Bổ sung tín dụng hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Truyền thông - Ngày đăng : 16:09, 13/04/2020
Thời gian vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố đã nhanh chóng thực hiện chính sách hỗ trợ bằng cách chuyển nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để kịp thời hỗ trợ những người dân gặp khó khăn trong mùa dịch.
Giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh TP. Hà Nội. (Ảnh: Thảo Nguyên)
Mới đây, Hà Nội đã ủy thác sang chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội năm 2020 (đợt 1) là 650 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu vốn cần thiết bổ sung để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh Covid-19. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài ra, thành phố cũng kêu gọi đóng góp, huy động nguồn lực toàn xã hội chung tay giúp đỡ người nghèo, khó khăn và thiếu việc làm vượt qua thời gian này.
UBND TP. Hà Nội đề nghị Chi nhánh NHCSXH thành phố sau khi nhận được nguồn vốn cấp, cần chủ động phối hợp với các địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác tập trung giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng để họ khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo thiết thực và hiệu quả.
Theo đó về đối tượng được vay, trước hết ưu tiên cho các hộ được giãn nợ, gia hạn nợ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Tiếp đến là cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn và các đối tượng chính sách khác. Cuối cùng là cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút lao động.
Về ngành nghề cho vay, sẽ ưu tiên các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; các ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung ứng lương thực, thực phẩm, y tế cho nhân dân và các ngành nghề dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn.
Sau đợt giao vốn ủy thác này, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục bố trí vốn đợt tiếp theo từ nguồn kết dư ngân sách thành phố năm 2019 theo đúng Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Sự đồng hành kịp thời của chính quyền địa phương và NHCSXH với người dân là một giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an sinh xã hội. (Ảnh minh họa: Thanh Hải)
Trước đó, tháng 3/2020, TP. Hồ Chí Minh cũng đã chuyển 760 tỷ đồng ngân sách địa phương qua NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách của thành phố cũng như những người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Giám đốc NHCSXH TP. Hồ Chí Minh Trần Văn Tiên cho biết, dự kiến nguồn vốn này sẽ được giải ngân cho 48.016 hộ có nhu cầu vay bổ sung và vay mới đến hết tháng 5/2020. Chi nhánh sẽ tiếp tục đề nghị Thành phố bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm sau khi đơn vị giải ngân hết để hỗ trợ kịp thời cho người lao động và đối tượng chính sách.
Cũng trong kế hoạch, TP. Đà Nẵng và các quận, huyện cũng đã chuyển gần 194 tỷ đồng trong tổng số 260 tỷ đồng năm 2020 từ ngân sách ủy thác qua NHCSXH để đáp ứng vốn cho khoảng 6.500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19. UBND TP. Đà Nẵng cho biết sẽ tiếp tục và sẵn sàng bổ sung ngay nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH theo kế hoạch trong thời gian tới để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng lên ngoài kế hoạch.
Theo NHCSXH, ngay từ tháng 1/2020, đơn vị này đã chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố liên tục nắm bắt tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại đến các khách hàng vay vốn để thực hiện các biện pháp như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, hướng dẫn các khách hàng rủi ro do dịch bệnh hoặc do nguyên nhân khách quan khác, đủ điều kiện xử lý, lập hồ sơ theo quy định.
Cùng với đó, NHCSXH đã chủ động báo cáo Hội đồng Quản trị NHCSXH trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm lãi vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nếu phương án được thông qua, từ 01/4/2020 đến hết năm 2020 hộ nghèo và các chương trình có lãi suất bằng hộ nghèo hoặc tham chiếu theo mức lãi suất cho vay hộ nghèo được giảm lãi vay 15% và các đối tượng chính sách ở các chương trình khác giảm 10%.
Tính đến cuối tháng 3/2020, NHCSXH đã gia hạn nợ cho 5.781 món vay; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 606 món với số tiền gốc hơn 14,4 tỷ đồng. Cho vay bổ sung để duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh 1.757 món vay với số tiền trên 51,6 tỷ đồng.
Sự đồng hành kịp thời của chính quyền địa phương và NHCSXH với người dân là một giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống.