Sẵn sàng để Xuất bản Việt Nam bước vào nền kinh tế số
Diễn đàn - Ngày đăng : 19:01, 23/04/2020
Cần hoàn thiện việc chuyển đổi mô hình hoạt động cho các NXB
Tổng kết công tác xuất bản năm 2019, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT cho biết: Năm 2019, các NXB đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu 37.100 xuất bản phẩm với 441.000.000 bản. Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 32.900 cuốn với 403.822.458 bản; xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 2.400 xuất bản phẩm với 1,5 triệu lượt truy cập; xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD... đạt 1.800 xuất bản phẩm. Tỷ lệ bình quân/người đạt khoảng 4,6 bản/người/năm (tăng 10,6% so với năm 2018).
Chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ông Nguyên nhận định vẫn còn những sai phạm mang tính chất nghiêm trọng, nội dung sai phạm tập trung vào một số vấn đề nóng, nhạy cảm. Đồng thời, một số NXB chưa quan tâm bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ biên tập viên (BTV), nhân lực lao động nên để xảy ra tình trạng thiếu hụt hoặc không đảm bảo chất lượng. Một số NXB chưa vượt qua được giai đoạn khó khăn, hoạt động không hiệu quả như: NXB Hải Phòng lỗ 80 triệu đồng, NXB Thể thao và Du lịch lỗ 174 triệu đồng.
Về công tác phát hành, năm 2019, tổng số sách phát hành là 440 triệu bản (tăng 1,6% so với năm 2018), tổng số xuất bản phẩm khác là 130 triệu bản (tăng gần 1,3% so với năm 2018).
Tuy vậy, cũng còn tồn tại những hạn chế: Một số đơn vị phát hành xuất bản phẩm chưa đủ điều kiện nhưng đã hoạt động. Nhiều cơ sở phát hành xuất bản phẩm chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định, gây khó khăn cho việc thống kê, tổng hợp và quản lý. Một số cơ sở phát hành bày bán xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc, không có chứng từ, hóa đơn hợp lệ.
Thuế sử dụng nhà đất cao gây khó khăn cho hoạt động của các đơn vị phát hành. Một số công ty cổ phần phát hành sách không còn vốn nhà nước hoặc còn ít không đáng kể nên bị cổ đông chi phối hoạt động kinh doanh, không đầu tư cho hoạt động phát hành sách…
Về công tác quản lý nhà nước, ông Nguyên cho biết 80% thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực xuất bản đã được đơn giản hoá.
Về công tác chủ quản của NXB, nhiều cơ quan chủ quản thực hiện tốt công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, triển khai kịp thời nhiều giải pháp giúp NXB kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cáo chất lượng xuất bản. Một số cơ quan chủ quản đã hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện về cơ sở vật chất hoặc đặt hàng cho NXB, như Tổng cục Thống kê đặt hàng NXB Thống kê với tổng kinh phí tới 17 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác chủ quản vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có những hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục như: việc chuyển đổi mô hình hoạt động của NXB; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cũng chưa được quan tâm chú trọng đúng mức; công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chủ quản chưa được quản lý chặt chẽ. Nhiều chủ quản chưa quan tâm toàn diện đến tình hình hoạt động của NXB nên dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ lãnh đạo NXB trong thời gian dài.
Việc chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước sang đơn vị sự nghiệp công lập có thu còn chậm. Một số NXB khác được cơ quan chủ quản yêu cầu xây dựng phương án chuyển sang Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 Luật Xuất bản, Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là doanh nghiệp (DN) nhà nước, không thuộc đối tượng là cơ quan chủ quản NXB.
Đơn giản các TTHC để tạo điều kiện phát triển
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ thông tin về những việc đã triển khai trong năm 2019 của cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT đối với 3 NXB: Giáo dục, Sư phạm và Sư phạm TP.HCM.
Do đặc thù xuất bản sách giáo khoa (SGK) và giáo trình, nhất là trong năm nay chuyển đổi các danh mục SGK nên còn nhiều những khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiến nghị nên đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hỗ trợ quá trình biên soạn, phát hành SGK mới; đồng thời áp dụng thuế giá trị gia tăng cho SGK mức 0% để giảm giá SGK, được khấu trừ, không phải tính vào giá vốn. Bộ TT&TT phối hợp Bộ Tài chính quản lý giá tem chống in lậu để giảm giá tem này.
