2 triệu tỷ đồng có nguy cơ rơi vào nợ xấu, kéo lùi những thành quả cải thiện sức khỏe hệ thống ngân hàng những năm qua

Phát triển doanh nghiệp số - Ngày đăng : 15:08, 13/04/2020

Các chuyên gia bày tỏ lo ngại với nguy cơ nợ xấu tăng cao trong bối cảnh kinh tế suy giảm vì dịch bệnh. Ngành ngân hàng đã có một năm 2019 ý nghĩa khi lợi nhuận cao, chuẩn bị bước vào giai đoạn mới thực hiện Basel II. Nhưng rất tiếc là dịch bệnh bất ngờ ập đến và những gì đã làm được trong năm 2019 sẽ bị tác động mạnh.

Vào sáng nay (13/04/2020), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I năm 2020".

Báo cáo cho biết, tỷ giá VND/USD năm nay chịu nhiều sức ép tăng. Trong quý 1/2020, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 1% so với cuối năm 2019.

Dự báo trong quý tới, tỷ giá chịu sức ép tăng do lo sợ về tác động của dịch bệnh đến kinh tế thế giới, sự sụt giảm doanh thu từ ngành du lịch, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị gián đoạn.

"Tuy nhiên, có điểm tốt hơn so với các năm trước là dự trữ ngoại hối đã đạt 84 tỷ đô la và Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ kiểm soát tỷ giá và ổn định tiền tệ tốt nhất, và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết", PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR nhận định.

Trên thị trường tiền tệ, trong quý 1, NHNN đã hạ một loạt lãi suất điều hành từ 0,25 – 1 điểm phần trăm. Theo Tổng cục thống kê, cung tiền M2 tăng 1,55%; huy động tăng 0,51%; tín dụng tăng 0,68%, thấp nhất trong vòng 3 năm.

"Tăng trưởng tín dụng trong quý 1 chủ yếu nhờ tháng 3 sau khi NHNN có biện pháp hỗ trợ lãi suất, bơm thanh khoản cho hệ thống", TS. Phạm Thế Anh cho biết.

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay dao động trong khoảng 9-14%, tương đương với bơm thêm 900 nghìn tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế. VEPR cho rằng, đây là mục tiêu khá tham vọng trong bối cảnh kinh tế suy giảm.

"Đây là mục tiêu, tuy nhiên đạt được hay không còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trong nước và các doanh nghiệp có quay trở lại đầu tư hay không", vị chuyên gia nhận định.

VEPR cũng cho rằng, hiện nay, theo ước tính thì có 2 triệu tỷ đồng vay nợ có nguy cơ rơi vào nợ xấu và cũng là nguy cơ kéo lùi những thành quả cải thiện sức khỏe hệ thống ngân hàng trong những năm qua.

PGS. TS Phạm Thế Anh cho rằng ngành ngân hàng sẽ có tăng trưởng tín dụng khá nhưng chất lượng tăng trưởng lại là vấn đề khác. Đồng thời, tín dụng ra nền kinh tế trong năm nay chủ yếu dưới dạng hỗ trợ doanh nghiệp, người mất việc, hộ gia đình dừng sản xuất. Do đó, tín dụng được thực hiện qua NHCSXH sẽ lớn hơn nguồn tín dụng qua các ngân hàng thương mại.

Trong cuộc tọa đàm, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ nhiều lo ngại với hệ thống ngân hàng trước tác động của dịch bệnh.

"Ngành ngân hàng đã có một năm 2019 với nhiều thành công khi lợi nhuận cao, chuẩn bị bước vào giai đoạn mới thực hiện Basel II. Nhưng rất tiếc là dịch bệnh ập đến và những gì đã làm trong năm 2019 sẽ bị ảnh hưởng mạnh", vị chuyên gia nhận định.

Ông Hiếu nói thêm "Nếu đến cuối tháng 6, dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được, tôi hết sức lo ngại cho thanh khoản của ngân hàng dù hiện tại, thanh khoản vẫn đang rất tốt do tiền gửi có thể chậm đi rất nhiều khi người lao động rút tiền ra để chi trả cho cuộc sống". Bên cạnh đó, nợ xấu có nguy cơ tăng cao khi nhiều người đi vay không chỉ vay ngân hàng mà còn các công ty tài chính đang ở tình trạng khó trả nợ.

2 triệu tỷ đồng có nguy cơ rơi vào nợ xấu, kéo lùi những thành quả cải thiện sức khỏe hệ thống ngân hàng những năm qua - Ảnh 1.

Ngọc Bích