Chương tiếp theo của 'câu chuyện' khủng hoảng giá dầu: Các công ty từ nhỏ đến lớn ngừng sản xuất là một điều không thể tránh khỏi!
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 17:11, 27/04/2020
Covid-19 đã "xé toạc" ngành công nghiệp dầu mỏ, tạo ra những tình huống đầy kịch tính. Đầu tiên, dịch bệnh khiến nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng khi nhiều nhà máy đóng cửa, tài xế không ra khỏi nhà do lệnh phong toả. Sau đó, các kho chứa dầu bị lấp kín, thương nhân phải sử dụng đến tàu chở dầu để lưu trữ số còn lại, mang hy vọng mức giá sẽ hồi phục. Giờ đây, giá vận chuyển lại tăng chóng mặt khi lượng tàu chở dầu cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu. Đây là một dấu hiệu cho thấy ngành dầu mỏ đã biến đổi mạnh mẽ.
Việc ngừng sản xuất sẽ ảnh hưởng đến thị trường việc làm, các công ty, ngân hàng và nền kinh tế địa phương. Đó cũng là một trong những lý do thúc đẩy các nhà lãnh đạo nhanh chóng cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, khi quy mô của cuộc khủng hoảng đã vượt qua nỗ lực của họ - không thể ngăn tình trạng giá rớt xuống dưới 0 hồi tuần trước, thì việc ngừng hoạt động đã trở thành hiện thực. Đây chính là kịch bản xấu nhất đối với các nhà sản xuất và tinh chế dầu.
Torbjorn Tornqvist– chủ tịch tập đoàn giao dịch hàng hoá Gunvor Group, nhận định: "Chúng ta đang tiến vào cuộc chiến cuối cùng. Khoảng đầu đến giữa tháng 5 có thể là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng. Chúng ta chỉ còn cách thời gian đó 1 tuần, chứ không phải vài tháng."
Về lý thuyết, việc cắt giảm sản lượng dầu lẽ ra phải là quyết định của OPEC . Tuy nhiên, khi giá dầu lao dốc mạnh vào hôm 20/4 – giá dầu WTI xuống mức âm 40 USD/thùng, thì các công ty của Mỹ đã dẫn đầu vị trí tiến đến "cuộc chiến cuối cùng".
Chỉ báo đáng tin cậy nhất về phản ứng của ngành dầu mỏ của Mỹ là sự sụt giảm nhanh chóng về số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động, khi tuần trước giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm. Trước khi khủng hoảng Covid-19 diễn ra, các công ty dầu mỏ đã vận hành khoảng 650 giàn khoan ở Mỹ. Đến ngày 24/4, hơn 40% trong số đó ngừng hoạt động, chỉ còn lại 378.
Trafigura– một trong những nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất nước Mỹ, cho rằng sản lượng ở Texas, New Mexico, North Dakota và những bang khác sẽ sụt giảm nhanh hơn nhiều so với dự kiến, khi các công ty đồng loạt đưa ra phản ứng với tình trạng giá rơi xuống mức âm. Trên thực tế, tuần trước, giá vẫn ở mức âm trong vài ngày tại thị trường giao dịch trực tiếp.
Cú sốc giá dầu thực sự nghiêm trọng đối với thị trường giao dịch trực tiếp: các nhà sản xuất dầu thô như South Texas Sour và Eastern Kansas Commonphải trả hơn 50 USD/thùng để giảm sản lượng vào tuần trước. ConocoPhillips và nhà sản xuất đá phiến Continental Resources đều cho biết sẽ ngừng sản xuất. Các nhà quản lý tại Oklahoma bỏ phiếu cho phép các giàn khoan dầu đóng cửa giếng khai thác mà không mất hợp đồng thuê. Bang New Mexico cũng có quyết định tương tự.
