Văn chương, phẩm và lượng
Truyền thông - Ngày đăng : 10:02, 27/04/2020
Ở Việt Nam hiện nay, có thể nói không quá rằng nếu chỉ nhìn vào bề rộng thì hiếm có lúc nào người đọc sách có được một môi trường văn hóa đọc phong phú như hiện nay. Gần như không tháng nào không có những sự kiện lớn ở tầm quốc gia hoặc vùng về sách. Những Hội chợ sách do các Hiệp hội, hoặc liên kết các Công ty phát hành, các nhà xuất bản được tổ chức ở những không gian công cộng lớn, thuận tiện cho việc tiếp cận của số đông công chúng. Ở những thành phố lớn, không tuần nào không có những buổi ra mắt sách, các tọa đàm, giao lưu về tác phẩm được tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp. Sách được xuất bản với hình thức ngày càng tiệm cận với công nghệ của thế giới về hình thức trình bày, thậm chí, những công nghệ xanh, giảm thiểu tác động tới môi trường về mực in và giấy đã được không ít nhà xuất bản triển khai.
Việt Nam cũng có mặt trong hầu hết những Hội chợ sách lớn trên thế giới, những sự kiện quan trọng của giới xuất bản quốc tế. Giống như điện ảnh, những cuốn sách thuộc hàng best-seller, thuộc loại hiện tượng trên thế giới cũng đã nhanh chóng có mặt ở Việt Nam chỉ sau một thời gian ngắn so với thời điểm xuất hiện ở chính quốc. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là liệu trong chiều sâu, sự phát triển của sách có đồng hành với sự phát triển về chiều rộng, về bề nổi của số lượng? Hãy dừng lại ở một vài lát cắt trong một khu vực dẫu không phải là tất cả nhưng cũng hết sức quan trọng của sách: sách văn chương.
Quan trọng là họ vẫn viết
Từ năm 2018, Nhà xuất bản Hội nhà văn ra mắt một ấn phẩm, được xuất bản theo mùa với sự góp mặt của giới nhà văn thuộc nhiều thế hệ, trong và ngoài nước, bao gồm cả sáng tác, dịch thuật, phê bình và thời luận, được đầu tư cả về hình thức trình bày và chất lượng biên tập với tiêu đề Viết và Đọc. Đến mùa xuân này, Viết và đọc đã đi được trọn vẹn một chu kỳ của năm từ mùa Xuân đến mùa Hạ.
Viết và Đọc gợi nhắc đến những tạp chí văn chương trên mạng internet hoạt động rất mạnh vào đầu những năm 2000. Ở thời điểm đó, mặc dù mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam được chưa đầy năm năm, internet đã làm thay đổi cách thức tồn tại của đời sống văn học trong nước. Những ranh giới được mở rộng, những cuộc đối thoại được mở ra, văn chương Việt Nam được xích lại gần với văn chương trên thế giới, những dự án mang tính đối thoại, tương tác giữa nhà văn Việt Nam với nhà văn ở nước ngoài được thực hiện, theo cách thức của một "nền cộng hòa văn chương", như một số trang mạng từng tuyên bố. Bất chấp những hạn chế và những mặt trái tất yếu, sự xuất hiện của những trang web văn chương như Evan ở trong nước và một số trang mạng ở nước ngoài đã góp phần làm nên sức sống mới cho văn chương Đổi mới, sau những gì mà một lớp người như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Minh Châu… đã làm trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Có điều, ở thời điểm đó, những tạp chí trên mạng hoạt động mạnh nhất là những tạp chí của người Việt ở nước ngoài, có lẽ bởi sự tiếp xúc sớm với internet và đời sống văn chương đương đại giúp người Việt ở nước ngoài có kinh nghiệm hơn trong việc tổ chức những tạp chí văn chương trên mạng như vậy.
Gần 20 năm sau làn sóng của những website văn chương trên mạng, làn sóng đã bị mạng xã hội nhấn chìm, giờ đây, Viết và Đọc xuất hiện như một cuộc trở về với những gì cơ bản nhất của văn chương và trong một hình thức cũng cổ điển nhất: một ấn phẩm ở dạng sách in, không có bản điện tử. Có lẽ, đó chính là con đường tồn tại của văn chương trong thời đại của truyền thông mạng xã hội. Văn chương sẽ trụ lại bởi nó sẽ vẫn là chính nó, tác động vào nhu cầu cơ bản nhất của con người, được giao tiếp, được phát biểu thông qua ngôn từ, trong dạng thức cổ xưa của con chữ và khoái cảm của sự đọc.
