Nghiên cứu: Có thể người không có triệu chứng mới có nguy cơ lây lan bệnh COVID-19 cao nhất
Kinh tế số - Ngày đăng : 11:59, 16/04/2020
CNN dẫn nguồn tạp chí y khoa Nature cho biết có thể virus SARS-CoV-2 có cơ chế lây lan khác với "họ hàng" là virus SARS.
Sau khi tổng hợp dữ liệu từ 414 mẫu dịch họng từ 94 bệnh nhân - từ lúc triệu chứng bùng phát cho tới 32 ngày sau đó - các nhà khoa học của nghiên cứu viết: "Chúng tôi thấy khối lượng virus trong các mẫu dịch ở họng cao nhất vào thời điểm bắt đầu có triệu chứng, và điều này có thể hiểu là bệnh nhân dễ lây bệnh cho người khác nhất vào thời điểm trước hoặc ngay khi có triệu chứng ban đầu".
Có thể thấy, giai đoạn dễ lây lan nhất có thể sẽ bắt đầu từ 2 tới 3 ngày trước khi triệu chứng bệnh xuất hiện. Số lượng virus mà người bệnh phát tán ra bên ngoài dường như giảm sau khi bệnh nhân ốm nặng hơn và dần dần giảm cho tới ngày thứ 21 sau khi nhiễm bệnh. Không có sự khác biệt đáng kể trong số lượng virus giữa nam và nữ, các nhóm tuổi và các nhóm bệnh lý khác nhau. Các biện pháp phòng tránh như cách ly và giãn cách có thể giảm một lượng lớn nguy cơ lây nhiễm từ người sang người.
Sự lây lan của virus corona chủng mới dường như khác biệt với SARS và giống với bệnh cúm nhiều hơn. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, khả năng lây nhiễm của SARS bắt đầu tăng khoảng 7-10 ngày sau khi có triệu chứng bệnh trong khi bệnh nhân cúm thường dễ lây cho người khác nhất khi họ bắt đầu phát bệnh.
Các nhà nghiên cứu qua đó cũng đưa ra cảnh báo rằng các công tác can thiệp y tế - ví dụ như truy dấu tiếp xúc - cần phải được điều chỉnh bởi có rủi ro rất cao khi những người nhiễm bệnh chưa có triệu chứng có thể lây lan cho nhiều người khác trước khi được phát hiện.
Việc xét nghiệm không nên chỉ giới hạn đối với những người đã có triệu chứng bệnh, mà cần phải xét nghiệm trên diện rộng, kể cả đối với những người "vẫn cảm thấy khỏe mạnh".
"Truy dấu tiếp xúc và giới hạn các đối tượng có nguy cơ gây truyền nhiễm từ 2 tới 3 ngày trước khi họ bắt đầu có triệu chứng là việc cần phải làm để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh".
Nghiên cứu này cũng có một số hạn chế nhất định, ví dụ như các nhà nghiên cứu phải phụ thuộc vào lời kể của bệnh nhân về thời điểm bắt đầu có triệu chứng đầu tiên. Vì vậy, kết quả sẽ có một số sai số.
Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn có kết quả tương đồng với các phát hiện khác, cho thấy trên thực tế những người không có triệu chứng đã "góp phần" lớn trong quá trình lây lan dịch COVID-19.
Do đó, cách ly người tiếp xúc gần với bệnh nhân, tăng cường rửa tay, sử dụng khẩu trang kể cả khi không có triệu chứng bệnh vẫn là những biện pháp đề phòng hợp lí để phòng chống dịch bệnh - nghiên cứu đề xuất.