Vấn nạn mùa COVID-19 ở Mỹ: Nhân viên làm giả kết quả dương tính với virus corona, công ty thiệt hại nặng
Kinh tế số - Ngày đăng : 14:30, 16/04/2020
Trong khi các doanh nghiệp Mỹ đang chật vật đối phó với đại dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vừa đưa ra cảnh báo rằng các doanh nghiệp nước này cần để tâm đến một nguy cơ nữa: Đó là tình trạng các nhân viên làm giả kết quả xét nghiệm virus corona chủng mới.
Theo hãng tin CNN (Mỹ), bản báo cáo vừa được Văn phòng Khối Tư nhân của FBI gửi tới các doanh nghiệp tại Mỹ hôm thứ Hai (13/4) vừa qua đã khuyến nghị các lãnh đạo doanh nghiệp cần chú ý kiểm tra kỹ các giấy tờ bệnh án và các giấy tờ y tế liên quan tới kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính, để đề phòng trường hợp nhân viên của họ làm giả kết quả xét nghiệm.
Báo cáo của FBI nhấn mạnh rằng những biện pháp giải quyết (ví dụ như khử trùng nơi làm việc) sau khi phát hiện ca dương tính có thể khiến công ty thiệt hại tài chính rất lớn.
Việc khử trùng toàn bộ công ty rất tốn kém. Ảnh minh họa
Cụ thể, báo cáo này đã trích dẫn một sự việc xảy ra hồi tháng 3 vừa qua, khi một nhân viên của một "công ty sản xuất quan trọng" đã thông báo với sếp của mình rằng người này đã có xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới và gửi kèm bệnh án để chứng minh tình trạng của mình.
"Để ngăn chặn virus lây lan, công ty này đã quyết định đóng cửa nhà máy để khử trùng, ngừng sản xuất và tạm dừng cung cấp nguyên vật liệu cần thiết cho nhà máy. Công ty cũng thông báo cho tất cả nhân viên trong nhà máy, trong đó có 4 công nhân có tiếp xúc gần với nhân viên bị nhiễm bệnh được yêu cầu tự cách ly", CNN trích dẫn báo cáo củra FBI.
Tuy nhiên, sau khi xem xét bệnh án của nhân viên nghi nhiễm COVID-19, các quản lý của công ty đã cảm thấy nghi ngờ về độ xác thực của các tài liệu này, bởi bức thư thông báo kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính không phải là mẫu thư chính thống từ cơ sở y tế. Sau khi liên hệ với số điện thoại được in trong tài liệu, họ mới phát hiện ra rằng số điện thoại này không phải là của cơ sở xét nghiệm virus corona chủng mới.
Nhiều công ty thiệt hại nặng nề vì nhân viên gửi kết quả xét nghiệm giả
Ước tính công ty sản xuất nói trên đã phải gánh chịu khoản thiệt hại hơn 175.000 USD do vụ lừa đảo này. Những người liên quan cũng phải chịu tổn thất ít nhiều về tài chính và tinh thần.
Do vậy, FBI đã đưa ra lời khuyên rằng các công ty nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhất định để tránh rơi vào trường hợp bị lừa như trên:
Thứ nhất, các doanh nghiệp nên liên hệ ngay với các cơ sở y tế để xác nhận tính chính xác của các tài liệu y tế liên quan tới xét nghiệm COVID-19.
Thứ hai, các quản lý cũng nên đặc biệt lưu tâm về sự không nhất quán của phông chữ và khoảng cách, hoặc chữ ký - đó là những dấu hiệu có thể cho thấy một tài liệu đã được chỉnh sửa trên máy tính.
Thứ ba, các công ty cũng nên tìm hiểu các tài liệu y tế đã từng phát hành trước đó của các cơ sở y tế để nắm được cấu trúc và định dạng quy chuẩn của văn bản tại mỗi cơ sở.
Vụ việc được nêu trong báo cáo của FBI chỉ là một trong hàng loạt các vụ lừa đảo mới được phát hiện gần đây. Hồi tháng trước, một nhân viên 18 tuổi làm việc cho chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald tại Canada đã bị bắt và bị buộc tội làm giả kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới, theo CNN.
Theo cảnh sát bang Ontario: "Nhà hàng McDonald nơi nhân viên này làm việc đã phải đóng cửa trong nhiều ngày để tiến hành khử trùng. Việc làm giả xét nghiệm này đã gây ra tác động tiêu cực tới khách hàng và nhiều nhân viên khác trong cửa hàng, khiến cho cảnh sát phải can thiệp".
Tháng trước, một người đàn ông ở bang Nam Carolina (Mỹ) đã bị bắt giữ và phải đối mặt với cáo buộc gửi kết quả xét nghiệm COVID-19 giả mạo cho sếp của mình. Nơi làm việc của anh ta đã phải ngừng hoạt động trong 5 ngày để khử trùng. Cảnh sát trưởng hạt Spartanburg, ông Chuck Wright nói với hãng tin WSPA rằng "có lẽ anh ta không muốn đi làm 2 tuần nhưng vẫn muốn được hưởng lương như bình thường".