Dù thích hay không, đại dịch Covid-19 cũng sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta theo cách này: Trong bi kịch luôn tồn tại cơ hội để học hỏi
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 22:38, 26/04/2020
Đại dịch tạo ra một lối sống mới
Đại dịch là một thứ rắc rối. Nó thay đổi cuộc sống thường ngày của chúng ta, mọi kế hoạch, thời gian biểu, thói quen - và làm đảo lộn tất cả.
Khi cuộc sống diễn ra bình thường, mọi thứ chúng ta làm đều tự động. Chúng ta cứ lần lượt thực hiện từng thói quen, đơn giản vì đó là con đường dễ dàng nhất. Chúng ta không có động lực gì để làm khác đi.
Ngày qua ngày, chúng ta đến những nơi giống nhau, nói chuyện với những người giống nhau, chẳng có gì để cảm thấy khó chịu hay đau đớn. Mọi thứ cứ bình yên trôi qua như vậy. Chúng ta cũng chẳng hỏi tại sao, bởi đơn giản là chúng ta không có lý do gì để dừng lại và thắc mắc về điều đó.
Thế nhưng, khi mọi thứ đột ngột dừng lại vì một chướng ngại vật, chúng ta cũng phải dừng lại theo. Mọi thói quen, mục tiêu và trách nhiệm cũ bỗng dưng được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Ảnh minh họa. (Ảnh: OC Media)
Khi đứng ở ngưỡng cửa giữa sự sống và cái chết, mọi thứ trở nên rõ như ban ngày. Chúng ta sẽ nghĩ về những điều thiết yếu. Chúng ta tập trung vào những điều quan trọng nhất.
Trong khủng hoảng, mọi ưu tiên đều bị đảo lộn. Thời gian cứ dần chậm lại; một ngày trôi qua mà cảm giác như một tuần. Lúc này, chúng ta có cơ hội để nhìn lại tất cả những gì mình đã làm trước đây và tự hỏi liệu có nên rũ bỏ chúng.
Sự thay đổi diễn rất nhanh, gần như ngay lập tức và trên mọi lĩnh vực và cấp độ.
Trên phương diện cá nhân, những thứ chúng ta cho là quan trọng giờ đây trông thật nhỏ bé, trong khi những thứ chúng ta bỏ quên lại trở nên thiết yếu.
Liệu công việc đó có thực sự cần thiết đến vậy? Liệu chúng ta có cần phải đi mua cà phê hay đi siêu thị lần nữa? Ai sẽ ở đó để giúp chúng ta những lúc khó khăn? Rất nhiều người đang cố gắng giảm bớt những hành động bốc đồng và tìm xem mình cần gì thay vì mình muốn gì.
Các tổ chức buộc phải thay đổi sao cho phù hợp với những hạn chế do dịch bệnh gây ra. Khi các công ty giảm tần suất tiếp xúc trực tiếp và chuyển sang làm việc online, việc chuyển đổi sang nền tảng kỹ thuật số cũng diễn ra nhanh hơn. An toàn và vệ sinh lúc này được ưu tiên hơn cả các dịch vụ cá nhân.
Mọi người đang cố gắng tìm chỗ đứng trong một thế giới bất ổn, tìm cách để đối mặt với sự thay đổi đột ngột.
Ảnh minh họa. (Ảnh: OC Media)
Các giai đoạn phản ứng với bệnh dịch
Phản ứng của con người trước đại dịch thường được chia thành 5 giai đoạn: phủ nhận, lo lắng, điều chỉnh, đánh giá lại và “bình thường mới”.
