Chuyện sách nước ta từ thời Lê về trước

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 08:42, 27/04/2020

Trong bộ sách soạn đầu triều Nguyễn là Lịch triểu hiến chương loại chí, phần Văn tịch chí, nhà bác học Phan Huy Chú đã viết: "Nước Việt ta tiếng khen lễ nghĩa đã hơn nghìn năm, vốn có thư tịch đã từ lâu lắm. Kể từ Đinh, Lê dựng nước, đối địch với Trung Hoa, mệnh lệnh từ chương dần dần rõ rệt. Đến Lý, Trần nội trị, văn vật mở mang, về tham nghị thì có sách điển chương điều luật, về ngự chế thì có các thể chiếu sắc thi ca…".

Tuy nhiên, sau khi giặc Minh xâm lược nước ta, thư tịch nước ta đã mất gần hết, sau khi tướng giặc là Trương Phụ đem hết sách vở nước ta về Kim Lăng. Sau đó, đến thời Lê Tương Dực, khi Trần Cảo làm loạn, kinh thành thất thủ, nhân dân tranh nhau vào các cung cấm dinh thự lấy của tiền, sách vở bị ném ra đầy đường, nên thất lạc thêm một lần nữa.

Ngược dòng lịch sử, thì từ thời nước ta thuộc Đông Hán cai trị (thế kỷ thứ II), Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp đã mở mang việc học tập, khiến kẻ sĩ trong châu ngày một đông, nhiều người được tiến cử làm quan của triều Hán. Sử quan Ngô Sĩ Liên đã nhận xét rằng: "Nước ta được thông thi thư, tập lễ nhạc làm một nước văn hiến là bắt đầu từ Sĩ Vương". Với việc mở trường dạy học trò, thì sách vở Nho gia đã được đưa vào nước ta từ thời ấy.

Từ thời Đinh, nước ta đã trọng đạo Phật, Đinh Tiên Hoàng đã phong cho tăng thống Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt Đại sư, thì việc giao lưu sách vở đạo Phật với Trung Quốc đã phát triển.

Thời Tiền Lê, năm 987, khi sứ nhà Tống là Lý Giác sang nước ta, sử cũ đã ghi lại cuộc đối đáp thơ văn đầu tiên giữa pháp sư tên là Thuận với Lý Giác, với bài thơ tả cảnh ngỗng bơi trên sông nổi tiếng.

Chuyện sách nước ta từ thời Lê về trước - Ảnh 1.

Mộc bản kinh Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang

Văn tịch cổ nhất nước ta hiện còn lưu giữ được là cột kinh Phật ở chùa Nhất Trụ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư được dựng từ thời vua Lê Đại Hành, năm 995. Trên cột kinh khắc bài thần chú "Phật đinh tôn thắng đà la ni". Quanh quần thể di tích Hoa Lư, các nhà khảo cổ còn phát hiện ra nhiều cột kinh như vậy nữa.

Đời vua Lê Long Đĩnh, sử có chép năm 1009, em vua là hoàng tử Minh Xưởng đi sứ sang nhà Tống, đã xin được kinh Đại Tạng đem về. Thời Lý, Trần, nước ta đều trọng đạo Phật, đến thời Lê, trọng đạo Nho, cho nên chắc chắn số sách, kinh của các đạo này rất phổ biến ở nước ta, tuy nhiên, hiện không còn lưu giữ lại được sách vở nào từ thời Lý, Trần về trước.

Dù sau này, danh thần Lương Như Hộc thời Lê được coi là ông tổ nghề in khắc ván, nhưng trước đó, sử sách nước ta cho biết, nghề in khắc mộc bản kinh đã có từ thời Lý.

Sách Thiền uyển tập anh ngữ lục viết rằng: "Thiền sư Trí Học họ Tô, người làng Chu Minh phủ Thiên Đức (huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh ngày nay) vốn làm nghề khắc bản in kinh. Ông mất năm 1190, vào đời Lý Cao Tông". Có lẽ thời đó, nước ta chỉ in khắc kinh Phật chứ chưa khắc các loại sách khác.

