Quãng thời gian thất nghiệp, vô gia cư đã dạy tôi bài học đắt giá để sống sót qua đại dịch Covid-19: Khi còn sung túc, đừng lãng phí đồng tiền xương máu vào thứ vô nghĩa
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 14:50, 25/04/2020
"Vào năm 2009, tôi mất công việc chuyển phát nhanh ở California ở tuổi 35 vì những tác động của cuộc đại suy thoái từ năm 2007. Tìm một công việc ổn định khác vào khoảng thời gian đó gần như là không thể. Có khoảng thời gian tôi làm ba công việc một lúc nhưng tổng thu thập mỗi tuần cũng chỉ dưới 500 USD. Khoản tiền ít ỏi đó chỉ đủ để tôi cầm cự sống qua ngày. Quãng thời gian ba đến bốn năm tiếp theo, tôi hầu như thất nghiệp, và trở thành người vô gia cư. Đó thực sự là những chuỗi ngày đen tối.
Năm 2017, tôi chuyển đến Tacoma, Wasshington sau khi được một người bạn thân cho vay đủ tiền để ổn định cuộc sống và theo đuổi giấc mơ bất động sản. Tôi đã tự nói với mình rằng đây là một cơ hội lớn và tôi không được phép bỏ lỡ. Tám tháng sau khi có giấy phép môi giới tôi chốt giao dịch lần thứ bảy với doanh thu 1,6 triệu USD. Tôi đã trả lại tiền vay của người bạn. Lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác hài lòng và có chút thành tựu. Tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về việc tiết kiệm tiền và bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai".
Đó là những chia sẻ của tác giả Mike Dante Whitfield, một nhà môi giới bất động sản làm việc tại California và Washington. Anh đã trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải sống như một người vô gia cư sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007. Dưới đây là những bài học Mike đã rút ra và giúp anh chuẩn bị tốt hơn trong mùa dịch COVID-19.
1. Đừng lãng phí đồng tiền bạn vất vả kiếm được vào những thứ không cần thiết
Khi tôi chuyển đến California vào năm 1999, một số công ty công nghệ đã mời tôi vào một vài vị trí công việc được trả lương khá cao. Lớn lên trong nghèo khó, tôi cảm thấy như mình đã trúng xổ số. Vì vậy, ở độ tuổi 20 lúc đó, tôi đã tận hưởng theo cách của những thanh niên có tiền.
Mỗi ngày tôi đều ăn ở ngoài, đi hẹn hò ở các nhà hàng đắt đỏ, du lịch thường xuyên và lãng phí tiền vào những thứ tôi không thực sự cần. Mặc dù biết thói quen của mình đã vượt tầm kiểm soát, thế những tôi lại tự an ủi bản thân bằng cách nói rằng ngày mai, nhất định ngày mai tôi sẽ bắt đầu tiết kiệm.
Hàng triệu người đang phải đối mặt với những căng thẳng về khó khăn tài chính do đại dịch, một số ít may mắn hơn khi thu nhập không bị ảnh hưởng. Nếu bạn là người thuộc nhóm thứ hai, hãy sử dụng tiền một cách khôn ngoan, bởi vì không ai biết điều gì có thể xảy ra. Hôm nay có thể bạn rất giàu có nhưng bạn cũng có thể mất tất cả vào ngày mai.
Tôi đã học được cách chống lại sự cám dỗ của việc chi tiêu cho những thứ không cần thiết. Một khi bạn trải qua cuộc sống của những người vô gia cư như tôi, phải ăn mù tạt và sốt cà chua thừa thì bạn sẽ biết sự khác biệt giữa những chi tiêu cần thiết và chi tiêu cho nhu cầu.
2. Lập kế hoạch cho điều tồi tệ nhất và xây dựng quỹ khẩn cấp càng sớm càng tốt
Hồi đó, tôi chưa bao giờ nghĩ về việc tiết kiệm. Tôi đã nói với bản thân mình rằng nếu có điều gì xấu xảy ra, thì tôi sẽ giải quyết nó sau. Hãy luôn nghĩ về những tình huống tồi tệ có thể xảy ra và chuẩn bị cách giải quyết. Không ai biết chính xác điều gì sẽ xảy ra trong tương lai vì vậy, bạn cần phải có một quỹ dự phòng cho những vấn đề khẩn cấp. Bạn sẽ làm gì nếu chẳng may mất việc? Chuyển về ở với bố mẹ hay thuê một căn phòng hạng hai. Hãy luôn nghĩ về những rủi ro có thể xảy ra.
Sau khi bắt đầu kiếm được thu nhập ổn định từ công việc môi giới của mình, tôi đã tính toán số tiền tôi cần phải bỏ vào quỹ khẩn cấp của mình mỗi ngày để chắc chắn rằng tôi không phải lo lắng về chi tiêu trong 6 tháng nếu chẳng may bị mất việc.
