TP. Hồ Chí Minh tăng cường tuyên truyền sử dụng dịch vụ công
Chính phủ số - Ngày đăng : 10:58, 20/04/2020
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, thực hiện mục tiêu CCHC năm 2020, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh triển khai mở rộng áp dụng các mô hình, sáng kiến, cách làm hay, ứng dụng CNTT trong hoạt động CQHC phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Công tác kiểm tra về quy tắc ứng xử thường xuyên được thực hiện và kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót.
Cụ thể, tính đến ngày 28/2, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 16 quyết định phê duyệt 557 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của 3 cấp trên địa bàn TP. Tính đến tháng 3/2020, tổng số dịch vụ công (DVC) trực tuyến là 668/1.786 TTHC; trong đó, mức độ 3 là 433/1.786 TTHC và mức độ 4 là 235/1.786 TTHC.
Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thúc đẩy xây dựng và triển khai chính quyền điện tử từ thành phố đến cơ sở; tổ chức triển khai xây dựng hạ tầng mạng CNTT và tăng cường an toàn thông tin cho hệ thống này nhằm phục vụ hoạt động hiệu quả của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, DN.
Cùng với đó, Thành phố triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu có các dịch vụ dùng chung để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị tại thành phố, và đóng vai trò trung gian phục vụ kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ của thành phố với các hệ thống bên ngoài.
Cũng theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, Thành phố sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động CCHC các cấp.
Thành phố cũng tổ chức phát động các phong trào thi đua, phát huy sự sáng tạo, cải tiến trong CCHC, ứng dụng CNTT để phục vụ cá nhân và DN. Mặt khác, đẩy mạnh công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, DN đối với phục vụ của CQHC trên toàn địa bàn thành phố, thường xuyên theo dõi, phải có các giải pháp cải thiện sự hài lòng và khắc phục hồ sơ trễ hạn.
Bên cạnh đó, Thành phố tiến hành triển khai đúng tiến độ Đề án chính quyền đô thị và Đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP trong giai đoạn 2019 - 2021; kế hoạch thực hiện Đề án "Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025" và Kiến trúc chính quyền điện tử tại TP.
Ngoài ra, Thành phố cũng xây dựng giải pháp đẩy mạnh DVC trực tuyến, khung pháp lý cho thanh toán điện tử, khuyến khích tuyên truyền người dân thực hiện DVC trực tuyến hoặc sử dụng DVC đã được xã hội hóa.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị tăng cường sử dụng DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ bưu chính công ích nhằm hạn chế việc tập trung đông người tại trụ sở các cơ quan để làm TTHC, góp phần phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, các đơn vị tăng cường tuyên truyền thông qua sử dụng các kênh giao tiếp trên các trang mạng xã hội, hình thức trực tuyến để hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại Cổng DVC quốc gia (dichvucong.gov.vn), Cổng DVC của thành phố (dvc.hochiminhcity.gov.vn) và trang DVC trực tuyến của các sở, ngành, UBND các quận, huyện.
Các đơn vị phải bố trí nhân sự hướng dẫn, trao đổi qua hộp thư điện tử, tin nhắn, điện thoại, đường dây nóng, bảo đảm trả lời các phản ánh, kiến nghị TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị; thực hiện rà soát, công khai TTHC để thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận và sử dụng DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu Sở Tài chính đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện áp dụng nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân, DN.