóa, các trại giam. Trại sáng tác lần thứ ba được khai mạc ngày 20/3/2010 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Sau hai trại sáng tác, đến thời điểm này cuộc thi đã tiếp nhận 120 bản thảo của các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an, trong số đó có hơn 40 tác phẩm đã được Nhà xuất bản CAND ấn hành. Làm thế nào để có những tác phẩm hay về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống"? Câu hỏi đó đã khiến cho các nhà văn tư duy, trăn trở hướng tới những trang viết giàu ngôn ngữ hình ảnh người chiến sĩ Công an trong chiến tranh và thời bình.
Cuộc vận động lần thứ hai đã góp phần làm giàu có thêm danh mục các tác phẩm xuất sắc về đề tài này đặc biệt là về việc vận dụng thể loại, đối với ba thể tài: tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết phản gián-tâm lý xã hội và tiểu thuyết hình sự. Tháng 12 năm 2010, cuộc thi đã khép lại với những kết quả khả quan. BTC đã nhận được 146 tác phẩm dự thi của 128 tác giả. Kết quả cụ thể: 2 tác phẩm xếp loại A, 4 tác phẩm xếp loại B và 4 tác phẩm xếp loại C. Tiêu biểu: Tiểu thuyết "Hoa bay", tác giả Chu Thanh Hương; Tiểu thuyết "Chạy án", tác giả Như Phong; Truyện ký "Điệp báo A10", tác giả Nông Huyền Sơn; Tiểu thuyết "Trại hoa đỏ", tác giả Di Li…
Trại sáng tác, tiếp nối những nguồn sáng tạo
Năm 2015, lực lượng Công an nhân dân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống (19-8-1945 - 19-8-2015). 70 năm vừa chiến đấu vừa xây dựng, trưởng thành, Công an nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, 70 năm là một mốc son đáng ghi nhớ với bao nhiêu thành tích của toàn lực lượng. Đề tài sáng tác Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống đã trở thành một đề tài độc đáo có sức hấp dẫn lớn đối với bạn đọc. Từ tháng 6 năm 2012, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục phát động cuộc vận động sáng tác lần thứ ba với sự đầu tư nhiều công sức và trí tuệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà văn sáng tác.
Cuộc thi lần thứ 3 đã tổ chức 3 trại viết tại Quảng Ninh, Cửa Lò - Nghệ An và Đà Lạt. Trại sáng tác lần thứ nhất khai mạc ngày 3/4/2013 tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh. Tại đây Công an tỉnh vui mừng chào đón các nhà văn đã đến dự trại sáng tác lần này đồng thời cũng đã phân tích sơ bộ tình hình an ninh tại Quảng Ninh. Đây là địa bàn có tình hình an ninh, trật tự diễn biến phức tạp. Ở tỉnh cũng có nhiều chiến công của các chiến sĩ công an, những câu chuyện có thể viết thành truyện ngắn, tiểu thuyết. Lãnh đạo Công an tỉnh cũng mong muốn các nhà văn bằng sức sáng tạo của mình sẽ khai thác những đề tài đó để có được những tác phẩm văn học mang tính giáo dục cao cho các thế hệ mai sau.
Ngày 24/3/2014, Trại sáng tác lần thứ hai chính thức khai mạc tại TP. Đà Lạt, Lâm Đồng. Trại sáng tác lần này diễn ra đến ngày 14/4 với hơn 30 tác giả chuyên và không chuyên trong và ngoài lực lượng Công an tham dự như: Văn Phan, Lê Thị Bích Hồng, Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền, Hoàng Đình Quang, Trần Công Tấn, Di Li, Trần Hồng Long... Trại gồm các hoạt động: tổ chức tọa đàm về nghề nghiệp; giao lưu giữa các nhà văn với học sinh, sinh viên Đà Lạt; đi thực tế các trại giam…
Ngày 20/3/2015 tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An, trại sáng tác lần thứ 3 đã diễn ra. Qua các cuộc thi đã được tổ chức trước đây, các nhà văn và nhiều bạn đọc đã ngày càng hiểu, cảm thông, chia sẻ các mặt hoạt động, chiến đấu và những vất vả, hi sinh thầm lặng của lực lượng CAND. Từ đó nhân dân càng thêm tin yêu, hợp tác cùng lực lượng Công an bảo vệ tốt nền an ninh của Tổ quốc.