North Dakota - nơi diễn ra cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ, đang chứng kiến tình trạng trì trệ chuyển biến nhanh chóng. Các nhà sản xuất đã đóng cửa hơn 6.000 giếng khai thác và cắt giảm sản lượng khoảng 405.000 thùng/ngày, tương đương 30% tổng sản lượng của bang.
Tuy nhiên, tình trạng cắt giảm sản lượng không chỉ diễn ra ở Mỹ. Từ Chad – một quốc gia nghèo và không giáp biển ở châu Phi, cho đến Việt Nam và Brazil, các nhà sản xuất đang hoặc có kế hoạch tương tự.
Tại các cuộc họp khẩn cấp hồi tuần trước, các công ty dầu khí lớn và nhỏ đã thảo luận về một kịch bản tồi tệ nhất mà chưa có giám đốc điều hành trong ngành từng chứng kiến. Các công ty nhỏ vài tuần tới họ sẽ chỉ tập trung vào việc nỗ lực sống sót. Nhưng đối với các công ty lớn, như Exxon Mobil hay BP, thì đó thậm chí là cả một thách thức, khi báo cáo kinh doanh trong tuần này sẽ cho thấy cái nhìn sâu sắc về cuộc khủng hoảng.
Ả Rập Xê Út, Nga và các nước còn lại của OPEC sẽ bắt đầu cắt giảm sản lượng vào thứ Sáu tuần này, với khoảng hơn 20%, tương đương 9,7 triệu thùng/ngày. Saudi Aramco đã công bố kế hoạch, các công ty của Nga cho biết sẽ giảm xuất khẩu dầu thô Urals vào tháng 5 xuống mức thấp nhất trong 10 năm.
Dẫu vậy, những con số này có thể là chưa đủ. Mỗi tuần, có tới 50 triệu thùng dầu thô được đưa vào kho, đủ để cung cấp nhiên liệu cho toàn bộ các nước Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh. Với tốc độ đó, thế giới sẽ cạn kiệt kho lưu trữ vào tháng 6. Khi nơi lưu trữ trên đất liền không còn, dầu được chuyển lên tàu, nhưng đây cũng chỉ là phương án tạm thời. Tuần trước, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cho biết có rất nhiều tàu chở dầu đang ở ngoài khơi California, đến mức họ phải theo dõi tình hình.
Trước khi cuộc khủng hoảng này xảy ra, thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, hiện tại, nhu cầu chỉ còn khoảng 65-70 triệu thùng. Do đó, ở kịch bản xấu nhất, 1/3 sản lượng dầu toàn cầu sẽ bị cắt giảm.
Thực tế có thể ít nghiêm trọng hơn khi việc lưu trữ sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu. Hơn nữa, các thương nhân cho biết mức tiêu thụ có thể đã chạm đáy và dần hồi phục. Tuy nhiên, trước khi điều đó xảy ra thì tình trạng đóng cửa sẽ diễn ra trên quy mô lớn.
Tuần vừa rồi, Marathon Petroleum – một trong những nhà tinh chế lớn nhất nước Mỹ, cho biết sẽ ngừng sản xuất tại một nhà máy gần San Francisco. Royal Dutch Shell cũng tạm đóng cửa một số đơn bị trong 3 nhà máy ở Alabama và Louisiana. Khắp châu Âu và châu Á, nhiều nhà máy lọc dầu chỉ hoạt động với 1 nửa công suất. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu của Mỹ chỉ xử lý 12,45 triệu thùng/ngày trong tuần 17/4, mức thấp nhất trong ít nhất 30, ngoại trừ những đợt đóng cửa vì bão.
Chưa dừng ở đó, các nhà giao dịch và chuyên gia dự đoán, nhiều nhà máy lọc dầu khác sẽ tiếp tục ngừng hoạt động, đặc biệt là ở Mỹ. Steve Sawyer – giám đốc hoạt động tinh chế tại Facts Global Energy, cho biết các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu có thể cắt giảm tới 25% tổng công suất trong tháng 5.
Tham khảo Bloomberg