Đầu năm 2020, Hà Nội chỉ còn 0,2% tỷ lệ hộ nghèo
Truyền thông - Ngày đăng : 10:41, 23/04/2020
Thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 03/4/2016 về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều của TP. Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp tình hình thực tế của TP.
Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020 công tác giảm nghèo trên địa bàn TP. Hà Nội đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể và doanh nghiệp... Nhờ đó, điều kiện sống của người dân thuộc hộ nghèo đã được cải thiện rõ rệt, kế hoạch giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cuối năm 2017, TP không còn hộ nghèo diện chính sách người có công; không còn xã, thôn thuộc diện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hoàn thành trước 01 năm mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của TP còn dưới 1,2%, nếu trừ hộ nghèo chính sách Bảo trợ Xã hội còn 0,6%, hoàn thành trước 02 năm mục tiêu giảm nghèo của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
Tính đến đầu năm 2020, theo chuẩn Trung ương, TP. Hà Nội còn 4.112 hộ nghèo, chiếm 0,2% và có 3.939 hộ cận nghèo, chiếm 0,19% tổng số hộ dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Trung ương giảm từ 2,97% đầu giai đoạn xuống còn 0,2%.
Theo chuẩn của Thành phố, TP. Hà Nội còn 8.692 hộ nghèo, chiếm 0,42% và có 41.937 hộ cận nghèo, chiếm 2,01% tổng số hộ dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn TP giảm từ 3,64% xuống còn 0,42% (giảm 52.212 hộ).
Theo UBND TP. Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã quan tâm chỉ đạo tập trung huy động các nguồn lực tài chính, nhất là nguồn lực tại chỗ của địa phương để tạo lập nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội hướng dẫn thủ tục cho các hộ nghèo vay vốn. (Ảnh: Minh Anh)
Tính đến ngày 31/3/2020, tổng nguồn vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) TP. Hà Nội là 8.766 tỷ đồng, tăng 3.579 tỷ đồng (69%) so với năm 2015. UBND - Ban đại diện HĐQT NHCSXH Thành phố đã chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH Thành phố giải ngân 13.588 tỷ đồng cho gần 434.000 lượt khách hàng vay vốn thông qua 17 chương trình tín dụng chính sách. Doanh số thu nợ trong giai đoạn này là 10.028 tỷ đồng.
Tổng dư nợ tín dụng đến ngày 31/3/2020 là 8.723 tỷ đồng với trên 289.000 khách hàng đang vay vốn, tăng 3.588 tỷ đồng (69%) so với năm 2015. Trong đó, một số chương trình tín dụng đã có ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trên địa bàn.
Một số chương trình tín dụng ưu đãi đã và đang "tiếp sức" cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. (Ảnh: Bạch Thanh)
Trong đó, Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện cho vay 4.069 hộ với tổng doanh số cho vay đạt 102 tỷ đồng; dư nợ đến ngày 31/3/2020 đạt 122 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,4% trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng với trên 7.000 hộ đang vay vốn, dư nợ bình quân đạt 17 triệu đồng/hộ, trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg là 101 tỷ đồng và dư nợ cho vay theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg là 21 tỷ đồng.
Theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn của thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho gần 147.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 52.000 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 184.000 lao động.
Gần 9.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính.
Nguồn vốn này hỗ trợ xây dựng cải tạo gần 217.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn và xây dựng trên 4.000 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tại khu vực nông nghiệp nông thôn, khôi phục các làng nghề, phố nghề truyền thống, khuyến khích phát triển các khu sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật và các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của mỗi địa phương.