Dòng nhật ký 50 năm trước và chuyện ông chồng điển trai si tình: Dù chiến tranh ác liệt nhưng trái tim này vẫn chất chứa nỗi nhớ dành cho em!
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 14:39, 23/04/2020
Tình yêu ở thời kỳ nào cũng thật đẹp. Con người ta vì yêu đương mà có thể trở nên lãng mạn, ngọt ngào. Những ngôn từ viết ra cũng thật đẹp biết bao. Đôi khi, lật giở lại lá thư, nhật ký tình yêu của cha mẹ, ông bà, nhiều người phải bồi hồi vì tình cảm dạt dào đến lạ.
Những dòng nhật ký của "anh bộ đội"
"Tháng 2/1970, tôi về đính hôn với Huyên. Rất bất ngờ nhưng lại có nhiều kỷ niệm riêng. Và không biết vì sao mà quyến luyến đến thế. 2/4/1970, tôi về phép chính thức và sau đó đưa Huyên ra chơi Hà Nội. Tôi cũng ân hận, chỉ được 4 ngày thì phải về đơn vị 'đơn vị chưa có chiêu đãi sở'. Huyên về quê một mình, tất nhiên là không được vui lắm".
Đây là một đoạn viết về vợ trong quyển nhật ký của một người ông. Cô cháu gái tìm thấy và chia sẻ trên mạng xã hội. Ông của cô đã dành nhiều trang để nói về những tháng ngày chiến đấu của mình. Đi kèm với đó là hàng loạt những dòng gửi về cho cô vợ yêu thương nơi quê nhà Nghệ An.
Cô cháu gái đó là Hồ Như Thảo, 18 tuổi. Ông Thảo tên Nguyễn Hồng Ngữ, bà Nguyễn Thị Huyên. Ông ngoại cô mất cách đây 3 năm. Những dòng nhật ký thân thương ấy còn chứa đựng câu chuyện tình cảm động của hai ông bà. Trước đó, ông ngoại Thảo có một tuổi trẻ lẫy lừng và giỏi giang.
"Ông học tập ở trường sĩ quan pháo binh. Ông là một trong 62 học sinh được xuất dương du học.
Tuy nhiên, ông ở lại làm trợ giáo vì chưa học xong tiếng Liên Xô. Đến năm ông 28 tuổi, nhà nước tổ chức thi cho học sinh vào các trường đại học trên cả nước. Ông được chọn vào học ngành vô tuyến điện tử ở trường đại học Bách Khoa Hà Nội, là một sinh viên biệt phái của quân đội.
Vừa học vừa chiến đấu, ông học xong 4 năm học trong 3 năm. Ông làm sỹ quan điều khiển, kỹ sư tiểu đoàn tên lửa, trợ lý sư đoàn tên lửa rồi lại chuyển qua cục tham mưu. Có lẽ, cũng chính vì sự giỏi giang ấy mà ông có được trái tim của bà", Như Thảo chia sẻ.
Đó là những năm 1969-1970, chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Ông Thảo trong một lần về quê đã được giới thiệu để làm quen bà. Hồi ấy, cả hai đều thuộc nhóm "có tuổi" ở quê.
Thảo kể: "Năm ấy, ông 35 tuổi, được nghỉ phép về quê ăn Tết dài ngày. Bà 29, có một cửa hàng nho nhỏ. Người chú của ông giới thiệu bà cho ông. Từ đó hai người quen nhau. Ông nói chuyện với bà thấy duyên quá nên có cảm tình.
Ngày nào ông cũng mượn thuyền chèo qua sông để được tâm sự với bà, mua kẹo của bà để tặng bà luôn. Chập tối, bà đóng cửa hàng, đi bộ đường vòng qua nhà ông, nấu ăn rồi đi bộ về. Đêm khuya, lúc nào bà nhớ ông là lại đi bộ cả đường dài để qua gặp ông xong lại đi bộ về. Bà bảo lúc đó chả biết mệt là gì, bà cũng chả sợ ma, tình yêu đánh bay nỗi sợ rồi".
Trước khi biết đến bà của Thảo, ông cô đã có một người vợ. Bà vợ đầu được ông bà cố giới thiệu đã chẳng may mất sớm khi chiến tranh diễn ra ác liệt, để lại 3 người con. Bà ngoại Thảo cũng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Bà từng nghĩ "ở vậy" cả đời nhưng khi gặp ông, mọi chuyện thay đổi.
