Long An tăng cường thêm kênh Zalo thúc đẩy cải cách hành chính
Diễn đàn - Ngày đăng : 11:10, 20/04/2020
Sử dụng Zalo trong xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT)
Tuy mới bước đầu đưa ứng dụng Zalo vào xây dựng CQĐT, nhất là việc triển khai mô hình ứng dụng Zalo vào công tác cải cách hành chính (CCHC) - Kênh Zalo "CQĐT Long An", góp phần giúp người dân, tổ chức tra cứu và nhận kết quả nhiều TTHC liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, cấp đổi sổ hạ khẩu, thành lập hộ kinh doanh, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại… nhanh, thuận lợi, kịp thời.
Tỉnh xác định việc đưa ứng dụng Zalo trong xây dựng CQĐT nhằm mục đích cung cấp dịch vụ hành chính công (HCC), văn phòng điện tử, nâng cao hiệu quả hệ thống tương tác giữa người dân với chính quyền, cơ quan nhà nước, các đơn vị.
Đến nay, kênh Zalo "CQĐT Long An" được tích hợp vào phần mềm "Một cửa điện tử" tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh và Trung tâm HCC các huyện, thị xã, thành phố (web: Zalo.me/cqdtlongan).
Theo thông tin từ Sở TT&TT tỉnh, việc triển khai mô hình ứng dụng Zalo vào công tác CCHC, đáp ứng mô hình xây dựng CQĐT 4.0. Chính bước đột phá này góp phần mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng, tăng cường sự tương tác giữa người dân và chính quyền trên môi trường mạng, đồng thời nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC.
Kênh Zalo "CQĐT Long An" ra đời được coi là bước tiến mạnh mẽ của tỉnh trong công tác CCHC, đáp ứng được mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào phục vụ CQĐT, xây dựng kênh thông tin tương tác hữu ích với người dân.
Đồng bộ nhiều giải pháp số hóa nền HCC
Ngoài việc sử dụng Zalo xây dựng CQĐT, tỉnh còn tập trung ban hành văn bản, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội địa phương, trong đó ưu tiên đầu tư tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng CNTT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC các cơ quan Nhà nước.
Năm 2019, tỉnh Long An xếp thứ 6/63 tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số thành phần mức độ sẵn sàng cung cấp DVC trực tuyến trong xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT-INDEX). Cổng DVC trực tuyến của tỉnh cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 2; 827 DVC trực tuyến mức độ 3 (đạt 45%) và 198 DVC trực tuyến mức độ 4 (đạt 11%).
Các Trung tâm HCC bước đầu phối hợp Bưu điện tỉnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trên Cổng DVC, kết hợp tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 100% cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản và mạng nội bộ để trao đổi công việc. Hệ thống một cửa điện tử được triển khai, sử dụng đồng bộ đếncác sở, ngành, huyện, địa phương. Qua đó, đáp ứng, phục vụ tốt việc tiếp nhận luân chuyển, xử lý, theo dõi, công bố tình trạng giải quyết đúng thẩm quyền đối với từng loại TTHC trên môi trường mạng.
Trong thời gian cùng cả nước đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Cần ký công văn số 1790/UBND-VHXH về việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ liên quan đến thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, yêu cầu: "Các Trung tâm Phục vụ HCC trên địa bàn tỉnh tạm dừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, chuyển sang tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích".
Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành Chỉ thị về việc tăng cường cung cấp và nâng cao hiệu quả sử dụng DVC trực tuyến, yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ sở phải tập trung quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về cung cấp, sử dụng DVC trực tuyến cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, xem đây là nhiệm chính trị quan trọng phải tập trung thực hiện.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng phương thức làm việc, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để cán bộ thiếu tinh thần, trách nhiệm làm việc tại bộ phận "một cửa", tuyển chọn đội ngũ cán bộ có năng lực trong thực thi công vụ.
Với những đổi mới, đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng CQĐT, Long An sớm đạt những mục tiêu số hóa trên nền HCC.