Cơn ác mộng đối với ngành dầu mỏ: Một loạt giếng khoan ngừng hoạt động, tàu chở dầu lênh đênh trên biển chờ người mua trong vô vọng
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 16:49, 22/04/2020
Hiện tại, nhân viên tại nhà máy lọc dầu Marathon Petroleumở Gallup (New Mexico) đang tắt các van đang hoạt động. Các công ty dầu khí ở miền tây Texas thì đang sa thải các nhân viên hợp đồng thay vì khoan giếng mới. Và ở Montana, các nhà sản xuất phải đóng cửa giếng khai thác và cắt giảm lương, tiền trợ cấp cho nhân viên.
Chỉ vài tháng trước, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ là trở thành "người chiến thắng" trong nỗ lực giành sự độc lập trong lĩnh vực năng lượng, đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới sau nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, sự lạc quan đó đã bị thế chỗ bởi sự tuyệt vọng, khi Covid-19 bùng phát. Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế, khiến nhu cầu sử dụng xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay sụt giảm mạnh khi một loạt phương tiện và máy bay đều "đắp chiếu".
"Tôi đang sống trong cơn ác mộng"
Ngành công nghiệp dầu mỏ đã trải qua nhiều giai đoạn bùng nổ và suy thoái, nhưng chưa bao giờ giá dầu lại rớt thảm hại như trong tuần này. Hôm 20/4, giá dầu WTI hợp đồng tương lai tháng 5 đã rơi xuống mức âm, có nghĩa là một số bên bán phải trả tiền cho người mua. Mức giá đó đã hồi phục ở phiên 21/4, nhưng gần như vẫn không đạt đến mức các công ty dầu mỏ có thể thu lời. Đồng thời, giá dầu WTI giao tháng 6 cũng giảm khoảng một nữa, chỉ hơn 10 USD/thùng.
Ben Sheppard– chủ tịch của Hiệp hội Dầu khí khu vực Permian Basin, đại diện cho các công ty ở khu vực Texas và New Mexico, cho biết: "Tôi đang sống trong một cơn ác mộng."
Ở Midland (Texas), trung tâm của sự phát triển bùng nổ dầu đá phiến trong thập kỷ qua, các bãi đậu xe ở những công ty như Chevron, Diamondbackvà Apache đều trống trơn, dù trước đây có rất nhiều xe tải bơm dầu. Các giám đốc điều hành phải làm việc ở nhà và vội vàng thảo luận với đồng nghiệp, thành viên hội đồng quản trị để đưa ra quyết định nhanh chóng nhằm ngừng sản xuất, sa thải nhân viên. Những "đại gia" trong ngành như Exxon Mobil đã cắt giảm gần 1/3 ngân sách sản xuất và hoạt động thăm dò năm 2020 – nhưng đó là động thái đưa ra trước khi giá dầu rơi tự do vào đầu tuần này.
Nhiều công ty nhỏ hơn dự kiến sẽ đệ đơn bảo hộ phá sản trong vài tháng tới, sau khi đi vay hàng tỷ USD trong vài năm qua để khai thác và di chuyển các thùng dầu. Theo Moody’s Investors Service, các công ty sản xuất thì ôm khoản nợ 86 tỷ USD đáo hạn từ năm 2020 đến 2024, trong khi các công ty đường ống chi thêm 123 tỷ USD để trả nợ hoặc tái cấp vốn trong cùng kỳ.
Chưa dừng ở đó, sự biến động của thị trường dầu mỏ cũng ảnh hưởng đến cả những ngành khác. Ở 1 hoặc 2 thập kỷ trước, mức giá dầu thấp sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ nhờ chi phí năng lượng giảm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ đã rất lớn mạnh và đóng vai trò quan trọng, khi sử dụng trực tiếp và gián tiếp 10 triệu lao động. Do đó, các vấn đề mà ngành này gặp phải sẽ giáng một đòn mạnh với nhiều loại doanh nghiệp, bao gồm các nhà sản xuất thiết bị cho họ, các công ty thép sản xuất đường ống và miệng giếng và các quỹ phòng hộ cho họ vay tiền.
