ATM gạo của Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM "khai trương" vào ngày cách ly xã hội cuối cùng, người nghèo vui mừng đến nhận
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 20:16, 22/04/2020
Chiều 22/4, "ATM gạo" miễn phí chia sẻ yêu thương đầu tiên của Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM đã "khai trương" tại Nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Đây là hoạt động nhằm kịp thời chăm lo, chia sẻ, động viên tinh thần với người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra trên địa bàn Thành phố.
Chương trình cũng mong muốn góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Những ngày qua kể từ khi cây "ATM" gạo đầu tiên tại quận Tân Phú (TP.HCM) ra đời đã tạo được hiệu ứng tốt trong cộng đồng, khiến nhiều tỉnh thành khác như Bình Thuận, Đắk Lắk, Hà Nội... cũng phát huy mô hình này để hỗ trợ cho người nghèo.
Dù đến 15h chiều chương trình mới bắt đầu nhưng từ trước đó khoảng 1 giờ đồng hồ, nhiều người lao động đã đến xếp hàng trật tự để chờ đợi nhận gạo nghĩa tình.
Máy ATM gạo được lắp đặt tại quận Phú Nhuận được đưa vào hoạt động với phương châm quen thuộc: "Nếu bạn khó khăn hãy đến lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác".
Sau buổi khai trương, mỗi ngày ban tổ chức sẽ chia làm 2 mốc thời gian phát gạo là buổi sáng (9h-11h) và buổi chiều (13h-17h). Lượng gạo nhận mỗi lần là 3kg.
Ban tổ chức cũng huy động cán bộ đoàn viên địa phương để tiến hành hướng dẫn bà con lấy gạo theo trình tự.
Người dân khi đến nhận gạo sẽ xếp hàng và đứng cách nhau khoảng cách tối thiểu 2 mét được đánh dấu sẵn. Sau đó bước đến vạch hướng dẫn, rửa tay và lấy túi đựng gạo với quy định mỗi người 1 túi.
Cách lấy gạo rất đơn giản khi người dân chỉ cần đạp chân vào bàn đạp bên dưới, gạo sẽ tự động chảy từ vòi để hứng bằng bao ni lông.
Là một trong những người nhận gạo đầu tiên, chú Lê Văn Hai (61 tuổi, ngụ phường 6, quận Phú Nhuận) cho biết mình làm nghề xe ôm nên khi dịch bệnh xảy ra bị ảnh hưởng rất nhiều, người dân ngại ra đường nên ế khách, nhà cũng dần hết gạo.
"Có chiếc ATM gạo này cuộc sống người khó khăn như tôi đỡ hơn nhiều lắm" - chú nói.
Tương tự, bà Bảy (85 tuổi, ngụ phường 15, quận Phú Nhuận, tên đã thay đổi) cho biết dù đã cao tuổi nhưng hằng ngày vẫn phải đi nhặt ve chai kiếm sống.
Tuy nhiên khi bệnh Covid-19 bùng phát, số tiền kiếm được mỗi ngày của bà cũng ít hơn.
"Các cán bộ đoàn tại phường đến tận nhà thông báo cho tôi về cây ATM gạo này. Cán bộ rất nhiệt tình chỉ dẫn và làm việc rõ ràng đâu ra đó. Người dân chúng tôi rất hài lòng. Tôi mong sẽ có nhiều cây ATM như vầy hơn nữa cho những nơi khác" - bà cụ nói và bỏ bịch gào vào giỏ xe đạp chạy đi.
Bác sĩ Phan Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Quận 2, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM chia sẻ, dự kiến mỗi ngày cây ATM gạo sẽ phục vụ cho khoảng 500 lượt người dân. Hiện, cây ATM này đã có sẵn 15 tấn gạo do các mạnh thường quân đóng góp.
"Đây là một trong những hoạt động mà Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM thực hiện sau chuỗi các hoạt động như khám, sàng lọc cho người có nguy cơ nhiễm Covid-19 tại các khu cách ly, nhà ga, sân bay hay các "siêu thị 0 đồng" tại những khu cách ly.
Sắp tới, sẽ có thêm 8 cây ATM gạo di động khác được tiến hành ở quận 2, quận Bình Thạnh, quận Hóc Môn... ở những nơi nào có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình này không mang tính chất thời vụ mà kéo dài hằng năm để sau khi dịch bệnh kết thúc, người có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể đến những nơi đã lắp đặt để lấy gạo.
Ngoài ra, các mạnh thường quân còn hỗ trợ thêm những phần quà gồm đường, sữa, nước tương, nước mắm, những nhu yếu phẩm cần thiết để đảm bảo sinh hoạt cho người dân" - bác sĩ Hoàng thông tin.