Khi nghe về đại dịch lần đầu tiên, chúng ta đã mặc kệ. Chúng ta đọc báo và nghe bàn tán, nhưng nghĩ rằng điều đó cũng chẳng có gì to tát và sẽ sớm biến mất. Thái độ này càng được thể hiện nhiều khi dịch bệnh còn cách chúng ta khá xa.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh không biến mất, con người sẽ chuyển sang giai đoạn lo lắng. Với số ca lây nhiễm tăng lên, mọi người bắt đầu chấp nhận đại dịch là có thật. Họ sẽ hoang mang trước một vấn đề mình chưa kịp chuẩn bị và cố gắng tìm cách tốt nhất để đối phó.
Khi khủng hoảng lên tới đỉnh điểm, con người sẽ bắt đầu điều chỉnh thói quen sao cho phù hợp với những hạn chế mà dịch bệnh đem lại, chẳng hạn như lệnh phong tỏa và các quy định mới. Đây là giai đoạn thú vị nhất, bởi con người sẽ suy ngẫm lại về cuộc sống trước đại dịch và so sánh nó với hiện tại. Họ sẽ rũ bỏ nhiều thói quen cũ và thiết lập những thói quen mới.
Trước cảm giác buồn chán và cô độc, nhiều người tìm đến những thú vui sáng tạo, chẳng hạn như nướng bánh. Họ có thể sẽ viết lách để giảm stress và ghi lại hoạt động thường ngày của mình trong một thời điểm bất thường. Dù cuộc sống bị ảnh hưởng ra sao, con người luôn tìm được cách để hàn gắn, suy ngẫm và vượt qua.
Khi dịch bệnh qua đi, con người sẽ đánh giá lại cách mình phản ứng và tìm hiểu xem nên làm gì sắp tới. Thói quen nào nên duy trì? Thói quen nào nên loại bỏ?
Hầu hết mọi người sẽ muốn ra ngoài, đi ăn ở nhà hàng và thăm thú những nơi công cộng. Tuy nhiên, họ cũng nhận ra rằng có rất nhiều thứ trong cuộc sống cũ mà họ không cần tới, chẳng hạn như đồ xa xỉ.
Giai đoạn cuối cùng là “bình thường mới”. Mọi người sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường, tiếp tục những hoạt động mà họ vẫn làm trước khi đại dịch bùng phát. Bên cạnh đó sẽ là những thói quen chưa từng xuất hiện trước đây.
Mọi người sẽ quen dần với việc rửa tay thường xuyên. Có thể nhiều người sẽ thích thú được làm việc tại nhà một cách linh hoạt. Các quy định về an toàn và vệ sinh cũng sẽ được giữ lại kể cả sau khi đại dịch đã qua.
Cuộc sống lại tiếp tục như cũ, nhưng chắc chắn đại dịch Covid-19 đã để lại một dấu ấn không thể xóa nhòa.
Trong thời khắc bi kịch, vẫn tồn tại những cơ hội để học hỏi
Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã cướp đi sinh mạng của gần 50 triệu người, biến nó thành một trong những thảm họa chết chóc kinh hoàng nhất lịch sử. Tác động toàn cầu của nó buộc các quốc gia phải xem lại hệ thống chăm sóc sức khỏe mà họ cung cấp cho người dân.
Trong những năm tới, chính phủ các nước sẽ bắt đầu xây dựng lại hệ thống y tế xã hội để nhiều người dân được chăm sóc tốt hơn. Họ sẽ nhận thấy tầm quan trọng của việc điều phối y tế cộng đồng trên phạm vi toàn cầu. Thảm họa nào cũng có đau thương và mất mát, nhưng cũng tồn tại cả những cơ hội để học hỏi.
Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về bản thân, về giá trị của mình và học được cách vượt qua nghịch cảnh để tiến về phía trước. Chúng ta sẽ sẵn sàng rũ bỏ mọi gánh nặng cũ đang đè nén mình và bắt đầu lại trong một thế giới mới.
Sau đại dịch này, con người ai cũng sẽ đổi thay. Và đến một lúc nào đó nhìn lại, chúng ta sẽ nhận ra mình đã trưởng thành đến mức nào.
(Theo Medium)