Cần thay đổi tiêu chí xét nghèo về thu nhập
Truyền thông - Ngày đăng : 21:04, 27/04/2020
Tỷ lệ giảm nghèo bình quân dưới 4%
Theo tính toán, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn năm 2016 - 2020. Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang thống kê số liệu để thực hiện báo cáo liên quan.
Báo cáo sơ bộ của Bộ LĐTBXH trong năm 2019 về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân giảm còn dưới 4% (giảm khoảng 1,3% so với cuối năm 2018); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 3 - 4% so với cuối năm 2018 - đạt mục tiêu Quốc hội giao trước 1 năm.
Ngoài ra, đã có 21 địa phương hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng; 93/292 xã vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đạt 31,8%.
Tuy nhiên, giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao (17,82%) chủ yếu do tách hộ, thiên tai lũ lụt; cơ chế vẫn còn vướng mắc; chính sách đặc thù vùng núi, dân tộc thiểu số chưa phát huy hiệu quả; xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 5%.
Thêm vào đó, nhiều chuyên gia giảm nghèo cho rằng hiện nay tiêu chí mức sống tối thiểu (căn cứ để xác định hộ nghèo) đã không còn phù hợp. Cần mức sống tối thiểu cao hơn vì thực tế kinh tế đã thay đổi, không thể chỉ sống với mức sống tối thiểu 700 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn hay mức 900 nghìn đồng/tháng/ người ở khu vực thành thị được nữa.
Hộ nghèo là hộ có mức sống thấp hơn mức thu nhập tối thiểu và thiếu hụt 3 tiêu chí cơ bản. (Ảnh: Nguyệt Minh)
Đề xuất mức chuẩn nghèo tăng 70% với tiêu chí thu nhập
Trong bối cảnh kinh tế có sự thay đổi, mức sống tối thiểu đã tăng lên, việc duy trì một tiêu chí đánh giá giảm nghèo ở thu nhập thấp sẽ khó đo lường được đúng đối tượng nghèo.
Bởi vậy, Bộ LĐTBXH đang xây dựng dự thảo Quyết định về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Ngô Trường Thi - Chánh Văn phòng Quốc gia Giảm nghèo cho biết, việc đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 vẫn sẽ được đánh giá dựa trên tiêu chí về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Theo ông Thi, trong chuẩn nghèo giai đoạn mới, Bộ LĐTBXH đề xuất nâng tiêu chí về thu nhập. Chuẩn mức sống tối thiểu là 1.200.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn thay vì mức hiện hành là 700.000 đồng/người/tháng, (tăng 71,4%) và 1.600.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị thay cho mức hiện hành là 900.000 đồng/người/tháng (tăng 77,8%).
Bộ LĐTBXH cũng đề xuất nâng chuẩn mức sống trung bình là 1.800.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn thay vì mức chuẩn hiện hành là 1.000.000 - 1.500.000 đồng và 2.400.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị thay cho mức hiện hành là 1.300.000 - 1.950.000 đồng.
"Điều kiện kinh tế càng ngày càng phát triển, đời sống người dân cũng ngày một nâng lên, chính vì vậy cũng cần cập nhật mức thu nhập dựa theo mức sống tối thiểu mới. Từ mức chuẩn nghèo đó mới có căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân cũng như hoạch định các chính sách kinh tế-xã hội khác" - ông Thi nói.
Riêng các tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được giữ nguyên gồm 5 dịch vụ xã hội cơ bản: Y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; việc làm và bảo hiểm xã hội.
Người nghèo được hỗ trợ để tiếp cận việc khám chữa bệnh - Ảnh chụp tại xã nghèo Kỳ Thân, Bá Thước, Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyệt Minh)
Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục - đào tạo của người lớn; tình trạng đi học đúng độ tuổi, cấp học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước an toàn; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; việc làm gắn với thu nhập, tham gia bảo hiểm xã hội; người phụ thuộc không có khả năng lao động.
Căn cứ vào những tiêu chí trên thì một hộ nghèo được xác định là hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới mức sống tối thiểu và thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người trên mức sống tối thiểu và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Hộ có mức sống trung bình là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên chuẩn mức sống tối thiểu và thấp hơn chuẩn mức sống trung bình.
Theo lãnh đạo Văn phòng quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) dự thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện đến hết ngày 26/5 để trình Chính phủ phê duyệt.
Bộ LĐTBXH đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều làm cơ sở đo lường và đề xuất định hướng giảm nghèo giai đoạn 2020 - 2025. Bên cạnh đó xây dựng khung chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.