Đối mặt với quyết định thay đổi cuộc sống sau đại dịch, đây là yếu tố bạn phải xem xét đầu tiên: Bạn là người "cầm lái" hay bị động trong cuộc đời?
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 13:16, 24/04/2020
Đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của tất cả chúng ta bị xáo trộn. Nó khiến nhiều người thức tỉnh, nhận ra đã đến lúc phải thay đổi nếu không muốn bị "nhấn chìm" trong cuộc khủng hoảng chưa từng có này.
Dù làm gì thì bạn cũng không nên nửa vời. Cứ cố gắng hời hợt như vậy, bạn coi như cầm chắc thất bại trong tay. Bạn chỉ nên bắt đầu một thứ gì đó khi biết mình có đủ khả năng biến nó thành hiện thực và thật quyết đoán khi thực hiện. Cuộc đời của bạn, bạn phải là người cầm lái, chủ động đưa ra các kế hoạch, cân nhắc trước sau trước khi ra quyết định quan trọng. Bởi đó có thể là những quyết định thay đổi cả cuộc sống của bạn.
Kỹ năng ra quyết định chính xác trước những thời điểm quan trọng là một trong những chìa khóa dẫn đến thành công. Trái ngược với quyết đoán là sự trì hoãn - kẻ trộm thời gian lớn nhất của bạn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên rút ngắn quá trình quyết định. Hãy cân nhắc kĩ lưỡng, tham khảo ý kiến chuyên gia và lập danh sách ưu và nhược điểm. Dành nhiều thời gian chuẩn bị để có thể thích nghi với cam kết bạn đã thực hiện.
Dưới đây là 4 lời khuyên giúp bạn cải thiện kỹ năng ra quyết định trước những thời điểm quan trọng của cuộc sống hiệu quả và chính xác hơn:
Lập kế hoạch trù bị
Bất cứ một quyết định sáng suốt nào cũng đều có một kế hoạch trù bị giúp chúng ta tiến tới mục tiêu đã cam kết. Trước mỗi quyết định quan trọng nào đó, bạn cần phải lập kế hoạch chi tiết về các bước cần làm tương ứng với các mốc thời gian cụ thể. Bạn cũng cần phải hình dung về những trở ngại đối với quá trình thực hiện và chuẩn bị giải pháp cho các tình huống có thể xảy ra. Một kế hoạch trù bị sẽ giúp bạn đánh giá được những tiến triển theo thời gian.
Tập trung vào kế hoạch hơn là kết quả cũng rất quan trọng, bởi vì kết quả có thể tự phản hồi lại trong quá trình thực hiện. Có những lúc kết quả đạt được trùng khớp với những gì bạn mong muốn, có lúc mọi chuyện lại không như là mơ. Tuy nhiên, nếu bạn hình dung về một con đường để đi tới kết quả đó, bạn sẽ biết đâu là một mong đợi có khả năng thực hiện được hơn là kỳ vọng vào những mong đợi phi thực tế.
Đừng nghiêm trọng hóa vấn đề
Có một câu nói trong quân đội rằng không có kế hoạch nào sống sót sau cuộc chạm trán đầu tiên với kẻ thù. Tương tự vậy, cho dù bạn có lập một kế hoạch tốt đến đâu thì sau khi đưa ra quyết định, kế hoạch đó vẫn sẽ thiếu sót ở đâu đó khi thực hiện. Chẳng ai có quyết định đúng đắn ở tất cả mọi lúc. Thế giới thì luôn thay đổi. Bạn cũng có thể sai khi vẽ ra một kế hoạch không thực sự phù hợp với con đường phía trước.
Không phải chỉ vì bạn đã lập một kế hoạch thì bạn phải tuân theo nó một cách máy móc. Hãy chắc chắn rằng bạn có thể đánh giá quá trình hành động của bạn đang tốt như thế nào. Tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy bạn đang tiến tới mục tiêu của mình. Khi cảm thấy rằng bạn có thể thất bại, hãy sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận. Hãy tham khảo ý kiến hoặc cách những người có kinh nghiệm đã làm và học hỏi từ họ.
Lùi một bước để tiến xa hơn
Sẽ có những lúc bạn không đạt được những gì mong đợi. Một phần là do những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của bạn, phần còn lại là do bạn đã mắc sai lầm. Dù thế nào đi nữa thì điều quan trọng bạn cần nhớ rằng kết quả tốt đến từ cách bạn phản ứng với nghịch cảnh. Thông thường, khi có sự cố xảy ra, mọi người coi đó là dấu hiệu cho thấy họ không thể thành công. Sẽ có những cám dỗ khiến bạn dễ từ bỏ và theo đuổi mục tiêu khác. Và chắc chắn sẽ có những lúc bạn cạn kiệt các lựa chọn thay thế hợp lý.
Tuy nhiên, điều quan trọng là thừa nhận những sai lầm mắc phải, tìm ra vấn đề và tiếp tục con đường của bạn. Những thất bại nhỏ mà bạn gặp trên đường đi có thể mở ra những cơ hội khác tốt hơn. Mọi người thường không theo một kế hoạch rõ ràng từ công việc này sang công việc khác. Thay vào đó, các cơ hội phát sinh thay đổi cách mọi người nghĩ về những gì họ muốn làm.
Đừng so sánh các lựa chọn khi đã quyết định
Hãy nhớ rằng quyết định thực tế bạn đưa ra là sự khởi đầu của một quá trình, không phải là kết thúc. Thật dễ dàng để bạn nghĩ về một lựa chọn khác và ngay lập tức bắt đầu tự phê phán bản thân.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bạn dành nhiều thời gian để so sánh một lựa chọn bạn đã chọn và một cái bạn đã bỏ qua thì bạn sẽ cảm thấy sự lựa chọn sau có vẻ sẽ tốt hơn và điều này khiến bạn cảm thấy bản thân đã lựa chọn sai lầm. Lời khuyên là tránh nhìn lại các lựa chọn khác sau khi đã quyết định. Hãy cam kết với con đường bạn đã chọn.
Theo Fastcompany