Nội dung là yếu tố quan trọng nhất của nền Báo chí- Xuất bản thời đại 4.0
Truyền thông - Ngày đăng : 15:32, 23/04/2020
Nền Báo chí xuất bản Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Ông Đỗ Quý Doãn cho rằng trong những năm qua, nước ta đã phát huy vai trò phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, hội nhà báo và các cơ sở đào tạo trong nước để trang bị những kiến thức, kỹ năng làm báo hiện đại giúp đội ngũ báo chí được nâng cao trình độ.
Thành tựu của báo chí trong một năm vừa qua đã xây dựng nền báo chí đông cả về lượng người, phong phú về số lượng các đầu báo, kể cả chất lượng đều có những bước tiến.
Còn đối với lĩnh vực xuất bản, theo ông Doãn, khi chúng ta xây dựng nghị quyết Trung ương V về việc làm sao sau 1 thời gian, 5 năm đến 10 năm số lượng sách bình quân mỗi người dân được hưởng thụ đạt 3,5 cuốn trên mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta phấn đấu mãi mà chưa đạt được điều đó, đến lúc đạt được và cao hơn chút, thậm chí lên 4 đầu sách trên người mỗi năm thì tỷ lệ sách giáo khoa, sách tham khảo của giáo dục lại chiếm tỷ lệ lớn. Điều này đặt ra cho nhà xuất bản nhiều vấn đề, đó là mở rộng đề tài, nội dung, tăng số lượng bản in, số lượng xuất bản phải phổ cập.
Nền báo chí, xuất bản đã đáp ứng với những yêu cầu của thời đại đặt ra, đó là nhu cầu và mong muốn của độc giả. Và đặc biệt là thay đổi phương thức trong văn hóa đọc. Có người nói rằng văn hóa đọc đang giảm đi, tuy nhiên phương thức đọc như là truyền thống thì có thể giảm nhưng văn hóa đọc thì phát triển.
Trước đây người ta có thể đi mua sách về nằm đọc, nghiền ngẫm các thứ, nhưng bây giờ chúng ta có nhiều lựa chọn khác, như đọc online hay mua trực tuyến. Như vậy, rõ ràng xu hướng và phương thức trong xuất bản thay đổi, đặc biệt trong những năm vừa qua sự ra đời của báo chí trực tuyến, xuất bản trực tuyến, hai lĩnh vực này rất phát triển. Hoạt động báo chí trong thời đại công nghệ phát triển sẽ lựa chọn cho mình một phương thức phát triển phù hợp, có tiền đề và hướng lĩnh vực xuất bản để lĩnh vực này được tốt hơn.
Trao đổi về vấn đề công nghệ 4.0 ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, Ông Doãn cho rằng khi phương thức thay đổi, sự ra đời của báo chí trực tuyến, xuất bản trực tuyến, thì ở nước ta cũng phải thay đổi, trước hết về mặt nhận thức, muốn thế phải có hành lang pháp lý. Các cơ quan quản lý bắt đầu tập trung xây dựng hệ thống văn bản bảo đảm cho hoạt động báo chí xuất bản báo chí phù hợp với xu thế mới. Luật Báo chí năm 2006 đã thay đổi, điều chỉnh và bổ sung đến năm 2016, báo chí điện tử đã bắt đầu đưa ra những chế tài phù hợp và ngày càng hoàn thiện hơn. Phương thức này phát triển thì phải có hành lang pháp lý, và chính sách phù hợp.
Đổi mới nội dung là vấn đề quan trọng nhất của sự phát triển nền Báo chí, Xuất bản
Tiến sĩ Hồ Bất Khuất, người tham gia buổi tọa đàm thì cho rằng đối với nền Báo chí và Xuất bản thì điều quan trọng nhất vẫn là nội dung. Với báo chí, đáp ứng tiêu chí nhanh, trung thực còn xuất bản là chú trọng tri thức và sự nhân văn. Nhìn chung chúng ta chưa đạt được cốt lõi của vấn đề trên vì còn trở ngại trong sự chậm trễ về nhận thức.
Hoạt động phát hành trong báo chí và xuất bản hiện tại không cạnh tranh được với mạng xã hội. Đấy là chưa kể những lúng túng trong việc phát hành sách điện tử. Sách của chúng ta xuất bản tương đối nhiều nhưng mỗi cuốn sách in trên dưới 1000 bản thật ra chưa phổ biến được đến với nhiều người.