Với sáu ấn phẩm đã được phát hành dưới dạng một tuyển tập văn chương, với sự tham gia của hàng chục cây bút mỗi số, sẽ còn là quá sớm để nói về chất lượng của một ấn phẩm văn chương còn đang định hình nhưng ít nhất, sức bền qua khoảng thời gian hơn một năm tồn tại cũng đủ cho chúng ta sự lạc quan về một đời sống văn chương mà ở đó, những cây viết quan trọng nhất vẫn còn có nhu cầu được giới thiệu tác phẩm mới, được đối thoại với giới văn chương trong nước và nước ngoài, được nói lên những tâm tư và suy tư của mình trước những vấn đề xã hội.
Sự xuất hiện của Viết và Đọc có một cái gì giống với việc âm nhạc đại chúng trong nước đã đủ sức vươn lên trở thành một thị trường có sức sống thay thế cho những sản phẩm của người Việt ở nước ngoài thống trị thị trường giải trí những năm đầu Đổi mới. Nó cho thấy đời sống văn chương trong nước đã có đủ độ cởi mở, đủ độ năng động, đủ sức sống, sức năng sản và độ chuyên nghiệp để trở thành trung tâm của đời sống văn học Việt.
Ở chiều sâu xa hơn, Viết và Đọc phản chiếu một điều đáng lạc quan của đời sống văn học, đó là họ, những nhà văn, những cây bút nòng cốt của văn chương Việt đương đại, vẫn viết. Bảo Ninh và Nguyễn Văn Thọ vẫn viết. Về cuộc chiến tranh đã làm nên chính con người họ. Hơn ba mươi năm sau Nỗi buồn chiến tranh, ít nhất, người đọc đã được chạm vào cuốn tiểu thuyết thứ hai của Bảo Ninh với một góc nhìn hoàn toàn khác về chiến tranh, góc nhìn của những người "ở phía bên kia". Nguyễn Văn Thọ vẫn viết với một nỗ lực vượt qua những khuôn khổ đầy giới hạn của truyện ngắn để thể hiện một cái gì lớn lao hơn, rộng lớn hơn về cuộc chiến đã đi qua. Đỗ Phấn và Nguyễn Việt Hà vẫn viết, về Hà Nội đã làm nên văn nghiệp của các anh, không chỉ bằng những tạp văn được chăm chút tỉ mỉ về tư liệu mà bằng những tiểu thuyết với chân dung những con người thị dân, những kẻ vừa quen mà vẫn cứ lạ của văn chương, theo tất cả mọi cách.
Nguyễn Ngọc Tư vẫn viết và tìm ra được một lối đi trong một thể loại không hề dễ: tản văn. Đọc Hành lý hư vô của Tư, thấy cô đã tìm được một lối đi lạ trong thể loại này. Xưa nay, người viết tùy bút, tản văn thường nâng đỡ tác phẩm của mình bằng vốn sống và vốn văn hoá. Tùy bút thường hấp dẫn bởi một cuộc đời phong phú, đi nhiều, trải nghiệm nhiều, đôi khi đến những nơi hiểm hóc với một bề dày của vốn kiến thức được phơi bày ngồn ngộn trên bề mặt ngôn từ. Văn của Tư hoàn toàn không như vậy. Chỉ từ cuộc đời của một người phụ nữ rất đỗi bình thường quanh quẩn trong những không gian, những nơi chốn thường là trở thành "cliché" (sáo rỗng) trong đời sống thị dân: công sở và một vài địa điểm du lịch quen thuộc như Hội An, như Hà Giang.
Cũng không đam mê tầm chương trích cú nghiền ngẫm câu từ của người xưa, người trước. Nguyễn Ngọc Tư thể hiện được những suy tư của mình trước vấn đề của xã hội và con người với một thái độ vừa u buồn vừa điềm tĩnh nhưng cũng rất đỗi nhân hậu, bằng một thứ ngôn từ đặc địa phương nhưng đã được nâng lên hàng nghệ thuật, thoát khỏi thứ "viết như nói thường" của khẩu ngữ dễ dãi. Tất cả những nhà văn đó, bằng tác phẩm, cho chúng ta thấy rằng họ vẫn viết và vẫn đang tìm kiếm. Lâu nay, nhiều người vẫn hay nói về những tác phẩm lớn, về mong mỏi những áng văn chương "xứng tầm". Nhưng giống như những cổ thụ chỉ có thể mọc lên trong những cánh rừng sâu thẳm và xanh tốt, tác phẩm lớn chỉ có thể có được trong một môi trường văn chương chuyên nghiệp mà ở đó, phẩm cách nhà văn được thể thiện qua việc tạo dựng được một sức viết đều đặn và bền bỉ, lấy việc viết như một nhu cầu tự thân không thể thiếu trong cuộc sống.