Nói về mảng đề tài viết về an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định, hình ảnh người chiến sĩ CAND và những sự hi sinh, gian khổ của họ luôn là một trong những đề tài hấp dẫn nhất đối với các tác giả cũng như độc giả cả nước.Tính đến hết ngày 30/4/2015, Ban Tổ chức nhận được 82 tác phẩm dự thi. Kết quả cụ thể như sau: 2 giải A, 5 giải B và 5 giải C với những tác phẩm tiêu biểu như: Tiểu thuyết Bão ngầm, tác giả Đào Trung Hiếu; Truyện ký Đơn tuyến, tác giả Phạm Quang Đẩu; Tự truyện Không thể mồ côi, tác giả Minh Vân;Tiểu thuyết Cô Mặc Sầu, tác giả Nguyễn Đình Tú; Tiểu thuyết Vực Gió, tác giả Phong Điệp…
Đặc biệt, dịp tổng kết và trao giải vào tháng 6 năm 2015, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ trao giải và vinh danh những nhà văn Việt Nam Vì an ninh Tổ quốc qua chương trình truyền hình trực tiếp "Những trang sách vàng Công an nhân dân" trên Đài truyền hình Việt Nam. Chương trình đã vinh dự được đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang và nhiều đồng chí lãnh đạo Bộ Công an đến tham dự và chúc mừng. Chương trình đã thực sự tạo được tiếng vang, đặc biệt mang ý nghĩa như sự ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà văn Việt Nam qua các thời kỳ với sự nghiệp Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống đồng thời khuyến khích các thế hệ nhà văn trẻ có những đóng góp cho sự nghiệp chung của ngành công an nói riêng và đất nước nói chung.
Ngày 27/7/2017, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đã tiếp tục phối hợp tổ chức cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ 4, giai đoạn 2017 - 2020. Nhà Xuất bản CAND - đơn vị thường trực cuộc thi đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai thực hiện cuộc thi theo đúng kế hoạch. Ban Thường trực cuộc thi đã phối hợp với Ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức 02 Trại sáng tác văn học. Trại sáng tác văn học lần thứ nhất được tổ chức tại Hạ Long - Quảng Ninh từ ngày 16 đến ngày 27/4/2018 với sự tham dự của 34 nhà văn và tác giả đến từ nhiều vùng miền trong cả nước. Trại sáng tác lần thứ hai tại Nhật Lệ, Quảng Bình diễn ra trong thời gian 16 ngày từ ngày 28/3/2019 đến 13/4/2019 với sự tham dự của hơn 50 nhà văn và tác giả trong và ngoài lực lượng CAND.
Các trại sáng tác đã tạo ra môi trường văn chương để khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho các nhà văn, tác giả sáng tác; tạo ra nguồn tư liệu thực tiễn thông qua các hoạt động thâm nhập cuộc sống, lao động và chiến đấu của một số đơn vị trong lực lượng CAND.Trong mỗi trại sáng tác, Ban Thường trực cuộc thi đã tổ chức tọa đàm văn chương: Sáng tác văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" nhằm đánh giá thực trạng văn học về đề tài người chiến sỹ CAND, đồng thời mở ra hướng phát triển về đề tài này. Sau mỗi buổi tọa đàm, các trại viên đều rút cho mình những kinh nghiệm về cách thu thập và xử lý tư liệu, kỹ thuật viết, cách xây dựng tính cách nhân vật...
Xin được thay lời kết bằng tâm sự của một tác giả trẻ khi đến với Trại sáng tác văn học về đề tài đặc biệt này: "Ban đầu, tôi tham gia Trại sáng tác với tâm thế rất đơn giản là đi… cho biết. Nhờ sự quan tâm, tiếp đón chu đáo, tận tình và tâm huyết của ban tổ chức, tôi đã có những trải nghiệm quý báu trong bầu không khí văn chương vừa ấm áp, thân thiện, vừa chỉn chu, chuyên nghiệp. Tôi chỉ kịp thu xếp công việc chuyên môn để xin phép lãnh đạo đơn vị dự trại ba ngày. Nhưng trong những ngày ngắn ngủi đó, được tiếp xúc, giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ những biên tập viên giàu kinh nghiệm, những nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng trên văn đàn, tôi đã thực sự được mở mang vốn kiến văn, được khai sáng ý niệm về con đường trở thành một người viết nghiêm túc và sáng tạo. Tôi còn nhớ như in câu nói đùa của một nữ nhà văn lớn tuổi: "Cậu còn trẻ, lỡ ăn cơm Trại rồi thì phải chịu trách nhiệm với trang viết của mình đấy nhé!". Chỉ là một câu nói đùa nhưng đã khiến tôi trăn trở với chữ nghĩa rất nhiều. Bởi vậy, từ Trại sáng tác trở về, tôi đã cố gắng nuôi dưỡng cảm xúc và tư duy ý tưởng để viết nên cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tay - Mùa tuyết đỏ". (Tác giả trẻ Phan Đức Lộc).
(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)