Phú Yên: Chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn
Truyền thông - Ngày đăng : 16:57, 22/04/2020
UBND tỉnh Phú Yên vừa có thông báo gửi Văn phòng Chính phủ; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc từ ngày 15/4/2020, UBND tỉnh Phú Yên phát hành văn bản điện tử có ký số trên Trục liên thông văn bản quốc gia và Trục liên thông văn bản của tỉnh đến các cơ quan hành chính Nhà nước thay thế hoàn toàn văn bản giấy theo danh mục kèm theo (trừ văn bản mật).
Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên cũng đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc việc gửi, nhận văn bản điện tử có chữ ký số Trên trục liên thông văn bản của tỉnh; gương mẫu xử lý hồ sơ công việc, sử dụng chữ ký số cá nhân phê duyệt hồ sơ, văn bản điện tử trên môi trường mạng (trừ hồ sơ, văn bản mật) để đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu theo Kế hoạch hành động số 141/KH-UBND ngày 16/7/2019 của UBND tỉnh đã đề ra.
Ứng dụng CNTT giải quyết thủ tục hành chính, góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử. (Ảnh: Phạm Thùy/baophuyen)
Năm 2019, tình hình triển khai CQĐT của tỉnh có nhiều đổi mới, phát triển. Có 143 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẵn sàng cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến ở các mức độ. Số hồ sơ tiếp nhận trên Cổng DVC trực tuyến trong năm là 192.577 hồ sơ; đã giải quyết đúng hạn 167.884 hồ sơ đạt tỷ lệ 91,85%. Cấp mới 782 chứng thư số (cấp tỉnh 362, cấp huyện 230, cấp xã 190), lũy kế đến 31/12/2019, toàn tỉnh cấp 2.027 chứng thư số USB e-Token.
Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành và địa phương đã triển khai sử dụng hiệu quả chữ ký số chuyên dùng ký số văn bản điện tử và phát hành đảm bảo tính pháp lý, an toàn thông tin khi gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành kết nối Trục liên thông văn bản của tỉnh.
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo thực thi xây dựng CQĐT; cơ chế khen thưởng kịp thời, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp không tích cực, phối hợp triển khai và sử dụng ứng dụng CNTT, tăng cường vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC). Đồng thời, xây dựng Kiến trúc CQĐT 2.0; Đề án chuyển đổi số và thực hiện số hóa dữ liệu chuyên ngành; xây dựng hệ thống tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu.
Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống dùng chung của tỉnh theo quy định hiện hành. Triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh: phản ánh hiện trường, giao thông thông minh,…
Bên cạnh đó, công tác CCHC Nhà nước được tỉnh Phú Yên tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, tiến độ, hiệu quả các nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch CCHC Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch CCHC năm 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức trong thực thi công vụ.