Gia tăng tính chuyên nghiệp
Nhìn lại văn chương một vài năm gần đây, có thể thấy một khuynh hướng hiện lên rất rõ nét trong văn chương mà ta có thể tạm gọi là một sự hồi cố về đề tài. Đề tài lịch sử trong nghĩa rộng nhất của khái niệm này, từ những khoảng rất xa của quá khứ như thời đại của những triều đại quân chủ từ Tiền Lê, Trần, Nguyễn đến chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc và cuộc sống thời bao cấp… đã trở thành một mảng đề tài quan trọng của sáng tác văn học, lấn át hẳn thể du ký rất thịnh hành vài năm trước đây. Số lượng người tham gia viết về mảng đề tài này rất đa dạng. Cả những nhà văn chuyên nghiệp như Trần Thùy Mai, Phùng Văn Khai, Trần Thị Trường, Trần Mai Hạnh, Võ Diệu Thanh, Phan Thúy Hà, Nguyễn Trương Quý … cho đến cả những người cầm bút không chuyên như Trung Sỹ, Vũ Công Chiến… Một số đã đi qua những thăng trầm của lịch sử và chiến tranh nhưng rất nhiều người còn rất trẻ như Huỷnh Trọng Khang. Rất đa dạng về thể loại, từ tiểu thuyết (Phùng Vương, Từ Dụ Thái Hậu, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Hoài phố…) đến ghi chép, hồi ức (Chuyện lính Tây Nam; Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu; Hồi ức lính; Kim Liên một thuở; Người về từ hành tinh ký ức; Đừng kể tên tôi…) cho đến biên khảo (Một thời Hà Nội hát). Thậm chí, chỉ trong một vài năm gần đây, người ta có thể nói đến một dòng văn học về chiến tranh biên giới Tây Nam, một dòng văn học về chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc hay một dòng văn học về thời bao cấp được khởi phát lại sau những khuất lấp của lịch sử.
Từ một góc nhìn, có thể thấy việc quay lại với đề tài quá khứ là một nỗi lo khi mà nó có nguy cơ lấn át mảng đề tài về đời sống đương đại nhưng nhìn từ một góc độ khác, đó lại là một vận động có tính tích cực của đời sống văn học: đó là sự gia tăng tính chuyên nghiệp. Xét từ góc độ nghề nghiệp, viết về quá khứ là một thách thức. Ngay cả với những người đã đi qua lịch sử, đã trực tiếp tham gia vào lịch sử thì việc tái hiện lại ký ức cũng không hề là một chuyện đơn giản khi nó đòi hỏi một sự nghiên cứu tư liệu, một sự phối kiểm thông tin sự sắp đặt lại chất liệu với một tinh thần khoa học. Rất nhiều cuốn sách đã được viết với một tinh thần như vậy. Điển hình như Kim Liên một thuở. Đành rằng người viết Kim Liên một thuở là người viết về chính khu tập thể của mình, nơi tác giả đã sống trọn vẹn cuộc đời, một hiện tượng vô cùng thú vị về nhân học mà ngày nay hiếm gặp lại, nhưng bản thân cuốn sách được xây dựng với một cấu trúc rất chặt chẽ bám theo lịch sử của một khu tập thể, với những tư liệu chính xác về kiến trúc, quy hoạch, đời sống dân sinh.
Những cuốn sách như Kim Liên một thuở hay Hà Nội, hồi ức và ký họa chắc chắn không chỉ có ý nghĩa như những cuốn sổ lưu niệm với những câu chuyện vụn vặt hay những mảnh cảm xúc riêng tư về đời sống của một đô thị mà còn có ý nghĩa như những công trình vi lịch sử có ích cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu và chắc chắn, người hoạch định chính sách về quy hoạch đô thị cần tham khảo nếu muốn có một quy hoạch nhân văn.
