Tổ chức và quản lý lớp học trong thời đại công nghệ (Phần 2)

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 16:43, 24/04/2020

Phần 2 của bài báo sẽ trình bày một số tính năng nổi bật của Google Classroom trong tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến.

Một số tính năng nổi bật của Google Classroom trong tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến
Tổ chức lớp học

Google Classroom là ứng dụng miễn phí của Google, người dùng chỉ cần tạo Gmail, Google sẽ cho phép người dùng sử dụng tính năng xây dựng và quản lý lớp học với Google Classroom. Giao diện đơn giản, thân thiện với người dùng, dễ tương tác và ngôn ngữ được Việt hóa nên dễ sử dụng và được nhiều giảng viên lựa chọn để tổ chức các lớp học.

Dưới đây là các bước trong tiến trình xây dựng lớp học trực tuyến với Google Classroom:

- Tạo lớp học: Để tạo lớp học trực tuyến với Google Classroom giảng viên thực hiện trình tự các bước như sau:

Bước 1: Đăng nhập Email cá nhân tiếp theo click chuột vào  biểu tượng (các ứng dụng của Google), tiếp theo chọn biểu tượng "Lớp học".

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỚP HỌC TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0 Phần 2 - Ảnh 1.

Bước 2: Cửa sổ Google Classroom xuất hiện, giảng viên click chuột vào biểu tượng dấu cộng (+), sau đó, chọn "Tạo lớp học".

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỚP HỌC TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0 Phần 2 - Ảnh 2.

Bước 3: Bảng "Tạo lớp học" xuất hiện, trong bảng này, giảng viên đặt "Tên lớp học (bắt buộc)", nếu giảng viên giảng dạy nhiều học phần có thể mô tả thêm trong mục "Phần", giảng viên có thể tạo chủ đề trong học phần cho lớp học bằng cách điền vào dòng "Chủ đề". Tiếp theo click chọn TẠO sẽ hoàn thành xong quá trình tạo lớp học.

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỚP HỌC TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0 Phần 2 - Ảnh 3.

- Mời sinh viên tham gia vào lớp học: Để mời sinh viên vào lớp học vừa tạo, giảng viên có thể thực hiện một trong các cách sau:

Cách 1: Giảng viên cho sinh viên mã lớp học và yêu cầu sinh viên tham gia lớp học thông qua mã giảng viên đã cung cấp.

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỚP HỌC TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0 Phần 2 - Ảnh 4.

Giảng viên có thể giới hạn được những điều sinh viên được làm đối với lớp học.

Cách 2: Giảng viên thêm trực tiếp sinh viên vào lớp học:

Bước 1: Giảng viên chọn mục MỌI NGƯỜI;

Bước 2: Giảng viên chọn mục Sinh viên và nhập Email của sinh viên.

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỚP HỌC TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0 Phần 2 - Ảnh 5.

Quản lý lớp học
Dễ dàng thông báo, chia sẻ tài liệu, giáo trình, bài giảng, video tới lớp học

Có một số khó khăn trong việc quản lý lớp học. Công việc liên lạc với các sinh viên trong lớp thường không đảm bảo được tính nhanh chóng và chính xác, thường được thực hiện thông qua đội ngũ cán bộ lớp. 

Ngoài ra, giảng viên cũng gặp khó khăn trong việc cung cấp cho sinh viên tài liệu tham khảo và thông báo nhiệm vụ sinh viên phải thực hiện khi trong quá trình học. Tuy nhiên, khi sử dụng Google Classroom có thể dễ dàng tạo ra các thông báo, tiếp cận, quản lý và nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của sinh viên, thuận tiện trong việc giới thiệu đề cương môn học và những yêu cầu môn học đến với từng sinh viên.

Để quản lý được một lớp học, giảng viên phải thực hiện các công việc như chuẩn bị tài liệu, soạn giảng, chấm bài… các công việc tại lớp và các hoạt động sau giờ lên lớp. Google classroom có thể giúp giảng viên quản lý tốt tất cả các việc đó thông qua hai thông báo lớp học mới –  một là khi các sinh viên gửi bài tập sau ngày hết hạn, và một cái nữa là khi các sinh viên gửi lại các bài tập, cập nhật các bài đăng về lịch trình và những bình luận bài tập của sinh viên – để giúp cho họ tổ chức trong suốt năm học. 