"Ông bà thương nhau nhiều lắm. Sau này khi ông đã ra đi, lần nào nhắc đến tên, bà cũng khóc. Bà bảo rằng: 'Cả cuộc đời bà điều may mắn nhất là gặp được ông. Làm sao kể hết tình thương ấy được", Thảo tâm sự.
Những năm tháng ác liệt và dòng nhật ký viết vội cho nhau
Cưới nhau về, ông Thảo đi chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Một mình bà ở nhà chăm lo gia đình, chăm sóc con cái.
Thảo kể: "Ông đi chiến đấu, bà vất vả lắm. Bà làm đủ thứ việc như gánh củi, mót sắn, mò ốc, gánh muối… để nuôi con. Ngày ấy nghèo khó, bà lo toan hết việc nhà để ông yên tâm làm nhiệm vụ. Ông thấu hiểu nỗi khó nhọc đó nhưng chỉ viết thư về được để hỏi thăm, động viên bà thôi. Lấy ông, người đang có 3 đứa con nhỏ, bà biết sẽ vất vả, khổ cực nhưng vì tình yêu, bà chẳng sợ gì".
Những ngày đi chiến đấu, ông cũng nhớ lại kỷ niệm khi được về nhà, cùng vợ làm việc, sản xuất. Cứ mỗi lần như vậy, ông lại ghi vào nhật ký.
"Nghĩ lại ngày đó, có rất nhiều ngày cứ sáng sớm ăn cơm rồi chồng đèo vợ bằng xe đạp hơn 10km đi Kim. Bữa trưa chỉ có mấy củ khoai bới cuốc nương như ngón tay, trong và xơ. vậy mà vẫn thấy ngon với bình nước lạ bể cạn. Sao mà gian khổ đến thế nhưng cuộc đời vẫn đẹp sao, hạnh phúc vẫn đẹp sao".
Sau khi miền Nam giải phóng, ông ngoại Thảo vẫn phải ở lại Sài Gòn một thời gian rồi mới trở về quê được. Sau những ngày ở nhà, ông càng thêm hạnh phúc hơn khi biết vợ mình đã mang thai. Mọi việc cũng được thể hiện trong dòng nhật ký viết vội.
"Suốt mấy tháng (5/1976-2/1976) tôi sống trong sân bay Tân Sơn Nhất. Sài Gòn rất tốt, trong cái Tết đón Xuân hòa bình đầu tiên xa nhà, nhớ nhà. Mùng 4 Tết vội vàng ba lô hành lý về phép, về thăm quê hương trọn 2 tháng. Ngày mai, tôi sẽ tiếp tục xa quê vào đơn vị, Sài Gòn – Tân Sơn Nhất. Tôi sẽ cố gắng đạt nguyện vọng của mình sắp tới và cả tương lai sau này vì Huyên đã có thai 2 tháng".
Họ đã cùng nhau trải qua những tháng ngày khó khăn nhất rồi sát cánh trong thời gian hạnh phúc. Vì 5 người con, ông bà đã phải làm việc cật lực để nuôi dưỡng. Các con đều trưởng thành, có công việc ổn định, con cháu đông đúc, luôn yêu thương, tôn trọng ông bà.
"Sau này về già ông bà vẫn rất tình cảm, thảnh thơi bên nhau. Chiều chiều, cả hai người cùng ngồi xem tivi, rảnh rỗi lại kể chuyện ngày xưa thế nào. Ông bà yêu thương và chăm sóc cho nhau lắm, cuộc sống của họ hòa thuận và hạnh phúc vô cùng. Khi ông ốm bà chăm từng chút một, bà gãy chân ông lại làm hết việc nhà", Thảo kể.
Đi kèm cùng nhật ký là những lá thư ông gửi bà khi còn chiến đấu xa nhà. Thế nhưng lúc ông ra đi, ông muốn được đốt chúng theo cùng, muốn được mang theo kỷ niệm về tình cảm hàng chục năm trước.
"Ông đi bà buồn lắm, cứ nhắc đến là bà lại khóc thôi. Nghĩ cũng đúng, tình cảm vợ chồng gắn bó cả nửa thế kỷ, vậy mà phải xa nhau rồi", Thảo tâm sự.
Đôi khi, lớp trẻ không hiểu được tình yêu của người đi trước. Chỉ khi đọc lại những lá thư, dòng nhật ký họ mới thấy bồi hồi, cảm động về những năm tháng tuổi trẻ của người làm cha mẹ, ông bà. Tình yêu thời nào cũng đẹp cả nhưng tình yêu thời chiến vừa đẹp, vừa vĩ đại lại cảm động biết bao.