Khó khăn hơn là những người viết hoàn toàn không có một sự nương tựa nào của vốn sống. Đó là con đường của Trần Thùy Mai, Võ Diệu Thanh, Phan Thúy Hà, của Huỳnh Trọng Khang. Trần Thùy Mai viết về Huế, nơi tác giả từng sống nhưng là Huế của đời sống hoàng cung, của những vàng son đã tắt cách nay cả thế kỷ. Võ Diệu Thanh viết về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam thông qua hồi ức của những người sống sót sau cuộc xâm lược tàn bạo của Khmer Đỏ. Phan Thúy Hà gom nhặt ký ức của những cựu chiến binh đã đi qua chiến tranh chống Mỹ còn Huỳnh Trọng Khang có đến hai tiểu thuyết về cuộc sống của những thanh niên lớn lên trong chế độ Việt Nam Cộng hòa trước những biến cố của lịch sử. Chọn những đề tài này, người viết không thể "mài vốn sống bản thân" để viết mà bắt buộc phải có một sự khảo cứu, tìm kiếm tư liệu, một sự tích lũy kiến thức và lao động nghề nghiệp rất nghiệt ngã. Trong mảng tác phẩm này, có thể đặt cạnh nhau những tiểu thuyết lịch sử của Trần Thùy Mai (Từ Dụ Thái Hậu) và Lưu Vĩ Lân (Mật đạo, Ngẫu tượng) như những "case" (trường hợp) có tính điển hình. Cả hai tác giả đều chọn một lối đi khác với kiểu tiểu thuyết "diễn ngôn lớn" của Nguyễn Xuân Khánh hay Hoàng Quốc Hải. Họ chọn một vị thế ở những thể loại ở ranh giới "bên lề" của văn chương dòng chính: tiểu thuyết về đời sống hoàng cung (Trần Thùy Mai) và tiểu thuyết trinh thám (một thể loại "nhỏ", trường hợp Lưu Vĩ Lân).
Nhưng, chính những thể loại "bên lề" này lại đòi hỏi một sức làm việc và xử lí tư liệu theo hướng khảo cứu rất lớn để có thể xây dựng tác phẩm tiểu thuyết và quan trọng hơn, chính trong con đường tưởng như là khó đó lại tạo cho nhà văn một cái nhìn mới về hiện thực lịch sử. Lấy góc nhìn từ một người phụ nữ trong hoàng cung, Trần Thùy Mai đã góp phần phát lộ một thứ động lực mà đôi khi bị khuất lấp trong chính sử: những người đàn bà cung đình, những mâu thuẫn đời thường trong hoàng gia, những mối quan hệ rất đỗi "con người". Xây dựng nhân vật chính là những nhà tư sản, những sĩ quan quân đội của chế độ Việt Nam Cộng hoà, Lưu Vĩ Lân cho thấy sự sụp đổ của một chính thể không phải từ phía những người chiến thắng mà từ phía những người thuộc phía thua cuộc đồng thời chỉ ra được một hằng số mang tính lịch sử: tinh thần dân tộc bên trong mỗi người Việt. Xóa nhòa ranh giới giữa tiểu thuyết "art house" và tiểu thuyết giải trí, hai nhà văn đã cho thấy một lối viết mà theo đó, mỗi tiểu thuyết đều là kết tinh của một lao động nghề nghiệp hết sức nghiêm túc. Nó cho thấy tính chuyên nghiệp được khẳng định như một khuynh hướng tất yếu của đời sống văn chương.
Ở khía cạnh này, khó có thể bỏ qua một thể loại nổi lên trong những năm gần đây bên cạnh văn chương hư cấu: biên khảo. Trong địa hạt này, Nguyễn Vĩnh Nguyên và Nguyễn Trương Quý nổi lên như những tên tuổi không thể bỏ qua. Không thuộc về những thiết chế hàn lâm nhưng cả Nguyên và Quý lại chọn những đề tài không hề dễ: lịch sử của một thành phố (Đà Lạt trong trường hợp của Nguyễn Vĩnh Nguyên) và đời sống âm nhạc đại chúng trong những năm 50 ở Hà Nội (trường hợp Nguyễn Trương Quý). Những công trình của cả Nguyên và Quý vừa kết hợp được sự phóng khoáng của văn chương, vẻ đẹp của ngôn từ và phong cách với khả năng sưu tầm tư liệu, năng lực khảo cứu hết sức nghiêm túc đạt đến độ chín của người nghiên cứu có lý thuyết. Sự xuất hiện của những công trình khảo cứu của những người viết không thuộc giới hàn lâm cho thấy sự hứa hẹn về trình độ đọc của công chúng cũng như mặt bằng tri thức của người cầm bút. Nó góp phần dân chủ hóa một thể loại vốn chỉ thuộc về giới nghiên cứu được tài trợ của Nhà nước.