Trao đổi về vấn đề này Ông Đỗ Quý Doãn cho rằng: Đúng là báo chí hay xuất bản muốn có công chúng phải có nội dung hấp dẫn. Vì nếu không hấp dẫn thì không có công chúng mà không có công chúng thì coi như ngành này sụp đổ. Tuy nhiên báo chí có những đặc điểm khác so với xuất bản. Ông lấy ví dụ, đối với một vấn đề nào đó của xã hội, ngay đội ngũ biên tập viên và tổng biên tập có thể quyết định được nên xuất bản ngay. Còn đối với xuất bản, thì vấn đề quyết định này khó khăn hơn, vì trách nhiệm với độ chín của tri thức…
Trên thực tế, chúng ta đã định hướng phát triển song song với quản lý, từ việc phát triển được đến đâu thì quản lý đến đấy, nhưng đã thay đổi tư duy quản lý phải theo kịp sự phát triển.
Vai trò của bạn đọc, mạng xã hội đối với nền báo chí xuất bản
Đối với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, ông Đỗ Quý Doãn cho rằng mỗi người đọc, nhà quản lý phải có cơ chế miễn dịch với những thông tin xấu độc và tận dụng được những lợi ích, lợi thế từ môi trường này, và điều hướng nó, xem như nó là công cụ tốt để phát triển xã hội. Sự tương tác và phản biện chính là điều kiện để phát triển. Bởi vì tăng cường tương tác bao nhiêu thì phát triển được bấy nhiêu. Vì thế mạng xã hội và báo chí, xuất bản sẽ hợp tác với nhau chứ không phải cạnh tranh và hai lĩnh vực này sẽ hỗ trợ nhau để tìm ra phương thức của sự phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững lại cho rằng: Nhìn chung báo chí, xuất bản của Việt Nam hiện nay đối diện với mấy vấn đề: Thứ nhất là môi trường truyền thông đã sản sinh ra điều gì, chúng ta đã tận dụng được chưa. Với môi trường truyền thông số, với nền tảng kỹ thuật công nghệ số đã tạo ra những khả năng "siêu kết nối", nhưng chúng ta lại dè chừng với điều này và phần nào nhường chỗ cho mạng xã hội. Thứ hai là sự siêu tương tác. Và hệ siêu dữ liệu. Điều này sản sinh ra chính phủ điện tử, báo chí thông minh và xuất bản thông minh. Tạo ra hệ sinh thái truyền thông online. Những nền báo chí và xuất bản Việt Nam đã tận dụng được chưa hay còn e ngại? còn chưa bắt kịp với nhịp độ phát triển của nó?
Theo ông Dững, vấn đề đề tài, sản phẩm truyền thông phải là dư luận xã hội, vậy làm thế nào để tạo dư luận xã hội? điều này chúng ta ít làm được. Chính vì vậy chúng ta phải có sự đổi mới thực chất hơn, cụ thể là về xuất bản: Chúng ta phải đổi mới nội dung sách và phương thức phát hành sách.
Nội dung của báo chí và xuất bản cũng phải phù hợp với từng đối tượng độc giả và nhu cầu của thị trường, đây là yếu tố để phát triển. Bởi hiển nhiên mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ có những tiêu chí khác nhau về yêu cầu những cuốn sách mà họ cho là phù hợp và hay đối với họ. Việc của những người làm báo, làm xuất bản là phải đáp ứng được những nhu cầu đó đồng thời giám sát và phản biện xã hội giúp cho Đảng và Nhà nước có những định hướng chính sách tốt.
Ngoài ra, để có nền báo chí và xuất bản phát triển lành mạnh, cần có những người đọc văn minh, cần định hướng cho họ có những lựa chọn, thái độ đúng đắn trước thông tin của mạng xã hội và tri thức của sách. Vì trên thực tế, việc lướt web, đọc báo và việc đọc sách sẽ cho ra những hệ quả khác nhau, chỉ có đọc sách thì mới có nền tảng tri thức hệ thống và năng lực cạnh tranh. Cách tốt nhất là định hướng và trang bị cho người đọc những kiến thức nền để họ có thể lựa chọn đúng những loại hình này.