Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Nội: Tạo thuận lợi tối đa cho người dân
Truyền thông - Ngày đăng : 16:34, 20/04/2020
Giảm từ 584 xuống 579 đơn vị
Ngày 6/9/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 2210-TB/TU về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP. Hà Nội, thống nhất chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc 3 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Phúc Thọ, Phú Xuyên.
Theo đó, 3 quận, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Quận Hai Bà Trưng và huyện Phúc Thọ tiến hành nhập 4 đơn vị hành chính cấp xã thành 2 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Phú Xuyên nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã thành 1 đơn vị hành chính cấp xã.
Từ ngày 1/3, phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) mới chính thức hoạt động trên cơ sở hợp nhất phường Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân và một phần phường Ngô Thì Nhậm; phần còn lại của phường Ngô Thì Nhậm hợp nhất với phường Phạm Đình Hổ thành phường Phạm Đình Hổ mới.
Huyện Phúc Thọ cũng đã thành lập xã Xuân Đình trên cơ sở hợp nhất hai xã Cẩm Đình và xã Xuân Phú; thành lập xã Sen Phương trên cơ sở nhập toàn bộ xã Phương Độ và xã Sen Chiểu; thành lập xã Nam Tiến trên cơ sở hợp nhất xã Thụy Phú và xã Văn Nhân.
Như vậy, sau khi sắp xếp, TP. Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã; 579 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn, trong đó có 5 đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành, giảm được 2 đơn vị cấp phường, 3 đơn vị cấp xã.
Ngoài việc sáp nhập địa giới hành chính, các đơn vị cũng tiến hành bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã bảo đảm đúng cơ cấu, số lượng theo Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ.
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động dôi dư sau sáp nhập. TP. Hà Nội cũng đang từng bước bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách cho số cán bộ này.
Đối với các chức danh không chuyên trách không tiếp tục được bố trí (bao gồm các chức danh: trưởng ban tổ chức đảng ủy, trưởng ban tuyên giáo đảng ủy, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, quản lý nhà văn hóa, nhân viên đài truyền thanh…), TP. Hà Nội thực hiện chi hỗ trợ một tháng phụ cấp (hoặc mức bồi dưỡng) cho mỗi năm công tác theo chức danh hiện giữ.
Phương án bố trí kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách mềm dẻo để các địa phương tự lựa chọn, áp dụng linh hoạt nhưng vẫn bảo đảm tất cả các chức danh đều được bố trí theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
(Ảnh minh họa: Hồng Thái)
Tạo thuận lợi tối đa cho người dân
Sau khi thực hiện sáp nhập, các phường mới tại quận Hai Bà Trưng đã khẩn trương ổn định tổ chức bộ máy, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong chuyển đổi giấy tờ hành chính liên quan.
Theo đó, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, Vũ Đại Phong đã quán triệt đến mọi phường, đơn vị liên quan, quá trình này phải tạo mọi thuận lợi để đơn vị hành chính mới hoạt động ổn định, nâng cao đời sống và không ảnh hưởng nhiều đến giao dịch hành chính của người dân; giải quyết chế độ hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức và có lộ trình bố trí đúng số lượng.
Khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan do thay đổi địa giới đơn vị hành chính, người dân không phải nộp bất kỳ loại lệ phí nào, nếu giấy tờ đã được cơ quan thẩm quyền cấp theo đơn vị hành chính cũ chưa hết thời hạn quy định thì vẫn được sử dụng...
Phường Phạm Đình Hổ mới trong thời gian rất ngắn đã tổ chức xong bộ phận một cửa, chỉ đạo cán bộ, công chức tập trung xác nhận chuyển đổi địa chỉ trên giấy tờ cho người dân, báo cáo quận hướng dẫn giải quyết.
Ngay sau lễ ra mắt chiều 1/3, UBND phường Nguyễn Du mới cũng đã phân công ngay cán bộ, công chức trực bộ phận một cửa phục vụ công chứng, đính chính địa chỉ trên những giấy tờ bị ảnh hưởng. UBND phường đã treo biển "cập nhật, chuyển đổi giấy tờ miễn phí cho người dân" tại bộ phận một cửa và thông báo đến các hộ.
Sau sắp xếp lại đơn vị hành chính, các phường mới tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoàn chỉnh quy chế làm việc, duy trì mọi chế độ công tác đảm bảo ổn định; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan, tổ chức, công dân trong sinh hoạt và thực hiện tốt các giao dịch hành chính, dân sự bình thường...
Ngoài ra, các sở, ban, ngành của Hà Nội cũng cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền của các đơn vị hành chính mới để tháo gỡ, giải quyết các khó khăn phát sinh khi đơn vị hành chính mới hoạt động, nhất là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động giao dịch của tổ chức và công dân.