Google Classroom cũng giúp giảng viên giao bài tập cho từng học viên và các nhóm dựa trên những nhu cầu khác nhau. Giảng viên thực hiện bằng cách tạo ra một bài tập, bài viết hoặc câu hỏi và chọn chia sẻ nó với toàn bộ hoặc chỉ với nhóm nhỏ học viên .

Một trong những tiện ích khác của Google Classroom trong quản lý lớp học là hỗ trợ giảng viên chia sẻ thông tin và tài liệu. Giảng viên biên tập và sưu tầm các tài liệu, giáo trình và bài giảng từng tiết học gửi tới email cá nhân và ứng dụng Google Classroom trên điện thoại của từng sinh viên. Điều này thuận tiện cho sinh viên có thể tiếp cận tài liệu, giáo trình mọi lúc, mọi nơi.

Thực tế cho thấy khi phải tiếp cận với các nội dung, chủ đề khó, mặc dù đã đọc trước tài liệu, bài giảng và học trên lớp một số sinh viên vẫn gặp khó khăn trong việc thực hành kỹ năng mới. Để giúp các em sớm lĩnh hội được kiến thức, những đoạn video giảng dạy về những chủ đề hay vấn đề nào đó sẽ được tìm kiếm trên mạng sau đó thông qua Google Classroom gửi tới sinh viên. 

Để tạo một thông báo hay chia sẻ tài liệu, slide bài giảng, video giảng dạy, giảng viên chọn "Chia sẻ đôi điều với lớp học…" trên trang chính, tiếp theo điền tên chủ đề (Thông báo) giảng viên muốn tạo sau đó gửi tài liệu, slide bài giảng và video giảng dạy cho sinh viên bằng cách chọn file dữ liệu từ máy tính, Google Drive, liên kết video từ Youtube hay một liên kết bất kỳ.

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỚP HỌC TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0 Phần 2 - Ảnh 6.

Tạo bài tập, bài kiểm tra, nhận xét và cho điểm

Trong thực tiễn tại nhà trường, việc tương tác giữa giảng viên và sinh viên ngoài giờ lên lớp vẫn còn một số hạn chế. Đó là môi trường trao đổi thông tin chưa tập trung (giảng viên chỉ trao đổi qua Email, điện thoại, Facebook, hoặc Zalo với từng cá nhân sinh viên). 

Làm thế nào để giảng viên hỗ trợ (chia sẻ tài liệu, giải đáp thắc mắc) và quản lý hiệu quả hoạt động tự học của sinh viên (theo dõi tiến trình học tập) cũng như giảm bớt sức lao động (chấm bài, cho điểm, nhận xét, nhận ý kiến phản hồi) vẫn đang là một vấn đề cần phải bàn nhiều. Công cụ Google Classroom đã hỗ trợ cho giảng viên giải quyết những khó khăn trên bằng các tính năng tạo bài tập, bài kiểm tra và nhận xét cho điểm sinh viên.

Google Classroom cho phép giảng viên tạo ra các dạng bài tập (bài tập nhanh, bài tập theo dạng chủ đề, bài tập trắc nghiệm…) và các hình thức kiểm tra, đánh giá (câu hỏi nhanh, câu hỏi theo dạng chủ đề, bài kiểm tra trắc nghiệm, bài kiểm tra nhanh…). Để thực hiện việc tạo ra các bài tập, bài kiểm tra thực hiện như sau:

Bước 1: Từ trang chính của lớp học chọn mục "Bài tập trên lớp", trang sau sẽ hiển thị:

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỚP HỌC TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0 Phần 2 - Ảnh 7.

Bước 2: Chọn mục "Tạo" và chọn hình thức là các bài tập hay bài kiểm tra muốn thực hiện.

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỚP HỌC TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0 Phần 2 - Ảnh 8.

Công cụ Google Classroom còn cho phép giảng viên kiểm tra tiến độ hoàn thành nhiệm vụ của sinh viên. Việc chấm bài (kiểm tra, thi), nhận xét, trả bài tập, trả bài kiểm tra, trả bài thi cho sinh viên trở nên dễ dàng, đơn giản giúp giảng viên tiết kiệm thời gian, công sức. Quá trình đánh giá bảo đảm được tính công bằng, khách quan và minh bạch cao. 

Trong trường hợp sinh viên có ý kiến thắc mắc hay khiếu nại (bài kiểm tra, bài thi) giảng viên vào thư mục chứa bài kiểm tra, bài tập, bài thi rà soát lại giúp sinh viên.

Để nhận xét, cho điểm bài làm của sinh viên, thực hiện như sau:

Bước 1: Từ trang chính chọn mục "Bài tập trên lớp";

Bước 2: Từ trang "Bài tập trên lớp" chọn mục "Đã giao"

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỚP HỌC TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0 Phần 2 - Ảnh 9.

Bước 3: Khi thực hiện bước 2 xong, chọn "sinh viên" để cho điểm và nhận xét.

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỚP HỌC TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0 Phần 2 - Ảnh 10.


TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỚP HỌC TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0 Phần 2 - Ảnh 11.

 Tính tương tác cao

Google Classroom có thể hỗ trợ quản lý lớp học và sinh viên học tập mọi lúc mọi nơi, bất cứ khi nào muốn đều có thể truy cập lớp học khi cần. 

Giảng viên và sinh viên có thể truy cập lớp học trên web hoặc bằng điện thoại di động có cài đặt ứng dụng Google Classroom. 

Ngoài ra, Google Classroom cũng tạo thông báo nhắc nhở việc thời hạn nộp bài tập, bài thi, giúp sinh viên kiểm soát thời gian để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cho phép sinh viên hợp tác, làm nhóm, tương tác trực tiếp trên cùng một bài làm. Các tài liệu, các bài kiểm tra đã làm đều được lưu lại giúp sinh viên tra cứu khi cần. 

Công cụ này còn cho phép tạo ra môi trường, kênh diễn đàn thảo luận, trao đổi thông tin giữa giáo viên với cả lớp học, giữa giáo viên với từng sinh viên và sinh viên với sinh viên trong lớp học thông qua nhiều hình thức như: Văn bản, âm thanh, Livestream tương tác trực tiếp với các giảng viên khác và với các lớp học khác. 

Kết luận

Ứng dụng Google Classroom đã mở ra một phương pháp học tập mới cho sinh viên ngay trên thiết bị di động, giải quyết được các vấn đề về sách vở, liên lạc, quản lý lớp học một cách thông minh.

Bên cạnh đó Google còn cho phép sử dụng Google Classroom vào những phần việc không thực sự liên quan đến giảng dạy, như quản lý một nhóm người trong một câu lạc bộ mà họ cùng tham gia, cho dù họ không tham gia các lớp học giống nhau.

Sau quá trình đưa vào giảng dạy, ứng dụng Google Classroom đã cho thấy những kết quả hết sức tích cực cụ thể: Mọi thông tin khóa học được quản lý khoa học, minh bạch, thông tin trao đổi giữa giảng viên – sinh viên, giảng viên – giảng viên, sinh viên – sinh viên dễ dàng và riêng tư; Sự tiến bộ của người học (ý thức, thái độ học tập và kết quả học tập) cải thiện nhiều so với những năm trước và giúp môi trường học tập trở nên linh hoạt, thân thiện và hiệu quả hơn.

Hình thức học tập trực tuyến thực sự đã và đang diễn ra ở môi trường giáo dục, và thực tế với sự phát triển không ngừng của CNTT hiện nay, hình thức dạy học này sẽ ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người học. Bài toán đặt ra là sự chuẩn bị của lãnh đạo nhà trường, giảng viên và sinh viên như thế nào để đáp ứng được sự thay đổi này.

Tài liệu tham khảo

[1]. An Nhiên (2017), "Google Classroom: Ứng dụng cho phép ai cũng có thể mở lớp học online". https://trithucvn.net/khoa-hoc/google-classroom-ung-dung-cho-phep-ai-cung-co-mo-lop-hoc-online.html. Truy cập 10/01/2020.

[2]. Nguyễn Huy Toàn (2018), "Ứng dụng Google Classroom trong dạy học và quản lý sinh viên". https://miles2give.org/ung-dung-google-classroom-trong-day-hoc-va-quan-li-sinh-vien/. Truy cập 20/01/2020.

[3]. Nguyễn Sa Duy, (2018), "Vận dụng google apps và google classroom vào dạy học tích cực tin học 11 bài tập kiểu xâu". https://xemtailieu.com/tai-lieu/skkn-van-dung-google-apps-va-google-classroom-vao-day-hoc-tich-cuc-tin-hoc-11-bai-tap-kieu-xa-1087211.html. Truy cập 08/02/2020.

[4]. Phan Ngọc Anh, 2017 "Tổ chức, quản lý lớp học hiệu quả hơn trên Google Classroom", http://tis.edu.vn/chuc-quan-ly-lop-hoc-hieu-qua-hon-tren-google-classroom.

Võ Văn Quân