Đối với nhiều người, tiết kiệm không phải chuyện dễ dàng do mức lương thấp hoặc cả gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào thu nhập của bạn. Dù trong tình huống nào, hãy cố gắng tiết kiệm trong khả năng của bạn để đảm bảo bạn có thể giải quyết các vấn đề khẩn cấp phát sinh.
3. Học các kỹ năng mới và sẵn sàng hạ thấp yêu cầu đối với những sự lựa chọn công việc
Dịch bệnh khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao và thật khó để tìm công việc mới. Có thể công việc bạn vẫn thường làm thì lại không tuyển dụng vào lúc này vì vậy đây không phải thời gian để từ chối những công việc mà bạn nghĩ là không phù hợp.
Tôi biết những người trước đây từng là quản lí của nhiều công ty lớn với thu nhập rất cao nhưng trong mùa dịch họ làm công việc đóng gói ở các cửa hàng tạp hóa. Trong giai đoạn suy thoái, tôi đã đặt cái tôi của mình sang một bên. Tôi đã nhận bất cứ công việc nào mà tôi tìm thấy từ dắt chó đi dạo, tạo hình khối đá, dọn dẹp nhà cửa cho tới chạy việc vặt.
Ở độ tuổi 35, tôi phải cạnh tranh với hàng trăm người khác có những kĩ năng mà tôi còn thiếu. Vì vậy, tôi đã quyết định dành thời gian để học thêm các kĩ năng mới. Tôi tự học chỉnh sửa video và âm nhạc, sau đó tôi đã tìm được một vài công việc bán thời gian nhờ những kĩ năng mới này.
4. Mở lòng và nhận sự trợ giúp của người khác
Trong phần lớn cuộc đời, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái, tôi đã chiến đấu với chứng trầm cảm nặng. Nhìn về hoàn cảnh khốn cùng của bản thân, tôi nhớ nhà và trào nước mắt. Có những ngày tôi còn không đủ tiền để mua một gói khoai tây chiên ở McDonald và tôi đã phải ăn sốt cà chua và mù tạt miễn phí ở đó để có thứ gì đó vào bụng. Tôi đã cảm thấy vô vọng và muốn từ bỏ. Những lúc ấy tôi đã nhớ về mẹ của tôi, về những ngày bà còn sống. Nó đã trở thành nguồn động lực để tôi tiếp tục sống và tìm cơ hội vươn lên.
Những thay đổi bất ngờ của cuộc sống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Những căng thẳng và lo lắng sẽ trở nên càng tồi tệ đi. Điều bạn cần phải làm là dẹp bỏ những suy nghĩ tiêu cực và nghĩ về những nguồn động viên tinh thần của bản thân. Tôi đã từng tự cô lập bản thân và cố tình cách xa mọi người. Cuối cùng tôi học được cách mở lòng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Tôi nhận ra tầm quan trọng của lòng tốt và sự gắn bó.
5. Hãy biết ơn cuộc sống và dành thời gian cho những người bạn yêu thương
Tôi đã từng bị cuốn vào những vấn đề của riêng mình đến nỗi quên mất mình đã may mắn như thế nào khi vẫn còn sống. Bây giờ tôi sống với lòng biết ơn. Lòng biết ơn, đặc biệt là đối với cuộc sống rất quan trọng và nó có thể giúp bạn vượt qua những ngày tồi tệ nhất.
Thêm vào đó, chúng ta cũng nên dành thời gian với những người bạn yêu thương. Trước khi tôi trở thành một nhà môi giới, tôi đã giúp người bạn thân chăm sóc mẹ cô ấy, bà giống như gia đình đối với tôi. Chúng tôi đau buồn vì chứng kiến bà ngày một yếu đi vì căn bệnh ung thư, nhưng cũng biết ơn vì chúng tôi dã dành thời gian còn lại cùng với bà. Đừng để nỗi ám ảnh làm ảnh hưởng tới cảm xúc của bạn, thay vào đó hãy sống với lòng biết ơn và dành thời gian ở bên những người thân yêu.
Mike và người bạn thân nhất của anh, Kim.
6. Tìm kiếm và lan truyền hy vọng là chìa khóa để vượt qua thời điểm khó khăn
Đại dịch COVID-19 đã tác động khá nhiều tới công việc của tôi. Mỗi ngày trôi qua thật khó khăn nhưng tôi không để bệnh dịch khiến tôi lùi bước. Những kinh nghiệm trong quá khứ đã giúp tôi mạnh mẽ, khôn ngoan và lạc quan hơn.
Chúng ta sợ hãi nhưng đừng nên đánh mất hy vọng. Hy vọng là thứ đã kéo tôi ra khỏi bóng tối và giúp tôi vượt qua thời kì hỗn loạn này. Bạn cũng không cần phải tìm kiếm rất xa để thấy hy vọng. Có nhiều cách để giúp cộng đồng của bạn, cho dù đó là quyên góp thực phẩm cho người khó khăn, đóng góp cho quỹ chống dịch hay đơn giản chỉ là khích lệ, động viên nhau. Hãy lan truyền sự tích cực lạc quan để cùng nhau vượt qua khó khăn mùa dịch bệnh.
Theo CNBC