Dịch Covid -19 có thể làm gia tăng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo
Truyền thông - Ngày đăng : 10:34, 23/04/2020
Người nghèo trên thế giới bị đe dọa bởi dịch bệnh
Một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy đại dịch Covid-19 đang cướp đi số giờ làm việc và nguồn thu nhập trên toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống vốn đã bấp bênh của người nghèo.
Cụ thể khủng hoảng mang tên COVID-19 dự kiến sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong Quý II năm 2020 – tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian. ILO cũng cho rằng, có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu, tức 3,3 tỷ người hiện đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho biết con số này có thể chưa dừng lại, nếu dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn.
Báo cáo nhanh số 2 của ILO và thế giới miêu tả đại dịch Covid-19 là "cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II". 1,25 tỷ lao động đang làm việc trong các ngành được xác định là có nguy cơ cao sẽ gia tăng "một cách chóng mặt và nghiêm trọng" tỷ lệ sa thải cũng như giảm lương và số giờ làm việc.
Ông Guy Ryder - Tổng Giám đốc ILO cho rằng, dịch bệnh đang đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống của người nghèo và lao động yếu thế. Đa phần họ làm công việc yêu cầu kỹ năng thấp và lao động giản đơn. Thường thì lao động này nhận mức lương ít ỏi, việc mất đi đột ngột một khoản thu nhập sẽ khiến cuộc sống của họ rơi vào tình cảnh tồi tệ.
Ông Guy Ryder cũng nhấn mạnh: "2 tỷ người lao động trong khu vực phi chính thức trên toàn thế giới (chủ yếu ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển) là nhóm có nguy cơ cao bị tác động tiêu cực mạnh nhất".
Người nghèo ở Việt Nam chịu chung tác động
Thống kê của các địa phương gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy cả nước hiện có 1,3 triệu hộ nghèo và 1,23 triệu hộ cận nghèo với tổng số gần 10 triệu người.
Cộng đồng người nghèo, cận nghèo ở đô thị sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ dịch bệnh Covid -19 (lao động bán hàng rong ở đô thị). (Ảnh: Minh Anh)
Ông Hoàng Xuân Thành - Chuyên gia Giảm nghèo cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh người nghèo càng bị tác động dữ dội. Họ không có tích lũy nên khi bị tác động thì càng khó khăn. Mặc dù, Chính phủ đã có Nghị quyết số 42 ban hành gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho các nhóm lao động chịu ảnh hưởng dịch bệnh, trong đó có người nghèo nhưng số tiền đó chỉ bù đắp để giúp họ có thể duy trì cuộc sống tối thiểu.
"Giả sử một hộ nghèo có 4 khẩu, 2 người là lao động chính, lâu nay để mưu sinh họ có thể làm việc tự do. Công việc có thể mang lại thu nhập thấp nhưng ít nhất 2 lao động một tháng cũng kiếm được từ 2 - 4 triệu đồng ở quê và từ 6 - 8 triệu đồng/tháng ở thành phố. Với từng ấy tiền, họ có thể chắt chiu nuôi sống 4 người trong một gia đình nhưng giờ mất công việc, không có thu nhập. Nếu nhận hỗ trợ thì cả 4 người trong một gia đình cũng chỉ nhận được 1 triệu đồng (mỗi người 250 nghìn đồng/người/tháng, hỗ trợ 3 tháng)" - ông Thành phân tích.
Rõ ràng, cần phải có những chính sách mạnh hơn nữa dành cho cộng đồng nghèo. Vì bản thân họ đa phần đều là người không có công cụ sản xuất, bị mất việc làm và tác động nhiều nhất.
Nhiều chuyên gia giảm nghèo cho rằng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đô thị có thể tăng cao do dịch bệnh - (Ảnh lao động tự do bán bún tại làng bún Phú Đô, Hà Nội). (Ảnh: Minh Anh)
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thì cho rằng, điều đáng lo ngại nhất lúc này chính là việc gia tăng tỷ lệ người nghèo do dịch bệnh. Một số hộ vừa thoát nghèo thì nay có nguy cơ tái nghèo do bị thất nghiệp, mất việc làm. Đặc biệt là các hộ cận nghèo ở khu vực đô thị, lao động tự do, lao động di cư, nhóm này có khả năng bị tác động nhiều nhất.
"So với khu vực nông thôn, người nghèo ở đô thị là nhóm khó khăn nhất do giá cả sinh hoạt leo thang, họ lại không có công việc thu nhập ổn định. Chính bởi vậy, họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì cuộc sống tối thiểu" - ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong năm nay có thể sẽ gia tăng trong cả nước nếu như dịch bệnh, hạn hán xâm nhập mặn ở miền Nam không sớm bị đẩy lùi.
"Dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu là những yếu tố thách thức hoạt động giảm nghèo bền vững. Nhiều năm liền tốc độ giảm nghèo của Việt Nam luôn ở mức từ 1 - 1,5%, tuy nhiên theo tôi dự báo tốc độ giảm nghèo này có thể khó đạt được trong năm 2020".
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động (Bộ LĐTBXH)