Văn học dịch như một nỗ lực hội nhập
Trong những năm gần đây, nếu chỉ nhìn vào những giải thưởng văn học, có một lĩnh vực mà chúng ta khó có thể đánh giá được hết sự phát triển: văn học dịch. Nếu nhìn vào danh mục sách xuất bản của các nhà xuất bản, có thể thấy văn học dịch chắc chắn là một trong những lĩnh vực quan trọng tạo nên doanh số và sự phong phú về số lượng đầu sách được xuất bản. Nhưng, quan trọng hơn thế, văn học dịch trong những năm vừa qua có thể nói là lĩnh vực thực sự góp phần quan trọng làm nên chất lượng của đời sống văn chương. Văn học dịch ở Việt Nam có những nỗ lực to lớn trong việc đồng hành với đời sống văn chương thế giới. Những hiện tượng rất mới như tiểu thuyết nữ quyền Hàn quốc (Kim Ji Young, sinh năm 1982) đến tiểu thuyết của những nhà văn Nobel mới nhất (Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình, Peter Handke, Nobel Văn chương năm 2019) đều đã được giới thiệu với người đọc với những bản dịch có chất lượng.
Trên cái biển mênh mông của truyện trinh thám và văn học giải trí cũng như sách phổ biến kiến thức (tiểu sử nhân vật, tiểu sử danh nhân, sách kỹ năng sống, sách khoa học đại chúng) văn học dịch vẫn có chiều sâu với những tác giả cổ điển của văn chương nhân loại (Ovide, Victor Hugo, Nikolai Gogol, Ferdinand Céline, Kawabata Yasumari…) được giới thiệu với bạn đọc với những bản tái dịch hoặc những tác phẩm lần đầu được chuyển ngữ. Có những nền văn chương mà cách đây vài thập niên hoàn toàn xa lạ thì chỉ trong mấy năm gần đây đã được chuyển ngữ một cách rất căn bản (chọn dịch tác phẩm, tác giả có tính cổ điển) mà điển hình là văn học Đức ngữ (Áo, Đức đương đại) và văn học tiếng Czech. Có những dịch giả xuất hiện đã trở thành hiện tượng như Hoàng Đăng Lãnh với các tác phẩm dịch từ tiếng Đức từ Thời nắng lịm, Diệt vong đến Giờ Đức văn.
Nhìn vào những giải thưởng văn học mấy năm gần đây, có thể thấy, dường như các Hội đồng vẫn chưa thực sự quyết liệt trong sự lựa chọn. Nếu coi sứ mạng của văn học dịch là giới thiệu những tinh hoa văn hóa nhân loại của đến với người đọc Việt Nam, nếu đánh giá tầm vóc của dịch phẩm thông qua mức độ cổ điển của tác giả được dịch, qua độ khó của tác phẩm nguồn và nếu đo thành công của văn học dịch vừa qua sự trung thành với nguyên tác vừa trong sự làm chủ tiếng Việt thì chắc chắn, trong danh mục những tác phẩm được giải của văn học dịch phải có tên của những dịch phẩm như Chết chịu, Chương trình nghị sự, Rễ trời, Giờ Đức văn, Herzog hay Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông. Và bất chấp vẫn còn thiếu vắng trong những danh mục giải thưởng, văn học dịch vẫn là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, có chiều sâu và có chất lượng nhất của đời sống văn chương Việt Nam những năm gần đây.
Giống như tình yêu, khó có thể làm những bản tổng kết về chất lượng, tầm vóc của văn chương. Khó có thể có những cân đong đo đếm như tính toán tương quan khối lượng xuất khẩu và doanh số như trong xuất khẩu nông sản. Cũng chưa thể nói về những khuynh hướng mang tính đột biến hay những hiện tượng đặc biệt của văn chương trong những năm vừa qua. Dẫu vậy, nếu nhìn vào chỉ một vài lát cắt nói trên, có thể thấy những chuyển động vô cùng tích cực của một đời sống văn chương lành mạnh và cường tráng, của những cánh rừng bạt ngàn và đầy sức sống mà trên đó, những cây đại thụ của văn chương có thể vươn lên. Và với mỗi người đọc, người tình trung thành của văn chương, vẫn còn đó một niềm vui: rằng, mỗi ngày, vẫn còn những cuốn sách tử tế, mới mẻ mà ta chưa đọc. Đó là những gì còn lại từ những mối tình của chúng ta với văn chương.
(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)