Bên cạnh đó là việc cải cách hành chính, hiện có 3 Nghị định là: Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN; Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư; Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của DN nhà nước yêu cầu các cơ quan chủ quản phải lập 20 báo cáo hàng năm, trong đó 4 báo cáo hàng quý, đề nghị tích hợp để giảm các báo cáo.
Cũng cùng về khó khăn của cơ quan chủ quản, ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM kiến nghị: Nghị định 32 về giao nhiệm vụ đặt hàng và đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ từ ngân sách nhà nước từ nguồn chi thường xuyên thì cần có sự quan tâm ban hành sớm hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để các cơ quan chủ quản và NXB thực hiện tốt
Về mảng sách điện tử thì Ban Tuyên giáo, Bộ TTTT, Hội Xuất bản cần tổ chức thêm hội nghị chuyên đề, tọa đàm khoa học để đúc rút, học hỏi kinh nghiệm; đáp ứng nhu cầu độc giả. Đồng thời, với xu hướng quốc tế cũng đang là nhu cầu tất yếu của các NXB, nên cần quan tâm đưa ấn phẩm ra các nước trên thế giới…
Sẵn sàng để Xuất bản Việt Nam sẵn sàng bước vào nền kinh tế số
Để phát huy kết quả, khắc phục hạn chế của ngành xuất bản năm 2019, chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu ngày càng phải nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm.
Để làm được điều này, Thứ trưởng nhấn mạnh những vấn đề cần tập trung như sau: "Tập trung mọi nỗ lực khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19 đem đến. Cần biến thách thức thành thời cơ, biến khó khăn thành cơ hội, tăng cường đổi mới phương thức kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để xuất bản có thể thuận lợi bước vào nền kinh tế số. Mỗi BTV, người làm sách phải là những người làm công tác truyền thông để tích cực quảng bá sản phẩm sách, đưa đến bạn đọc".
Tập trung xuất bản sách phục vụ nhiệm vụ chính trị - năm 2020 là năm tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng, hoạt động xuất bản phải bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm này. Các NXB phải tự ý thức được vai trò trách nhiệm của mình đối với việc truyền tải tri thức tới người đọc để từ đó hoạt động đúng quy định và xuất bản được nhiều xuất bản phẩm có giá trị cao, chất lượng tốt.
Đặc biệt, quan tâm tới xây dựng cơ chế, chính sách cho hoạt động phát hành, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển và hội nhập.
Nâng cao năng lực hoạt động của các NXB, các công ty sách cần chú trọng chuyển đổi mô hình phương thức sản xuất kinh doanh đa dạng hóa sản phẩm. Thị trường sách điện tử phát triển chưa đúng với tiềm năng và thiếu bền vững, các công ty sách cần đẩy mạnh phát triển xuất bản điện tử và phát hành sách điện tử. Đã đến lúc các đơn vị ngành cần chung tay xây dựng phát triển chung phần mềm hỗ trợ quy trình quản lý và biên tập xuất bản để nếu dịch bệnh kéo dài thì hoạt động xuất bản vẫn tiếp tục duy trì hiệu quả trong điều kiện nguồn lực đầu tư riêng lẻ của mỗi đơn vị còn thấp,…
Muốn có sách hay thì phải có BTV giỏi
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng sách xuất bản ngày càng phong phú đa dạng nên việc quan tâm đào tạo con người, tuyên truyền công tác tư tưởng, đào tạo cán bộ, bồi dưỡng hết sức quan trọng.
Ông Hùng cũng chia sẻ thực tế hiện nay, BTV gạo cội càng ngày càng ít đi, có nghĩa là thời gian tới chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa tới việc bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, các NXB tự chủ động tìm tòi tác giả hay, biên tập viên giỏi để biên tập và trao đổi qua lại với tác giả, từ đó mới có thể cho ra mắt cuốn sách hay được.
"Công nghiệp xuất bản và thị trường xuất bản của Việt Nam vẫn còn manh mún. Nếu đi tham dự hội chợ sách, thị trường sách và công nghệ làm sách của nước ngoài, thì thấy rằng họ vượt xa chúng ta rất nhiều. Cho nên, hình thức làm sách của chúng ta phải gắn liền với nhu cầu thực tế mới đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc, nhất là sách điện tử trong điều kiện hiện nay", ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.