Quyết sách phát triển CNTT của Bắc Giang: Nền tảng vững chắc xây dựng Chính quyền điện tử
Chính phủ số - Ngày đăng : 16:41, 17/04/2020
Mục tiêu cụ thể và sát thực
Để tạo sự phát triển bền vững, toàn diện đối với phát triển CNTT, ngày 4/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 433-NQ/TU về "Phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025". Nghị quyết đặt ra các mục tiêu cụ thể và sát thực.
Theo đó, giai đoạn 2019-2020, Bắc Giang tiếp tục nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; triển khai 100% cáp quang đến các sở, ban, ngành và UBND các huyện, TP, xã, phường, thị trấn. Đến năm 2025, hơn 70% hệ thống phần mềm chuyên ngành, cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, địa phương (có nhu cầu kết nối) được kết nối, liên thông, đồng bộ trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang.
Trên cơ sở Nghị quyết số 433-NQ/TU, mỗi năm tỉnh Bắc Giang sẽ bố trí khoảng 60 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư hoàn thiện các hệ thống cốt lõi xây dựng Chính quyền điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Từ năm 2021 - 2025, Bắc Giang phấn đấu bố trí ngân sách cho nhiệm vụ phát triển CNTT mỗi năm tăng thêm so với năm trước tương ứng theo tỷ lệ tăng thu ngân sách tỉnh.
Khi nguồn ngân sách địa phương đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm cho phát triển CNTT thì đến năm 2025, hệ thống hạ tầng CNTT của tỉnh Bắc Giang sẽ cơ bản hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, an toàn; đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT sâu rộng trong hoạt động của cả hệ thống chính trị, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công, xây dựng thành công Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang.
Ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thành viên thường trực Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh khẳng định: Nghị quyết về phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 có vai trò quan trọng. Nghị quyết tạo thêm cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển hạ tầng CNTT.
Thông qua đó, Nghị quyết cũng thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT đồng bộ, hiện đại, liên thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn theo quy định, tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0...; tạo động lực xây dựng tỉnh Bắc Giang ứng dụng CNTT sáng tạo, thông minh, có nền kinh tế phát triển trên nền tảng kỹ thuật số (nền kinh tế số).
Chú trọng nhân lực CNTT, tăng cường kỹ năng sử dụng CNTT cho người dân
Cùng với phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực CNTT cũng được tỉnh quan tâm, từng bước đào tạo tiến tới đạt chuẩn theo quy định; nhận thức, trình độ, kỹ năng sử dụng các ứng dụng CNTT của người dân được nâng lên, bảo đảm khai khác có hiệu quả những tiện ích của chính quyền điện tử.
Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bắc Giang đều được trang bị kiến thức ứng dụng CNTT cơ bản (Ảnh Thanh Hòa)
Để đạt được mục tiêu này, ngay từ năm 2016, tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định 1055/QĐ-UBND về chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, Quyết định đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể, đó là: xây dựng nguồn nhân lực CNTT đủ phẩm chất, năng lực làm chủ công nghệ, đảm bảo đủ nhân lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh. Đến năm 2020, 100% cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) các cấp, các ngành có thể sử dụng các ứng dụng CNTT phục vụ cho nhu cầu công việc; 100% sở, ngành tỉnh và 100%
Đồng thời, Quyết định cũng nêu rõ tăng cường cơ sở pháp lý cho xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực CNTT; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các loại cơ sở đào tạo CNTT trên địa bàn tỉnh; Đảm bảo đủ nhân lực đáp ứng được sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh; Không ngừng nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng các ứng dụng và dịch vụ CNTT cho toàn tỉnh; Tăng cường thu hút cán bộ trẻ, có năng lực để đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia CNTT có đủ năng lực quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin của tỉnh…
Có thể khẳng định, đây là bước đi sáng suốt, đi trước một bước trong quyết tâm thực hiện nhiệm vụ phát triển CNTT, xây dựng chính phủ điện tử, phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.
Kết quả khả quan
Với những bước đi đúng đắn, đến nay, tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Cụ thể, về phát triển hạ tầng thông tin, tỉnh Bắc Giang đã triển khai, kết nối cáp quang trực tiếp qua hệ thống mạng tin học diện rộng (WAN) từ Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đến 22 sở, ngành và mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 10/10 UBND huyện, thành phố. Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, Trung tâm Hành chính công của tỉnh được xây dựng và vận hành duy trì hoạt động ổn định; hệ thống hội nghị truyền hình được trang bị từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành kịp thời, thông suốt của lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành.
Máy tính đã được trang bị cho 100% CBCCVC các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có trung bình 14,9 máy tính/xã. 100% máy tính của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã có kết nối mạng LAN và mạng Internet tốc độ cao (trừ máy tính soạn thảo văn bản mật) để phục vụ công việc.
Về nguồn nhân lực CNTT, đến nay trên địa bàn tỉnh có 17/20 sở, ngành, 6/10 UBND huyện, thành phố đã bố trí cán bộ làm nhiệm vụ chuyên trách CNTT, còn lại bố trí cán bộ kiêm nhiệm. 100% CBCCVC làm việc trong các cơ quan nhà nước có trình độ ứng dụng CNTT cơ bản đáp ứng và phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Trên cơ sở đó, việc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang thời gian qua đã được triển khai hiệu quả, đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân và các tổ chức một cách thuận tiện. Cụ thể, đến nay 100% các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã đã triển khai việc ứng dụng một cửa điện tử (MCĐT). Phần mềm MCĐT của các sở, ngành đã kết nối liên thông với Văn phòng UBND tỉnh; phần mềm MCĐT của các xã, phường, thị trấn đã kết nối liên thông với phần mềm MCĐT của các huyện, thành phố; phần mềm MCĐT của một số cơ quan chuyên môn đã kết nối liên thông đến một số ngành dọc ở Trung ương.
Cùng với đó, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành công việc đã được triển khai đến 100% các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc của 16/20 sở, ngành. Đồng thời, 100% các huyện, thành phố đã triển khai phần mềm liên thông đến cấp xã. Hiện tại hệ thống cũng đã được nâng cấp, chuẩn hóa đảm bảo liên thông 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) và tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ.
Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Giang được duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả (Ảnh :Thanh Hòa)
Đặc biệt, đến nay, 100% các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã có trang thông tin điện tử (TTĐT) để cung cấp thông tin và dịch vụ công nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan và phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong tổng số 2.490 thủ tục hành chính của tỉnh, Trang TTĐT của các cấp, các ngành đã cung cấp được 1.558 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2; 660 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 272 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4…
Với những kết quả đạt được từ nỗ lực phát triển CNTT suốt nhiều năm qua, tin tưởng rằng, Bắc Giang sẽ sớm xây dựng thành công chính quyền điện tử trong tương lai không xa, đáp ứng hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.