Chuyện sách nước ta từ thời Lê về trước - Ảnh 2.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đời nhà Nguyễn

Lương Như Hộc (1420-1501) thi đỗ Thám hoa năm 1442. Ông có hai lần đi sứ sang Trung Quốc vào các năm 1443 và 1459 và là người có công đem nghề in này về truyền cho dân làng Liễu Chàng, Hồng Lục, nay là thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Theo Văn tịch chí của Phan Huy Chú, thì từ thời Lý, triều đình đã cho soạn sách Lý triều ngọc điệp vào năm Lý Thái Tổ thứ 17 (1076), sau đó là bộ Hình thư gồm 3 quyển vào thời Lý Thái Tông. Thời Trần, đời vua đầu là Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ (1230) đã cho soạn bộ sách Quốc triều thông chế gồm 20 quyển, bộ Kiến Trung thường lễ gồm 10 quyển, đời Trần Thánh Tông, năm 1267 soạn sách Hoàng tông ngọc điệp, đời Trần Dụ Tông, Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn soạn bộ Hoàng triều đại điển gồm 10 tập… Tất cả các bộ sách này, đều đã không còn.

Dù vậy, thì chúng ta vẫn lưu truyền được các câu chuyện cổ tích, thần thoại, một phần dựa vào hai quyển truyện có từ thời Trần là Việt điện u linh tập, do Lý Tế Xuyên soạn, kể những chuyện về các đền thần ở nước ta, và Lĩnh Nam chích quái, tương truyền do Trần Thế Pháp soạn, tập hợp các truyện truyền thuyết và cố tích dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những bản chép tay do đời sau chép lại.

Sách cổ nước ta, quý nhất là bộ sử Đại Việt sử ký do sử thần Lê Văn Hưu soạn và dâng lên đời vua Trần Thánh Tông, năm 1272, chép lịch sử nước ta từ thời Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu hoàng. Bộ sử này, đến đời Lê Nhân Tông, được Phan Phu Tiên chép tiếp từ thời Trần Thái Tông đến khi quân Minh về nước, cũng lấy tên là Đại Việt sử ký. Sau đó, các sử quan triều Lê như Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh tiếp tục nối tiếp, phát triển thành Đại Việt sử ký toàn thư còn đến ngày nay.

Nhờ sách sử, chúng ta có thể nắm rõ diễn biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn qua bộ Lam Sơn thực lục, gồm 3 quyển, ghi chép từ lúc Lê Thái Tổ khởi binh đến khi đánh đuổi xong quân Minh, do Lê Thái Tổ ngự chế.

Trong số các văn tịch cổ của nước ta, Phan Huy Chú có nhắc đến bộ Thiên Nam dư hạ tập được làm thời Lê Thánh Tông, do một nhóm nho thần đứng đầu là Thân Nhân Trung biên soạn. Bộ sách này lên tới 100 cuốn, đã tổng hợp toàn bộ những luật lệ, chức lệnh, phép tắc, văn hàn liên quan tới chính sự của triều Lê, từ năm đầu đời Lê Thái Tổ đến năm Hồng Đức thứ 14 (1483) đời Lê Thánh Tông.

Tuy nhiên, đến cuối triều Lê mạt, Phan Huy Chú cảm thấy tiếc rẻ rằng cả bộ sách cũng đã bị tản mát gần hết. Năm 1768, Chúa Trịnh Sâm cho sưu tầm, chỉ còn có hơn 20 quyển, và Phan Huy Chú cũng chỉ nhìn thấy có bốn, năm quyển mà thôi. "Sách điển chương của một triều đại làm khuôn phép đời đời mà mất mát như thế, có đáng tiếc không?", Phan Huy Chú than thở khi nhắc đến bộ sách lớn này.

Chuyện sách nước ta từ thời Lê về trước - Ảnh 3.

Đại việt sử ký toàn thư

Thời Lê sơ, văn hiến nước ta phát triển rực rỡ, ngoài bộ Thiên Nam dư hạ tập, triều đình còn cho vẽ bộ Thiên hạ bản đồ, rồi Nguyễn Trãi có bộ Dư địa chí, mà theo lời kể của Lý Tử Tấn, thì "Khi Ức Trai dâng sách này lên, Lê Thái Tông khen ngợi, sai thợ khắc ván in để phổ biến". Nhưng đến khi xảy ra vụ án Lệ Chi Viên, Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, thì quan Đại Tư đồ Đinh Liệt đã sai thợ hủy bản sách ấy đi. Rất may là nhờ vua Lê Nhân Tông phát hiện ra bản thảo mà sách vẫn còn lưu truyền đến ngày nay, nhưng không còn là nguyên tác. Các bộ Ức Trai di tập, Quân trung từ mệnh tập, tập hợp thơ văn, thư từ của Nguyễn Trãi, cũng được Trần Khắc Kiệm biên sắp vào thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông).