Hiện tại, ngành dầu mỏ đang sản xuất nhiều hơn so với nhu cầu của thế giới, 30 triệu thùng/ngày thực sự là con số quá lớn. Ngay cả khi chính phủ liên bang bắt đầu mua dầu để dự trữ, thì việc này chỉ có thể khiến số lượng giảm đi nửa triệu thùng/ngày hoặc ít hơn 2% sản lượng dư thừa của thế giới. Các nhà máy lọc dầu, trung tâm bể chứa và đường ống vẫn nhanh chóng bị đổ đầy, trong khi các tàu chở dầu trên biển đang vận chuyển tới 300 triệu thùng, đang lênh đênh trên biển chờ có người mua.
Một loạt công ty đóng cửa giếng khoan
Với 73 nhân viên, Texland Petroleum – một nhà sản xuất tại mỏ Permian Basin với 1.211 giếng khoan, là một ví dụ điển hình của hàng trăm công ty độc lập đại diện cho "xương sống" của ngành. Hoạt động từ năm 1973, công ty này đã sống sót qua nhiều đợt suy thoái, nhưng luôn tìm cách bán dầu với mức giá ít nhất là có thể hoà vốn.
Tuy nhiên, ở lần này, họ không còn làm được việc đó. Ít nhất 4 khách hàng đã huỷ đơn đặt hàng trong những ngày gần đây, trong đó có 1 khách huỷ hợp đồng 2.000 thùng/ngày có hiệu lực từ ngày 1/5, tương đương với 20% sản lượng của công ty. Jim Wilkes – chủ tịch của Texland, cho hay: "Đây là một khoảng thời gian đáng buồn đối với chúng tôi. Tương lai đang rất u tối vì mức giá thậm chí còn thấp hơn chi phí sản xuất."
Wilkes cho biết công ty ông đã ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất và huỷ bỏ toàn bộ hoạt động bán hàng vào ngày 1/5. Ông giải thích, đóng cửa các giếng khai thác lại là một quá trình tốn kém, khi các công nhân phải bọc vỏ bằng hoá chất để không bị ăn mòn khi dầu ngừng chảy. Hơn nữa, không có gì đảm bảo rằng giếng khoan sẽ được hoạt động trở lại và bơm dầu nhiều như trước đây.
Wilkes chia sẻ rằng ông không có ý định sa thải nhân viên, ít nhất là bây giờ, bởi ông đã nhận được một khoản vay từ Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA) để trả tiền lương cho họ trong 2 tháng. Tuy nhiên, ông không chắc mình có thể xoay xở sau thời gian đó.
Montalban Oil & Gas Operations, một công ty có 200 giếng khoan tại Montana, đang lên kế hoạch ngừng hoạt động toàn bộ giếng trong 10 ngày, khi các giám đốc điều hành dự đoán họ sẽ không còn đủ chỗ chứa dầu. Hiện tại, công ty đã giảm 25% mức lương cho nhân viên, còn mức lương của chủ tịch Patrick Montalban cùng các giám đốc điều hành khác giảm 50%.
Thông thường, các công ty dầu mỏ thường thuê dịch vụ khoan và cắt phá thuỷ lực. Do đó, sự suy thoái đối ngành này cũng là cơn ác mộng của họ. Các công ty dịch vụ đã phải cắt giảm lương, ngân sách trong những tuần gần đây, cũng như hàng nghìn nhà thầu nhỏ hơn thường cung cấp dịch vụ dọn dẹp, kiểm tra địa chấn và cung cấp xe tải.
Các nhà khai thác ngoài biển cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự, khi phải hoãn các quyết định đầu tư và huỷ hợp đồng giàn khoan. Diamond Offshore đã không thể thanh toán lãi đối với khoản nợ của họ hồi tuần trước và phải thuê cố vấn tài chính, pháp lý cho việc tái cấu trúc công ty trong thời gian tới.
Latshaw Drilling – một công ty hoạt động tại Texas và Oklahoma, đã sa thải 300 trong số 500 nhân viên ở 6 tuần vừa qua. Hiện taị họ đang vận hành 41 giàn khoan và đưa thêm 1 giàn khoan nữa vào tuần tới. Trent Latshaw – chủ tịch công ty, cho biết ông tự tin rằng ngành này sẽ hồi phục sau khi dịch bệnh kết thúc.
Tham khảo New York Times