Với bộ quốc sử đồ sộ Đại Việt sử ký toàn thư, dù nhóm của Ngô Sỹ Liên hoàn thành từ năm Hồng Đức thứ 10 (1479), nhưng không được khắc in để ban hành rộng rãi mà vẫn lưu trong Quốc sử quán, để các sử quan đời sau tiếp tục sửa chữa, bổ sung thêm.

Đến đời vua Lê Huyền Tông, những năm niên hiệu Cảnh Trị (1662-1672), chúa Trịnh Tạc mới lệnh cho nhóm của Tham tụng Phạm Công Trứ, biên soạn bổ sung bộ sử này. Nhóm Phạm Công Trứ dựa theo sách của Ngô Sĩ Liên và Vũ Quỳnh để soạn lịch sử từ thời Hồng Bàng đến Lê Thái Tổ, còn từ thời Lê Thái Tông đến Lê Cung hoàng thì soạn theo sách Thực lục, và chép thêm từ Lê Trang Tông đến Lê Thần Tông, gọi là Tục biên.

Bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, gồm 23 quyển, được đem khắc in để phát hành nhưng công việc chưa xong, phải bỏ dở. Khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Căn lại hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Lê Hy, tiếp tục khảo đính bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, đồng thời biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1663 đời vua Lê Huyền Tông đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông, cũng gọi là Bản kỷ tục biên.

Bộ Đại Việt sử ký toàn thư này, gồm 25 quyển, được khắc in toàn bộ và phát hành thành công lần đầu tiên cho cả nước vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18 đời vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697.

Bài tựa của bộ sử này ghi rằng: "Mọi người trong nước xem đến sách này đều sáng tỏ như trông thấy trời xanh, dễ dàng như đi trên đường cái, điều tốt thì biết để ganh đua, điều xấu thì biết để răn chữa, suy ra đến những công việc tu tề trị bình, cho đến công hiệu phương xa theo về, đầu mối đều là ở đấy".

Phan Huy Chú cũng cho biết thêm là các điển cố của nhà Lê sau thời trung hưng, chỉ thấy chép ở Thiện chính tập, từ trước thì chưa có sách. Đến đời Vĩnh Hựu (niên hiệu của vua Lê Ý Tông, từ 1735-1740) mới sai soạn bộ Quốc triều hội điển, nhưng chưa làm xong.

Cũng may mà nước ta lưu lại được nhiều tác phẩm của các văn nhân, thi sĩ, nên đời sau mới có thể đọc được những bài thơ ngự chế của vua Trần Thái Tông, các bài thơ và kệ của Trần Nhân Tông được Trần Minh Tông tập hợp lại ở bộ Đại hương hải ấn thi tập, Minh Tông thi tập, Nghệ Tông thi tập, Lạc đạo tập của Trần Quang Khải… rồi đến thơ văn ngự chế của Lê Thánh Tông.

Trong số sách vở cũ nước ta, hiện cuốn Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, một cuốn từ điến Hán - Nôm, nằm trong số những sách cổ nhất, được biên soạn vào khoảng giữa thế kỷ XV.

Gần đây, cuốn Hoàng Hoa sứ trình đồ, mới được công bố, do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ, cũng là một tài liệu quý về lịch sử bang giao nước ta thời Lê.

Văn học thời Lê trung hưng đã phát triển các thể loại tiểu thuyết, ký sự, tùy bút... nhưng hầu hết vẫn là những bản chép tay, chỉ lưu hành hạn chế trong các gia đình. Các loại sách dành cho sĩ tử ôn luyện có đủ từ Tứ thư, Ngũ kinh, Bách gia chư tử, Bắc sử, Nam sử… nhưng việc in khắc, phát hành các loại sách này không được ghi chép đầy đủ.

Cuối thời Lê, nhà bác học Lê Quý Đôn đã có những tác phẩm mang tính bách khoa như Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ…hay bộ tổng tập thơ văn như Toàn Việt thi lục. Đặc biệt, khi có điều kiện vào làm quan ở vùng Thuận Quảng mới được phía chúa Trịnh tiếp quản từ chúa Nguyễn, ông đã viết được tác phẩm Phủ biên tạp lục, ghi chép kỹ càng về xã hội Đàng trong từ thế kỷ XVIII về trước. 

 Hầu hết kho tư liệu Hán Nôm chúng ta còn lưu giữ được ngày nay đều có từ thời Nguyễn trở lại, do đó, việc phát hiện mỗi cuốn sách cổ từ thời Lê về trước, đều sẽ là những dấu mốc quan trọng trong việc nghiên cứu về nghề biên soạn, in khắc sách nói riêng cũng về như văn hóa, xã hội ở nước ta trong từng thời kỳ nói chung.

(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)

Lê Tiên Long